Tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo nước ta – nhìn từ những đổi mới

Nước ta có bờ biển dài trên 3.260km với vị trí địa lý rất thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế, văn hóa với khu vực và thế giới. Song cũng chính do vị thế địa chính trị, địa kinh tế - văn hóa thuận lợi, nên lịch sử nước ta hàng ngàn năm nay luôn gắn liền quá trình dựng nước với giữ nước, xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, đặc biệt giai đoạn gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện tầm nhìn đúng đắn, minh triết khi ban hành những nghị quyết, chị thỉ về bảo vệ, phát triển biển đảo nước ta trong tình hình mới. Điển hình là Chỉ thị 20-CT/TW ngày 22-9-1997 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” ở Nghị quyết TW 4 (khoá X): “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển”(1). Đây là hình thức tuyên truyền hiệu quả, thể hiện quan điểm chiến lược của Đảng, Nhà nước ta với nhân dân và bạn bè quốc tế về chủ trương xây dựng, phát triển đất nước luôn gắn chặt với phát huy nguồn lực, bảo vệ biển đảo quốc gia.

Thời gian gần đây, khi Trung Quốc ngang nhiên và trắng trợn hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình khu vực và an ninh trên biển Đông, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, gắn với đó là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước ta càng trở nên thời sự và cấp thiết. Hoạt động tuyên truyền về tính chính nghĩa, chính đáng của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà, gắn với khẳng định quyết tâm gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia được thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ ở tầm quốc gia, quốc tế thông qua những phát ngôn chính thức, những bài phát biểu của các nhà lãnh đạo cao cấp nước ta trong các diễn đàn chính trị, kinh tế, văn hóa… trong và ngoài nước. Gần đây nhất, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp toàn thể của các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 11-5 tại Hội nghị cấp cao ASEAN, hay phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shang-ri-la 13 nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế cho thấy sự linh hoạt trong tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta khi đưa vấn đề ra công luận quốc tế để được đánh giá, nhìn nhận công khai.

Mức độ và phạm vi tuyên truyền ngày càng được mở rộng không chỉ trong phạm vi quốc gia với sự cập nhật liên tục nhờ hệ thống truyền thông đại chúng nước ta, nhờ mạng Internet và các phương tiện kỹ thuật hiện đại khác. Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng và các chương trình, hình ảnh, videoclip thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, ý thức chủ quyền biển đảo quốc gia ngập tràn báo chí, các mạng xã hội... là minh chứng thiết thực cho sự lan tỏa nhanh, rộng rãi các thông tin bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta.  

Không chỉ chính quyền từ Trung ương đến địa phương hay các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước, mà chính những người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước ngày càng chủ động, tích cực tham gia tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng các hình thức đa dạng: mít tinh hòa bình, đưa những bài viết, hình ảnh,… thể hiện tình yêu đất nước, biển đảo, tham gia, ủng hộ tích cực các phong trào, cuộc vận động: “Tất cả vì biển đảo quê hương”, “Hướng về biển Đông thân yêu”, “Vì Trường Sa thân yêu”… Ý thức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo quốc gia đã trở thành chất keo gắn kết Đảng và dân trong một khối thống nhất, đồng thuận, chuyển tải hiệu quả các thông tin về tình yêu biển đảo nước nhà, về ý nghĩa chính nghĩa của công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước…

Tuy nhiên, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta hiện nay vẫn có một số tồn tại:

Công tác tuyên truyền đôi khi vẫn nặng về bề rộng mà chưa chú ý đến chiều sâu, nên ảnh hưởng đến chất lượng thông tin, tuyên truyền và việc nâng cao nhận thức, hành động của đối tượng tiếp nhận.

Nội dung tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo gần đây với tần suất tương đối dày, hình thức na ná nhau (chương trình giao lưu, tọa đàm, chương trình văn hóa - nghệ thuật…) vô hình trung gây lặp đi lặp lại, làm giảm sự tập trung, chú ý hoặc quan tâm ở một bộ phận người dân.

Một số cá nhân quá khích, những phần tử phản động núp dưới chiêu bài “yêu nước”, lợi dụng ưu thế của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, đặc biệt là mạng Internet, các trang mạng xã hội để đưa các thông tin kích động biểu tình, kích động sử dụng vũ lực… nhằm gây rối loạn thông tin, tư tưởng và hành động trong một bộ phận người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội…  

Nâng cao chất lượng tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo cần chủ động, sáng tạo, tỉnh táo và khéo léo

Do những diễn biến phức tạp và các động thái bất thường của Trung Quốc trên biển Đông, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo nước ta trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải nâng tầm về cả chất và lượng, vừa chủ động, sáng tạo, vừa tỉnh táo, khéo léo để bảo đảm đấu tranh hòa bình, tránh việc các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành “diễn biến hòa bình”. Trên cơ sở nhất quán quan điểm tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo bám sát yêu cầu của tình hình thực tiễn và bảo đảm lợi ích chính đáng của quốc gia, hoạt động tuyên truyền cần có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo sức mạnh đoàn kết, tăng cường và phát huy hiệu quả sức mạnh của dân tộc. 

