70 năm trôi qua, khoảnh khắc lá cờ quyết chiến, quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Những ký ức thiêng liêng ấy sẽ luôn là tài sản vô giá với đồng bào các dân tộc, với các thế hệ hôm nay và mai sau.
Chiến sĩ Điện Biên hội ngộ tại chiến trường Điện Biên Phủ
"Khi được tin bắt được Đờ Cát, cả sở chỉ huy trung đoàn như vỡ oà, ôm nhau, trào nước mắt. Nhiều chiến sĩ nhảy lên chiến hào bắn chỉ thiên để mừng chiến thắng, nhiều đơn vị khác cũng vậy. Không khí hân hoan, hoàn thành nhiệm vụ, ngày chờ đợi bao lâu mới có được chiến thắng...."
Ký ức ngày giải phóng của Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, đã tái hiện phần nào không khí hào hùng của 70 năm về trước.
Những khoảnh khắc đặc biệt trong tháng ngày cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu quên mình trên chiến trường Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong trái tim người lính cụ Hồ ở tuổi 95.
“Là trang nam nhi, quyết chiến sa trường...” Quân ta vừa reo vừa chạy ra chiến trường vừa hát, không khí thật oai hùng. Và đây là lần duy nhất trong quân đội chúng ta có một trận chiến đấu giữa tiếng pháo, tiếng quân reo và tiếng đàn hát..."
Ký ức ngày giải phóng còn vẹn nguyên trong tâm trí Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu.
Trong dòng hồi ức của chiến sĩ Điện Biên – ông Dương Chí Kỳ, Đại đội Trợ chiến, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, nhớ nhất là thời khắc quân ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1 vào 4h sáng ngày 7-5-1954, tiến thẳng vào trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
"Khi chiếm được đồi A1 quá phấn khởi, vì đồi A1 là đồi boong ke của kẻ địch, nó lợi dụng hầm để chiếm giữ lấy Điện Biên, nhưng khi ta nổ khối bộc phá, toàn bộ lực lượng của địch mất ý chí, nhờ đó cho nên ta có thể tổng công kích".
Nhiều chiến sĩ Điện Biên năm xưa trở lại tìm tên đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ A1, tỉnh Điện Biên.
Chiều tối 7-5, khi lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm Đờ Cát càng khẳng định âm mưu biến Điện Biên Phủ thành pháo đài “bất khả xâm phạm” của thực dân Pháp là điều không thể, khi bị công phá bởi tinh thần thép... niềm hạnh phúc ấp ủ bấy lâu như vỡ òa trong lòng mỗi chiến sĩ năm ấy.
Ông Trương Sĩ Trì, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 nhớ lại: "Phải nói là không tưởng, khoảng 3h chiều thấy lác đác cờ trắng rồi, từ đồi A1 xuống đến Mường Thanh, khoảng 5h chiều dựng cờ trắng, rất phấn khởi, xúc động, lúc đó không tả được, bao ngày đêm chiến đấu ác liệt, cuối cùng cũng giải phóng rồi".
Những ký ức hào hùng của những người đi cùng lịch sử sẽ sống mãi với thời gian.
Những giọt nước mắt trên gò má của những người lính trẻ năm xưa lại rơi mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc ngày đại thắng. Họ khóc vì tự hào, vì hạnh phúc, cũng khóc vì xót thương cho những đồng đội đã không ngừng chiến đấu, anh dũng hy sinh… làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”
Dẫu hồi ức chỉ là những mảnh ghép nhỏ nhưng đã khơi lên một tinh thần Điện Biên Phủ thực sự tự hào, trân quý. 70 năm đã qua đi, thời gian chẳng thể níu giữ nhiều thứ, nhưng chắc chắn ký ức hào hùng của những người đi cùng lịch sử sẽ sống mãi với thời gian.
Theo VOV.VN