Sau những thắng lợi liên tiếp của nhân dân miền Nam trong chiến lược “chiến tranh đơn phương” và từng bước đẩy chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đến bên lề vực thẳm, nhất là sau cuộc khủng hoảng toàn diện của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm năm 1963, cục diện chiến tranh phát triển không có lợi cho Mỹ, làm chúng hết sức lo lắng. Trước tình hình đó và thấy rõ vị trí, vai trò quyết định nhất của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam cũng như toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày 17-2-1964, Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch 34A - một chương trình về những “hoạt động quân sự công khai” chống phá Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà[1].
Ngày 2-3-1964, Hải quân Mỹ bắt đầu thực hiện cuộc tuần tiễu ở vịnh Bắc Bộ nhằm phô trương lực lượng, kiểm soát việc vận chuyển ven bờ biển và thu thập tình báo về bố phòng của ta. Được sự yểm trợ của Mỹ, các tàu biệt kích nguỵ tăng cường các hoạt động phá hoại. Một số địa phương miền Bắc đã thiếu cảnh giác, sơ hở nên để chúng đổ bộ lén lút phá cầu Chùa Hang ở Thanh Hoá ngày 12-6 và phá nhà máy nước thị xã Đồng Hới ngày 30-6, đồng thời bắt cóc những ngư dân đang làm ăn trên vùng biển. Nghiêm trọng nhất, đế quốc Mỹ đã dựng nên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” cuối tháng 7 đầu tháng 8-1964 để đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế, tạo cớ mở rộng chiến tranh, leo thang đánh phá miền Bắc nước ta, sử dụng hải quân khiêu khích và mở đợt tập kích bằng không quân quy mô trên toàn miền Bắc.
Ngày 30-7-1964, khu trục hạm Maddox của Mỹ khiêu khích tiến sâu vào vùng hải phận nước ta. Đêm 30 rạng sáng ngày 31-7, các tàu biệt kích nguỵ bắn phá các đảo Hòn Mê và Hòn Mắt (Thanh Hoá).
Ngày 2-8, tàu Maddox tiến thêm một bước vào khu vực ven biển giữa đảo Hòn Mê và cửa Lạch Trường (Thanh Hoá). Có nơi tàu Maddox chỉ cách bờ 6 hải lý, vòng lại nhiều lần để quan sát thăm dò.
Ngày 4-8, Mỹ tăng cường thêm tàu khu trục, đưa cả hai chiếc Maddox và Turner Joy tiếp tục tuần tiễu khiêu khích ở vịnh Bắc Bộ. Đêm ngày 4, tàu địch nổ súng tạo ra “Sự kiện vịnh Bắc Bộ thứ 2”, lấy cớ để Tổng thống Giôn-xơn ra lệnh ném bom trả đũa miền Bắc Việt Nam.
Trước hành động ngang nhiên của Mỹ và để bảo vệ vùng biển của Tổ quốc và đồng bào ngư dân làm ăn, sinh sống trên biển, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 135 tiến hành lắp ngư lôi cho Phân đội 3 (gồm 3 tàu 333, 336, 339) và bí mật khẩn trương chuẩn bị, đảm bảo mọi mặt sẵn sàng tiến từ Vạn Hòa - Quảng Ninh vào Hòn Nẹ - Thanh Hóa để phục kích, đón đánh tàu khu trục Maddox. Khi tàu khu trục Maddox cách Hòn Mê 9 hải lý, Phân đội 3 được lệnh nhổ neo xuất kích, tăng tốc độ vượt lên trước tìm địch. Tàu Maddox phát hiện có 3 tàu đốc độ cao đang tiếp cận (lúc này tàu Maddox đã ở phía đông Hòn Nẹ - liền tăng tốc độ và chạy ra xa). Phân đội 3 bám sát, còn cách 6 hải lý, tàu Maddox đã dùng pháo lớn bắn tới tấp vào đội hình Phân đội. Chỉ huy trưởng Phân đội lệnh cho tàu 333 tăng tốc độ để chặn địch, tạo điều kiện thuận lợi để 2 tàu 336 và 339 tấn công. Khi tiếp cận được góc mạn tàu địch 1100, cự ly 7-8 liên (10 liên = 1 hải lý), thuyền trưởng tàu 339 hạ lệnh phóng ngư lôi tiêu diệt tàu địch và chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Hai tàu 336 và 333 tiếp cận mạn phải tàu địch ở góc 80o, cự ly 6 liên và phóng ngư lôi, sau đó rời khỏi khu vực tác chiến, vừa đi vừa đánh trả máy bay Mỹ. Tàu Maddox trúng đạn, một số trang thiết bị hư hỏng và phải rút chạy cùng một máy bay Mỹ bị bắn cháy, một chiếc bị thương.
Âm mưu không thành, chính quyền Mỹ cho rằng, việc tàu Maddox bị đánh đuổi khỏi vùng biển Việt Nam là “Sự kiện vịnh Bắc bộ” và Hải quân Việt Nam đã tấn công tàu Mỹ trên vùng biển quốc tế. Vì vậy, ngay sau đó, Mỹ đã thực hiện kế hoạch “Mũi tên xuyên”, sử dụng tối đa lực lượng không quân thuộc hạm đội 7 hòng tiêu diệt lực lượng hải quân Việt Nam trong ngày 5-8-1964.