Về nội dung tuyên truyền: Triển khai các nội dung tuyên truyền không chỉ ở bề rộng mà còn cần đi vào chiều sâu, phản ánh các khía cạnh đa dạng của đời sống xã hội, gắn chặt ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà với tiến trình phát triển của đất nước. Đặc biệt, cần cập nhật việc biểu dương những gương “người tốt, việc tốt” trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà, những phong trào thi đua vì biển đảo, hướng đến biển đảo Tổ quốc. Cũng nên tích cực tuyên truyền việc giáo dục, xây dựng ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn với hoàn thiện đạo đức, tri thức của mỗi công dân.    

Bên cạnh các nội dung tuyên truyền trực tiếp về bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta, như các bài phát biểu thể hiện quan điểm nhất quán, quyết tâm gìn giữ chủ quyền biển đảo của Đảng, Nhà nước ta, các chương trình thời sự, tọa đàm… trên báo chí, cần khéo léo mở rộng hơn nữa việc lồng ghép các nội dung tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo vào mọi lĩnh vực, hoạt động xã hội. Đặc biệt, nên gắn với ý thức bảo vệ, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước để người dân hiểu và có ý thức phấn đấu đưa nước ta phát triển vững mạnh, lấy đó làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Về hình thức, phương tiện tuyên truyền: Tiếp tục sử dụng các hình thức, phương tiện tuyên truyền đa dạng: bên cạnh chọn lọc tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, các buổi tọa đàm…, cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tăng cường đưa nội dung bảo vệ chủ quyền biển đảo vào các buổi họp, sinh hoạt chi bộ, các buổi học, sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên… Tận dụng tối đa thế mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là hệ thống báo chí để chuyển tải, cập nhật thông tin về tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta, tuyên truyền về ý nghĩa chính nghĩa của cuộc đấu tranh này không chỉ ở phạm vi các kênh truyền hình, phát thanh, tờ báo… trong nước mà còn phát sóng, phát hành rộng rãi tới các nước khác trên thế giới. Phát huy ưu thế của mạng Internet và các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, Youtube…), của các phương tiện kỹ thuật hiện đại (máy ảnh, iPhone, iPad…) để biến mỗi người dân trở thành một tuyên truyền viên hữu hiệu, cung cấp, chuyển tải thông tin kịp thời, đúng đắn, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong nước và nhân loại yêu chuộng hòa bình.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền không chỉ bằng tiếng Việt, mà còn bằng các ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, Trung, Nga, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc… để bảo đảm nội dung thông tin, tuyên truyền đến người dân các nước trên thế giới đúng sự thật, kịp thời, không bị bóp méo hay xuyên tạc, thể hiện đúng đắn quan điểm, đường lối đấu tranh hòa bình của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.  

Về chủ thể tuyên truyền: Bên cạnh vai trò tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và các cơ quan công quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cần không ngừng tăng cường phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, khuyến khích người dân chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mỗi người dân cũng cần tranh thủ các mối quan hệ bạn bè, người thân… ở các nước khác để khuyến khích họ cùng chung tay chia sẻ thông tin đúng đắn về tình hình biển Đông hiện nay.  

Về đối tượng tuyên truyền: Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta là cuộc đấu tranh chính nghĩa song không hề dễ dàng do Trung Quốc ngày càng sử dụng các hình thức, biện pháp tinh vi hòng âm mưu xâm chiếm chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Hệ thống truyền thông đại chúng Trung Quốc cũng đưa các thông tin sai lệch về việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông, về việc đấu tranh hòa bình của các tàu chấp pháp và cảnh sát biển nước ta nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước v.v.. Do đó, cần chú trọng mở rộng đối tượng tuyên truyền đến đông đảo người dân Trung Quốc nói chung, người Trung Quốc đang sinh sống, làm việc ở nước ta nói riêng nhằm giúp họ hiểu đúng, nhận thức đúng vấn đề. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến các bạn bè quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ tích cực của họ, tạo thành sức mạnh đoàn kết, đồng thuận dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế phục vụ hiệu quả công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta và an ninh, hòa bình trên biển Đông, trong khu vực cũng như trên thế giới. 



(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.76. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất