Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là "Vừa hợp tác, vừa đấu tranh"

Trả lời đại biểu Quốc hội về chủ trương của Đảng và Nhà nước ta sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của nước ta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Đối với Trung Quốc hay đối với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì, nhất quán của Đảng và Nhà nước.

 

Trong Hiến pháp mới Quốc hội vừa thông qua năm 2013, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã được nêu trong Điều 12. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác phát triển, đa phương hóa, chủ động, tích cực, hội nhập, hợp tác quốc tế. Trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, thực hiện các cam kết, các công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên và gìn giữ lợi ích quốc gia, dân tộc, hợp tác bình đẳng cùng có lợi để đóng góp tích cực cho hòa bình, hữu nghị, tiến bộ trên thế giới.


Đối với Trung Quốc chúng ta là láng giềng, dù nắng mưa hay bão lũ chúng ta vẫn là láng giềng, mãi mãi là láng giềng. Do vậy cần gìn giữ hòa bình, hợp tác cùng phát triển để thực hiện một cách thực chất, hiệu quả phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, để đem lại lợi ích cho cả hai nước.

Chúng ta mong muốn hai bên đều chân thành hợp tác, gìn giữ hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, hai bên cùng thịnh vượng và giải quyết thỏa đáng những bất đồng.

Nếu nói ngắn nhất, đầy đủ nhất về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, xin khái quát 6 chữ, đó là: VỪA HỢP TÁC, VỪA ĐẤU TRANH.

Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả với các nước. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình ổn định, có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi cùng phát triển, cùng thịnh vượng. Chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của chúng ta trên cơ sở đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước đã ghi trong Hiến pháp.

Đề cập đến việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng trên các đảo ở Trường Sa, Thủ tướng nêu: Đồng chí, đồng bào cả nước đều biết đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988.

Trong tình thế lúc đó, chúng ta đã cùng với các nước ASEAN ký với Trung Quốc Tuyên bố chung về thái độ ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông gọi tắt là DOC. Theo đó các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm, mọi tranh chấp giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực để giải quyết.

Còn việc Trung Quốc bồi lấp biển, theo thông tin báo chí đảo Chữ Thập đang được bồi đắp thành một đảo lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa, khoảng 49 ha, lớn hơn đảo Ba Bình (đảo lớn nhất hiện nay).

Chúng ta phản đối, vì điều này đã vi phạm Điều 5 của Tuyên bố DOC, tức là vi phạm tuyên bố về thái độ ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông mà Trung Quốc là một bên ký kết với các nước ASEAN. Lập trường này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao của chúng ta đã nhiều lần nêu rõ.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa rồi, thay mặt Chính phủ Việt Nam tôi đã phát biểu lập trường này ở các Hội nghị. Tôi nhấn mạnh là các hội nghị gồm Hội nghị cấp cao 10 nước ASEAN, Hội nghị cấp cao 10 nước ASEAN với 8 nước (cấp cao Đông Á) có Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Mỹ, Australia, Hàn Quốc… tại Hội nghị ASEAN với 3 nước là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi ở Hội nghị ASEAN với từng nước và ASEAN với Liên hợp quốc, tôi cũng đã phát triển lập trường này của Việt Nam. Tôi đã phát biểu lập trường này của Việt Nam trước các hội nghị quốc tế.

Đó là chủ trương thái độ của chúng ta trước việc này, chúng ta đã công khai bày tỏ rõ ràng lập trường của chúng ta.

Nguồn: Chinhphu.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất