Diễn văn bế mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Kính thưa Quốc hội,

Thưa các vị khách quý,

Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước,

Sau 32 ngày làm việc khẩn trương trong không khí dân chủ và với tinh thần đổi mới, trách nhiệm cao, hôm nay, Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XII đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Quốc hội đã tập trung trí tuệ thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2009; thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2010. Đồng thời đã dành nhiều thời gian, công sức để tiến hành công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng khác.

Quốc hội thống nhất nhận định: Trong năm 2009, mặc dù chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới, nhưng nhờ sự tập trung lãnh đạo của Trung ương Đảng; sự quản lý, điều hành kiên quyết và linh hoạt của Chính phủ; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội; sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Suy giảm kinh tế được ngăn chặn, tốc độ tăng trưởng được duy trì hợp lý; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các yêu cầu về an sinh xã hội được bảo đảm; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Trong tình hình khó khăn chung của thế giới, những kết quả đạt được như vậy là đáng trân trọng, cho chúng ta thêm kinh nghiệm và góp phần củng cố thêm niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn nhiều, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Những nhân tố gây mất ổn định kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn; nhiều mặt yếu kém, khuyết điểm còn phải dày công khắc phục.

Nhiệm vụ chủ yếu của năm 2010 là phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn năm 2009, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010.

Về công tác lập pháp, tiếp tục có những đổi mới, cải tiến về cách thức thảo luận và quy trình thông qua các dự án luật, cùng với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của các cơ quan hữu quan, sự đóng góp tích cực của các vị đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 dự án luật. Đó là: Luật Người cao tuổi; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Thuế tài nguyên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục, đào tạo và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 11 dự án luật khác để tiếp tục chuẩn bị, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Về hoạt động giám sát, cùng với việc xem xét các báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội về một số vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”. Với cách nhìn nhận khách quan, phân tích, đánh giá những mặt được, chưa được, xác định rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về vấn đề này nhằm tạo cơ sở cho việc tiếp tục giám sát và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian tới.

Tại kỳ họp này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội; Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền từ kỳ họp thứ năm đến nay. Cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ niềm phấn khởi trước những thành tựu đạt được của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ; đồng thời cũng nêu ra những băn khoăn, lo lắng về những mặt yếu kém, tiêu cực trong xã hội, nhất là về tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn chưa giảm; tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; việc triển khai các nhóm giải pháp kích thích kinh tế, một số chính sách về an sinh xã hội chưa đạt được kết quả mong muốn...Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, coi đây là sự đóng góp quý báu đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp Thủ tướng Chính phủ, 4 bộ trưởng, trưởng ngành, với sự tham gia của 9 bộ trưởng khác, qua đó làm rõ thêm nhiều vấn đề quan trọng bức xúc, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có ý nghĩa chỉ đạo thiết thực. Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn đã yêu cầu các vị trả lời chất vấn nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, sớm triển khai thực hiện các lời hứa và nhiệm vụ thuộc chức trách của mình, ngành mình, khẩn trương khắc phục những khuyết điểm, hạn chế và báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau. Quốc hội giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện; đồng thời trên cơ sở tổng hợp chất vấn tại kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lựa chọn một số vấn đề bức xúc, kết hợp với chất vấn của đại biểu Quốc hội giữa hai kỳ họp Quốc hội để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Một nét mới của kỳ họp này là Quốc hội đã dành thời gian thích đáng để thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ chủ yếu năm 2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời xem xét các báo cáo của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các công trình quan trọng quốc gia; kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan; về công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh…

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư hai dự án công trình quan trọng quốc gia Nhà máy thủy điện Lai Châu và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, nhà máy Thuỷ điện Lai Châu sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016, hoàn thành công trình vào năm 2017; dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ khởi công nhà máy số 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành vào năm 2020. Căn cứ tình hình chuẩn bị cụ thể, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây dựng nhà máy số 2. Quốc hội giao Chính phủ quyết định đầu tư và triển khai dự án với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, hằng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án. Quốc hội cũng đã thông qua chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xem xét, quyết định các vấn đề trong chương trình nghị sự, Quốc hội tiếp tục có những cải tiến về cách thức tiến hành kỳ họp, từ bố trí chương trình, cách thức trình bày báo cáo, chất vấn, trả lời chất vấn, đến thông qua luật, nghị quyết. Những cải tiến này đã góp phần đem lại kết quả tích cực, được đại biểu Quốc hội và cử tri hoan nghênh.

Thực hiện Nội quy kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội đã thu xếp thời gian, bố trí công việc, tham dự các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội....; nêu cao tinh thần trách nhiệm, công phu nghiên cứu chuẩn bị, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng; phản ánh các ý kiến, kiến nghị của cử tri sát với tình hình thực tế của đất nước.

Kính thưa Quốc hội,

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII đã thành công tốt đẹp. Để phát huy những kết quả của kỳ họp, tôi đề nghị ngay sau kỳ họp này:

- Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các ngành, các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai thực hiện nghiêm túc các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để thống nhất nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong việc khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cần tăng cường các hoạt động giám sát một cách thường xuyên hơn, quyết liệt hơn, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các luật và nghị quyết của Quốc hội, tạo bước chuyển biến mới rõ rệt trong thực tiễn.

- Các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, đồng thời gương mẫu thực hiện và động viên nhân dân thực hiện tốt các chính sách, luật pháp và nghị quyết của Quốc hội. Thường xuyên liên hệ chặt chẽ, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội; góp phần gắn kết, củng cố hơn nữa mối liên hệ giữa hoạt động của Quốc hội, của các vị đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân cả nước.

Kính thưa Quốc hội,

Những kết quả đạt được của Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XII có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin cảm ơn sự lãnh đạo thường xuyên của Trung ương Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan; cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, các vị khách quý đã tham dự kỳ họp và luôn quan tâm, góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội; cảm ơn sự hoạt động tích cực của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân cả nước, các ngành, các cấp, các đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và các đơn vị phục vụ đã góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp.

Năm 2010 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2006-2010, nhiệm vụ rất nặng nề. Đây cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng và nhiều ngày lễ lớn của dân tộc: Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 65 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp,... Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy thuận lợi, vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước.

Xin chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các vị lão thành cách mạng, các vị khách quý, các vị đại biểu Quốc hội cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi.

Tôi xin tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất