Công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tính đến ngày 10-8

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì Họp báo (Ảnh: TTBC TP.HCM).

Công tác điều trị đối với F0

Đồng chí Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhằm tiếp cận nhanh nhất thông tin cấp cứu từ người dân để giải quyết kịp thời việc đưa người F0 không triệu chứng, khi có triệu chứng được chuyển sang khu điều trị phù hợp, Thành phố đã chuyển cơ sở cũ của Trung tâm cấp cứu 115 về Khu công nghệ Quang Trung, mở rộng đường truyền tiếp nhận thông tin từ 6-8 lên đến 40-55 đường truyền.

Ngoài ra, Thành phố đã tiếp nhận 40 xe cấp cứu từ nguồn tài trợ, phân bổ tại 4 khu vực TP. Thủ Đức, quận Bình Tân, Quận 12 và huyện Hóc Môn. Cùng với đó, bổ sung thêm lượng xe cấp cứu bằng taxi từ sự hỗ trợ của các tập đoàn taxi. Các xe taxi này đều được trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu cần thiết như máy thở, bình ô-xy, test nhanh.

Cùng với các trung tâm hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 đã hoạt động, ngày 7-8, Thành phố đã đưa vào hoạt động 3 trung tâm hồi sức tích cực với quy mô 1.500 giường với lực lượng nhân sự nòng cốt đến từ 3 bệnh viện tuyến cuối là Việt Đức, Bạch Mai và Trung ương Huế. Đặc biệt, các trung tâm này đều được trang bị các trang thiết bị hiện đại như máy thở, máy lọc máu, hệ thống ECMO, ô-xy trung tâm…, đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân nặng.


Ngày 7-8, được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Thành phố đã đưa vào hoạt động 3 trung tâm hồi sức tích cực với quy mô 1.500 giường.

Dự kiến hết ngày 12-8-2021, Thành phố sẽ tiêm hết 4.111.040 liều vắc-xin được phân bổ

Liên quan đến vắc-xin phòng COVID-19, Sở Y tế cũng cho biết, tính đến ngày 9-8-2021, TP.HCM đã nhận 17 đợt phân bổ vắc-xin của Bộ Y tế với tổng số 4.111.040 liều.

Thành phố đã tổ chức các đợt tiêm chủng 1, 2, 3, 4 từ ngày 8-3-2021 đến ngày 30-6-2021, với tổng số vắc xin được phân bổ cho 4 đợt này là 923.050 liều.

Thành phố tổ chức tiêm chủng đợt 5 từ ngày 20-7-2021 đến nay với tổng số vắc-xin được phân bổ là 3.187.990 liều (từ đợt phân bổ số 6 đến số 17 và sáng ngày 9-8-2021). Tính đến 12 giờ 00 ngày 9-8-2021, Thành phố đã tiêm tổng cộng 2.439.118 mũi tiêm, trong 3.187.990 liều vắc-xin được cấp.

Như vậy tính từ ngày 8-3-2021 đến 12 giờ 00 ngày 9-8-2021, Thành phố đã tổ chức tiêm được 3.430.990 mũi tiêm trong tổng số 4.111.040 liều vắc-xin đã được nhận.

Tốc độ tiêm chủng tăng nhanh trong thời gian qua, trung bình mỗi ngày tiêm được hơn 200.000 mũi, có thể tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm 250.000-300.000 mũi/ngày.

Với số vắc-xin còn lại là 913.204 liều đã cấp phát cho các đơn vị tiêm chủng (gồm 321.304 liều tồn đến 12 giờ 00 ngày 9-8-2021và 591.900 liều mới được tiếp nhận sáng ngày 9-8-2021). Dự kiến đến hết ngày 12-8-2021, Thành phố sẽ sử dụng hết số vắc-xin được phân bổ.

UBND thành phố đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ vắc-xin trong tháng 8 với khoảng 5,5 triệu liều (bao gồm mũi 1 và những người đủ điều kiện tiêm mũi 2) để đạt mục tiêu bao phủ vắc-xin cho trên 70% người dân Thành phố.


Tiêm vắc-xin cho người dân tại TP.HCM

Remdesivir là thuốc kháng virus tiêm qua đường tĩnh mạch, được Cơ quan Quản lý thực phẩm và tược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt từ cuối tháng 10-2020 để điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trung bình và nặng cần hỗ trợ ô-xy.

Theo Sở Y tế, ngày 8-8, Thành phố đã tiếp nhận lô thuốc Remdesivir đầu tiên do Bộ Y tế cấp với 10.000 lọ. Lô thuốc này được phân bổ kịp thời về các trung tâm hồi sức tích cực của Thành phố để đưa vào sử dụng điều trị bệnh nhân COVID-19.


Lô thuốc Remdesivir trị COVID-19 đầu tiên do Vingroup tặng Bộ Y tế, về đến sân bay Tân Sơn Nhất đêm 5-8.

Chờ kết quả thẩm định lô vắc-xin Sinopharm

Lý giải việc tổ chức tiêm vắc-xin Vero Cell cho Tập đoàn FPT vào sáng nay, Sở Y tế cho biết, trong đợt 6, Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM 19.000 liều vắc xin Vero Cell (nguồn tài trợ), Thành phố triển khai tiêm số lượng vắc-xin này dựa trên văn bản đề xuất của các đơn vị cụ thể, trong đó có Tập đoàn FPT. Riêng lô vắc-xin Sinopharm hiện nay đã nhờ Bộ Y tế thẩm định vẫn đang chờ ý kiến của Bộ Y tế nên chưa triển khai tiêm cho người dân.

Số liệu vắc-xin có sự chênh lệnh giữa TP.HCM và Bộ Y tế

Trả lời câu hỏi của báo chí về số liệu vắc-xin có sự chênh lệch giữa Bộ Y tế và TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP.HCM báo cáo số liệu vắc-xin được phân bổ riêng cho TP.HCM còn Bộ Y tế công bố theo số liệu bao gồm cả số lượng vắc-xin phân bổ cho lực lượng Quân đội, Công an, các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM, nên số liệu của TPHCM và Bộ Y tế có sự chênh lệch với nhau. Tuy nhiên, số liệu của cả hai bên đều đúng”.

Mở rộng các gói hỗ trợ cho người dân khó khăn do COVID-19

Về việc thực hiện gói hỗ trợ lần 2 của Thành phố, tính đến hiện tại, Thành phố đã hỗ trợ 92% lao động bị hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương (52.000/56.000 người), 100% hộ kinh doanh, cá thể dừng hoạt động theo Chỉ thị 16 (5.800/5.800 hộ), 94% hộ tư nhân buôn bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn quận - huyện (15.000/16.500 trường hợp), 100% lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động (365.394/365.394 người) với kinh phí 576 tỷ đồng.

Liên quan đến chính sách cho vay để trả lương người lao động, có 44 doanh nghiệp đăng kí vay cho 9.600 công nhân với kinh phí 75 tỷ đồng.

Riêng chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên thuộc các công ty du lịch (Sở Du lịch) là 6.000 người với kinh phí trên 23 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ cho đạo diễn, diễn viên là 139 người với kinh phí trên 500 triệu đồng.

Thành phố tiếp tục mở rộng các gói hỗ trợ cho người dân khó khăn, thực hiện tiếp gói hỗ trợ đợt 3 với 900 tỷ cho 3 nhóm đối tượng. Cụ thể, hỗ trợ thêm 1,5 triệu/người cho hơn 365.000 lao động tự do không được kí kết hợp đồng lao động (phấn đấu đến ngày 15-8 phải đưa gói hỗ trợ tận tay người dân); hỗ trợ 1,5 triệu/hộ (1,2 triệu tiền mặt cùng quà tặng trị giá 300 nghìn đồng) cho 90.585 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; hỗ trợ 1,5 triệu/hộ (1,2 triệu tiền mặt cùng quà tặng trị giá 300 nghìn đồng) cho 174.000 hộ lao động gặp khó khăn đang ở nhà trọ, xóm nghèo, khu lưu trú, khu phong toả (không phân biệt thường trú hay tạm trú). Các khoản hỗ trợ này sẽ được chuyển qua tài khoản cá nhân, trường hợp không có tài khoản sẽ được hỗ trợ tiền mặt tận nhà. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đảm bảo các đối tượng trên sẽ được hỗ trợ đầy đủ, không sót, không trùng, ưu tiên hỗ trợ trước cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động có từ 3 nhân khẩu trở lên. Kinh phí đến từ ngân sách thành phố và một phần xã hội hoá.

Đối với trường hợp không may tử vong do dịch COVID-19, căn cứ theo Nghị định 20 ngày 15-3-2021, trường hợp này được hưởng mức 50 lần so với mức chuẩn hỗ trợ xã hội (Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1-7-2021 là 360.000 đồng/tháng). Từ ngân sách địa phương, Thành phố hỗ trợ toàn bộ kinh phí mai táng tương đương 17,4 triệu đồng/trường hợp.

Đẩy mạnh vận động hiến máu trong lực lượng cán bộ, công chức, viên chức 

Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ thành phố Trần Trường Sơn cho biết, kể từ tháng 5-2021, đặc biệt là tháng 7 và tháng 8-2021, công tác hiến máu tại các điểm cố định gặp nhiều khó khăn do Thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Lượng máu dự trữ bị thiếu hụt, nhất là nhóm máu O, A.

Trên cơ sở đó, ngày 4-8-2021, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 2688 về tổ chức vận động hiến máu nhân đạo trên địa bàn Thành phố, trong đó có lưu ý đến các biện pháp an toàn trong quá trình hiến máu, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo lượng máu cần thiết để bổ sung cho công tác điều trị cấp cứu.