Vì vậy, từ 12 giờ 25 phút đến 17 giờ, 64 lần chiếc máy bay Mỹ từ 2 biên đội tàu sân bay Conxtenlayson và Ticonderaugo gồm máy bay hiện đại bất ngờ tiến đánh hầu hết các căn cứ, khu trú đậu và các tàu hải quân Việt Nam đang hoạt động độc lập trên suốt dải bờ biển và vùng biển miền Bắc từ Cảng Sông Gianh (Quảng Bình) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh) nhằm trả đũa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” xảy ra vào các ngày 2 và 4-8-1964. Trong các địa danh trên, khu vực Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), đặc biệt là Lạch Trường thuộc tỉnh Thanh Hóa được xem là trong tâm, trọng điểm đánh phá của địch.
Lạch Trường là một trong 5 cửa lạch lớn đổ ra Biển Đông của tỉnh Thanh Hóa. Án ngữ cửa Lạch Trường là dãy núi Trường chạy từ đông sang tây, có điểm cao 210 m. Sát cửa Lạch Trường có Hòn Bò, Hòn Hài... ra xa khoảng 7km có đảo Hòn Nẹ thuộc huyện Hậu Lộc. Đây là nơi neo đậu lý tưởng của các tàu thuyền của nhân dân và hải quân cũng như tàu vận tải mỗi khi vận chuyển hàng từ Hải Phòng vào Nam. Âm mưu thủ đoạn của địch là dùng lực lượng lớn không quân bất ngờ đánh ồ ạt, uy hiếp tinh thần của quân và dân ta ngay từ đầu chiến tranh. Ngày 5-8-1964, Tổng thống Giônxơn ra lệnh cho không quân và hải quân đánh “trả đũa”, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại 9 năm bằng không quân và hải quân quy mô lớn và tàn khốc của Mỹ đối với miền Bắc Việt Nam.
Trước tình hình đó, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ của lực lượng tàu chiến mặt nước (tiền thân của Lữ đoàn 171) dưới sự hiệp đồng, phối hợp của bộ đội phòng không, công an, dân quân tự vệ, trực tiếp là dân quân du kích các xã Hoằng Trường, Hòa Lộc tích cực đào hầm, luyện tập, sẵn sàng ở tư thế khi địch đến là đánh. Các xã ven cửa lạch, tự vệ Lạch Trường, đơn vị công an vũ trang được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị của hải quân đánh trả địch, bảo vệ mục tiêu, đồng thời, phối hợp ứng cứu thương binh, tử sĩ trên tàu hải quân khi có tác chiến xảy ra.
14 giờ 15 phút ngày 5-8-1964, giữa lúc nhân dân đang lao động sản xuất, nhiều tốp máy bay địch từ Biển Đông bay vào bắn phá từ đảo Hòn Nẹ đến cửa Lạch Trường. Trên cơ sở chuẩn bị chu đáo, sau hồi kẻng báo động, các đơn vị hải quân đã phối hợp với Đồn Biên phòng 74, đại đội ra đa, tự vệ thủy sản Lạch Trường và dân quân du kích các xã đã vào vị trí chiến đấu. Ba tàu hải quân dùng súng máy, trạm ra đa và đồn công an dùng súng 14,5mm, tự vệ dùng súng bộ binh trên thuyền và dân quân các xã phối hợp chặt chẽ, dũng cảm đánh trả máy bay địch. Trung đội dân quân xã Hoằng Trường do đồng chí Lự - trung đội trưởng, chỉ huy. Cụ Tường - 63 tuổi, xóm 13, xã Hoằng Trường, tuổi cao, mắt kém vẫn điềm tĩnh phụ trách khẩu trung liên cùng con cháu chiến đấu. 12 nữ dân quân thôn Hòa Ngư, xã Hòa Lộc do Tô Thị Đạo chỉ huy đã dùng thuyền tiếp đạn cho tàu hải quân và cứu chữa thương binh dưới làn mưa đạn của địch. Cuộc tập kích của Mỹ đã bị quân và dân ta giánh trả đích đáng: cả nước bắn rơi 8 máy bay trong ngày 5-8-1964, nhiều chiếc khác bị thương, một phi công là trung úy Anvaret bị bắt sống, nhiều lính khác bị tiêu diệt.
Chiến thắng Lạch Trường ngày 5-8-1964, lần đầu tiên Hải quân Việt Nam phối hợp với các lực lượng vũ trang và quân dân Thanh Hóa sử dụng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ, hạ được “uy thế của không lực Hoa Kỳ”. Sau trận thắng này, quân chủng Hải quân Việt Nam được tặng Huân chương Quân công hạng nhì và 142 huân chương chiến công các loại cho các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ. Và ngày 5-8 được chọn là ngày truyền thống “đánh thắng trận đầu” của quân và dân miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thắng lợi này đã tạo cơ sở tiền đề để quân và dân miền Bắc từng bước đánh bại chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho nhân dân miền Nam đánh bại đế quốc Mỹ và tay sai.
Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam, khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng quân chủng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại”, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trên biển. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, luôn là lực lượng nòng cốt bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
[1] 34A là tên mật mã của kế hoạch mà Lầu Năm Góc gọi là “Chương trình chi tiết về những hoạt động quân sự không công khai chống Bắc Việt Nam” bắt đầu từ ngày 1-2-1964 để dần dần tăng cường sức ép “buộc Hà Nội phải ra lệnh cho du kích Việt cộng ở Nam Việt Nam và quân Pathét Lào phải đình chỉ nổi loạn”.
Lê Đức Thắng
Học viện Chính trị-Hà Đông, Hà Nội