Mới đây, Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương ký ban hành Kế hoạch số 27-KH/BTCTW ngày 23-7-2021 thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cục, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương. Theo đó, dự kiến từ tháng 9-2021 đến tháng 12-2021, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tổ chức thi tuyển 12 phó vụ trưởng cấp vụ hoặc tương đương.
Các đơn vị thi tuyển
Trong tổng số 12 vị trí, các vụ, cục, đơn vị thi tuyển 1 phó vụ trưởng hoặc tương đương, gồm: Vụ Cơ sở đảng, đảng viên; Vụ Địa phương II; Vụ Địa phương III; Vụ V; Vụ Chính sách cán bộ; Cục Bảo vệ chính trị nội bộ; Văn phòng Ban; Viện Khoa học tổ chức, cán bộ. Vụ Tổ chức - Điều lệ và Vụ Tổ chức - Cán bộ cơ quan thi tuyển 2 phó vụ trưởng.
Thời gian tổ chức thi tuyển dự kiến từ tháng 9-2021 đến tháng 12-2021
Đối tượng được dự thi
Theo đó, đối tượng được dự thi là cán bộ được quy hoạch chức danh phó vụ trưởng hoặc tương đương tại các vụ, cục, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương. Cán bộ trong nguồn quy hoạch tại chỗ đủ điều kiện phải đăng ký dự thi theo Quyết định số 221-QĐ/BTCTW ngày 19-5-2021.
Đối với các vụ, cục, đơn vị thi tuyển 1 phó vụ trưởng hoặc tương đương mà có 3 người trở lên đăng ký dự thi và đủ điều kiện, tiêu chuẩn từ nguồn quy hoạch tại chỗ thì không xét đến các trường hợp đăng ký dự thi từ các vụ, cục, đơn vị khác. Các vụ, cục, đơn vị thi tuyển 2 phó vụ trưởng hoặc tương đương mà có 5 người trở lên đăng ký dự thi và đủ điều kiện, tiêu chuẩn từ nguồn quy hoạch tại chỗ thì không xét đến các trường hợp đăng ký dự thi từ các vụ, cục, đơn vị khác.
Điều kiện, tiêu chuẩn
Ngoài điều kiện, tiêu chuẩn chung theo theo khoản 1, Điều 5 Quyết định số 221-QĐ/BTCTW ngày 19-5-2021 của Ban Tổ chức Trung ương, đối tượng dự thi phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, bao gồm: (1) Là chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên; (2) Trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc tương đương (3) Có khả năng chủ trì xây dựng đề tài, đề án về công tác tổ chức xây dựng Đảng để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương.
Ngoài ra, chức danh phó vụ trưởng hoặc tương đương của từng vụ, cục, đơn vị sẽ có yêu cầu kinh nghiệm riêng, cụ thể:
+ Vụ Tổ chức - Điều lệ: Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó, tối thiểu 3 năm kinh nghiệm tham mưu về công tác điều lệ Đảng, bộ máy, biên chế, công chức, viên chức của hệ thống chính trị.
+ Vụ Cơ sở đảng, đảng viên: Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó, tối thiểu 3 năm kinh nghiệm tham mưu về công tác xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở, đội ngũ đảng viên và công tác đảng viên.
+ Vụ Chính sách cán bộ: Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó, tối thiểu 3 năm kinh nghiệm tham mưu về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
+ Các vụ: Địa phương II; Địa phương III; V: Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó tối thiểu 3 năm làm công tác tham mưu về công tác cán bộ hoặc đã trực tiếp theo dõi địa bàn về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
+ Cục Bảo vệ chính trị nội bộ: Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó, tối thiểu 3 năm kinh nghiệm tham mưu về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
+ Văn phòng Ban: Có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm tham mưu về công tác văn phòng.
+ Vụ Tổ chức - Cán bộ cơ quan: Có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ, quản lý cán bộ; có kinh nghiệm xây dựng đề án vị trí việc làm. .
+ Viện Khoa học tổ chức, cán bộ: (1) Có bằng Thạc sỹ trở lên; (2) Có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm nghiên cứu về công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; (3) Là chủ nhiệm ít nhất 1 đề tài hoặc thành viên Ban chủ nhiệm 3 đề tài cấp Ban trở lên đã được nghiệm thu hoặc là thành viên tổ biên tập ít nhất 3 đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Quy trình tổ chức thi tuyển
Sau khi ban hành Kế hoạch thi tuyển, quy trình tổ chức thi tuyển sẽ tổ chức theo các bước: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký thi (10 ngày làm việc kể từ ngày kế hoạch được ban hành); Thẩm định, tổng hợp hồ sơ đăng ký dự thi báo cáo Lãnh đạo Ban; Thành lập Hội đồng thi và Tổ giúp việc Hội đồng thi; Thường trực Hội đồng thi gặp và giao đề án đối với người dự thi; Người dự thi chuẩn bị và nộp đề án (1 tháng kể từ ngày giao đề án); Tổ chức thi, chấm thi; Công bố kết quả thi và trao quyết định bổ nhiệm người trúng tuyển.
Nội dung, hình thức thi thực hiện theo Quyết định số 221-QĐ/BTCTW ngày 19-5-2021. Chủ đề xây dựng đề án sẽ dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Ban, vụ, cục, đơn vị, kết quả hoạt động của vụ, cục, đơn vị (3 năm trở lại đây, người dự thi nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để đề xuất kế hoạch hành động (gồm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện và đề xuất, kiến nghị) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của vụ, cục, đơn vị đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Địa điểm tiếp nhận hồ sơ tại Vụ Tổ chức - Cán bộ cơ quan, Ban Tổ chức Trung ương. Địa chỉ: số 2A đường Hoàng Văn Thụ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý giúp Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương có thêm căn cứ lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức, có uy tín, xứng đáng với vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quá trình tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch trong; lựa chọn được người phù hợp với vị trí được bổ nhiệm. Việc tổ chức thi tuyển phải tạo được môi trường để người dự thi thể hiện được năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất cá nhân trong chuyên môn và quản lý. |