Cụ thể, tạm ngừng các điểm hiến máu lưu động tại các khu dân cư; đẩy mạnh vận động hiến máu trong lực lượng cán bộ, công chức, viên chức khối đảng, mặt trận, đoàn thể, sở - ban ngành; các doanh nghiệp trong “vùng xanh”; lực lượng công an, quân đội… với nguyên tắc đảm bảo các tiêu chí an toàn đã được Sở Y tế ban hành, hướng dẫn.

Đồng thời, tiếp tục duy trì các câu lạc bộ máu hiếm và ngân hàng máu sống. Tiếp tục duy trì việc tiếp nhận máu tại 3 địa điểm: Trung tâm Hiến máu nhân đạo thành phố; Bệnh viện Huyết học thành phố; Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy. Việc hiến máu hằng ngày trên hết phải đảm bảo quy định an toàn phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Hội Chữ Thập đỏ thành phố phối hợp cùng các lực lượng khẩn trương xây dựng website www.giotmauvang.vn để tạo thuận lợi cho những người đăng ký tham gia hiến máu và cán bộ tiếp nhận nguồn máu hiến. Dự kiến tuần sau sẽ công bố chính thức website này.


Lực lượng công an tham gia hiến máu nhân đạo

Tổ chức phát phiếu mua hàng tại các chợ, siêu thị 

Theo đồng chí Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương, để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân ở các khu vực cách ly, phong tỏa, sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức phát phiếu mua hàng tại các chợ, siêu thị… các địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm phân phối hàng hóa tận nơi, giúp người dân hạn chế ra khỏi nhà.

Bên cạnh đó, sở cũng phối hợp các đơn vị tiếp tục tổ chức phiên chợ với 70 mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Mô hình này đã hỗ trợ được 6.035 hộ dân tương đương với 24.140 nhân khẩu tại các khu phong tỏa. Người dân đã tiếp cận được 9.103 đơn hàng với tổng giá trị 2,7 tỷ đồng.

“Hiện nay, tồn kho của phiên chợ nghĩa tình còn 836,8 triệu đồng, tương đương với 2.938 đơn hàng, chúng tôi vẫn đang tiếp nhận tài trợ của các đơn vị để tiếp tục tổ chức mô hình này” - Phó Giám đốc Sở Công thương chia sẻ. Người dân trong các khu phong tỏa, khó tiếp cận hàng hóa có thể liên hệ với với tổng đài hỗ trợ khẩn cấp 0963870058 của “Phiên chợ nghĩa tình” để được hỗ trợ kịp thời.

Sở Công yhương cũng phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tuyển chọn thêm các nguồn hàng, mặt hàng và tổ chức các gói hàng hóa đóng sẵn, chở đến các khu phong tỏa để cung ứng nhanh, thuận tiện, số lượng nhiều cho người dân.


Tổ chức phát phiếu mua hàng tại các chợ, siêu thị 

Cho phép một số nhân viên siêu thị, cửa hàng kinh doanh được phép ra khỏi nhà từ 18g đến 6g hằng ngày

Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thực hiện chỉ đạo tăng cường giãn cách trên toàn Thành phố, người dân không ra đường từ 18h đến 6h hằng ngày, do đó việc phân phối hàng hóa chỉ diễn ra từ 6g đến 18g và thời gian cho người dân mua sắm cũng theo đó bị giảm xuống.

Để tăng thời gian chuẩn bị, sắp xếp hàng hóa và thời gian mua sắm cho người dân, Thành phố đã chấp thuận đề xuất của sở cho phép một số nhân viên siêu thị, cửa hàng kinh doanh được phép ra khỏi nhà từ 18g đến 6g hằng ngày. Danh sách được các đơn vị nhận diện, Sở Công thương xác nhận và triển khai đến các lực lượng kiểm soát chốt chặn.

"Mong người dân ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của Thành phố

Hiện nay vẫn còn tình trạng người dân lưu thông sai quy định trên đường phố, tụ tập, chống người thi hành công vụ, “ngoài chặt trong lỏng”… báo chí cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu và ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của Thành phố, giữ vững các kết quả đã đạt được trong suốt thời gian qua.

Ban đầu chúng ta có những lúng túng trong tổ chức thực hiện, nhưng với tinh thần vừa làm vừa cầu thị, tiếp thu để hoàn thiện, bổ sung và sửa chữa những cái sai, dần dần các biện pháp đang có hiệu quả nhất định.

Bên cạnh nỗ lực tối đa của cả hệ thống chính trị và người dân Thành phố, những thông tin giả, sai lệch, xuyên tạc, xấu độc vẫn còn xuất hiện. Đề nghị các phóng viên báo chí cũng phải “nhập cuộc” đầy trách nhiệm, cẩn trọng và có tiếng nói, thái độ đúng kịp thời để tránh gây hoang mang cho dư luận.

Đồng thời, đề nghị các sở - ngành tiếp thu các phản ánh của báo chí, người dân, khẩn trương rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh và xử lý kịp thời nếu có sai sót và vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ".

- Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM -

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất