HƯỚNG DẪN
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
"Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"(*)
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 24-02-2012, Kế hoạch số 08-KH/TW, ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết; Ban Dân vận Trung ương hướng dẫn việc tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết như sau:
1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Nắm vững tư tưởng chỉ đạo, nội dung, phương pháp, thời gian tiến hành phổ biến, quán triệt, thực hiện Nghị quyết.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
- Tổ chức phổ biến, quán triệt, thực hiện Nghị quyết bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, chất lượng; không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng kích động, xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
II. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết
1.1. Cấp Trung ương
Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp tới Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đoàn các đoàn thể chính trị-xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết.
Nội dung hội nghị phổ biến quán triệt Nghị quyết
- Phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết.
- Phổ biến các Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương về triển khai thực hiện Nghị quyết.
- Thảo luận, quán triệt, nắm vững nội dung Nghị quyết Trung ương 4; Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương.
Thành phần: Các ủy viên Đoàn Chủ tịch của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các uỷ viên ban thường vụ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam (công tác ở Trung ương)(1). Các đồng chí trưởng, phó các ban, đơn vị trực thuộc Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương.
Các đồng chí đã dự hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (vào 3 ngày 27, 28, 29-02-2012), mà không trực tiếp chỉ đạo hội nghị này, thì thôi không dự Hội nghị.
Thời gian Hội nghị: một ngày, cuối tháng 3/2012.
Tài liệu báo cáo viên: phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương.
1.2. Cấp tỉnh, thành phố và tương đương
Ban dân vận tỉnh uỷ, thành uỷ chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt thực hiện Nghị quyết.
Thành phần: Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban chấp hành các đoàn thể chính trị-xã hội (công tác ở các cơ quan cấp tỉnh)(2); các đồng chí trưởng, phó các ban, đơn vị trực thuộc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh. Số lượng đại biểu đại diện các thành phần khác do cấp uỷ quyết định.
Đối với các thành viên đã dự hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết thì áp dụng tương tự như cấp trung ương.
Thời gian thực hiện theo chỉ đạo của cấp uỷ.
Nội dung, tài liệu, báo cáo viên: phối hợp với ban tuyên giáo cấp uỷ.
1.3. Cấp huyện và tương đương
Ban dân vận huyện uỷ chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết.
Thành phần: Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ban chấp hành các đoàn thể chính trị-xã hội cấp huyện. Số lượng đại biểu đại diện các thành phần khác do cấp uỷ quyết định.
Thời gian thực hiện theo chỉ đạo của cấp uỷ.
Nội dung, tài liệu, báo cáo viên: phối hợp với ban tuyên giáo cấp uỷ.
1.4. Cấp xã, phường, thị trấn và cơ sở
- Trưởng khối dân vận xã, phường, thị trấn tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến đoàn viên, hội viên.
- Trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp... cấp uỷ chỉ đạo các đoàn thể chính trị-xã hội tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến đoàn viên, hội viên.
Nội dung, tài liệu báo cáo viên, thời gian thực hiện: theo chỉ đạo của cấp uỷ.
2. Tổ chức hội nghị góp ý xây dựng Đảng
Hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng được tiến hành sau hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết. Đây là việc làm quan trọng về triển khai thực hiện Nghị quyết. Vì vậy, việc tổ chức hội nghị cần phải được chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch cụ thể; phải thực sự tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Trước khi tham gia góp ý kiến, cần quán triệt kỹ 3 nội dung cấp bách đã nêu trong Nghị quyết; trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.
2.1. Cơ quan chủ trì tổ chức hội nghị
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và từng đoàn thể chính trị-xã hội các cấp chủ trì phối hợp với ban dân vận, các ban đảng, văn phòng cấp uỷ cùng cấp tổ chức hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng.
2.2. Nội dung góp ý xây dựng Đảng
Tập trung bám sát 3 nội dung kiểm điểm đã được nêu trong Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị; hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Khi góp ý, cần tập trung làm rõ trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị về những hạn chế, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị; tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ rõ nhiều năm, nhưng chậm được khắc phục; về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; về thực hiện Pháp lệnh số 34/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
2.3. Đối tượng góp ý
- Đối với cấp Trung ương: góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cá nhân các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Đối với cấp tỉnh, thành phố, huyện, cơ sở và các cấp tương đương: góp ý cho tập thể ban thường vụ cấp uỷ và cá nhân các đồng chí uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp; nơi không có ban thường vụ, đảng đoàn, ban cán sự đảng thì góp ý cho tập thể cấp uỷ, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân các đồng chí cấp uỷ viên, lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
2.4. Phương châm, phương pháp và cách tiến hành
- Việc tổ chức hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng được tiến hành sau khi đã tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về thực hiện Nghị quyết.
- Việc tổ chức hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng được tiến hành trước khi kiểm điểm tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tập thể ban thường vụ và uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp.
- Hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng phải thật sự dân chủ, cởi mở; đề cao trách nhiệm, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, thẳng thắn, chân thành, khách quan, xây dựng và tình thương yêu đồng chí; nhưng không nể nang, né tránh; tập trung làm rõ những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất hiện nay và đề xuất, kiến nghị với Đảng những giải pháp về xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
- Cách tiến hành lấy ý kiến: Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
2.5. Thành phần, thời gian thực hiện ở các cấp
- Cấp Trung ương
Thành phần: Đại biểu dự hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng là các uỷ viên đoàn chủ tịch: Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các uỷ viên ban thường vụ: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.
Thời gian thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
- Cấp tỉnh, thành phố; cấp huyện và tương đương
Thành phần: Uỷ viên Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, ban chấp hành các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp.
Thời gian thực hiện theo chỉ đạo chung của cấp uỷ.
- Cấp xã, phường, thị trấn và cơ sở
Thành phần ở cấp xã và cơ sở: tương tự như cấp huyện.
Thời gian thực hiện theo chỉ đạo chung của cấp uỷ.
3. Triển khai thực hiện các đề án đã nêu trong Nghị quyết
- Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các quy chế, cơ chế trình Bộ Chính trị trong năm 2012: Quy chế giám sát và phản hiện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dụng Đảng, xây dựng chính quyền.
- Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra việc cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp thực hiện chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Dân vận Trung ương
1.1. Phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt, thực hiện Nghị quyết.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức một số hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết theo Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết.
1.2. Hướng dẫn Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng.
Hướng dẫn ban dân vận các cấp tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo việc tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt, thực hiện Nghị quyết; việc tổ chức hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng.
1.3. Phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng tập hợp ý kiến tham gia góp ý đối với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cá nhân các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư của các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương.
1.4. Phối hợp với Đảng uỷ cơ quan tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị; hướng dẫn của các ban đảng Trung ương cho đảng viên, cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan.
1.5. Xây dựng kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập thể lãnh đạo Ban, tập thể cấp uỷ, các cá nhân lãnh đạo Ban và cấp uỷ viên. Bảo đảm đúng nội dung, nguyên tắc, phương pháp, tiến độ và theo phương châm cấp trên phải làm gương cho cấp dưới noi theo.
1.6. Phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, các ban đảng Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đảng đoàn các đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết; việc tham gia góp ý xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội
- Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và chỉ đạo việc tổ chức phổ biến, quán triệt và thực hiện Nghị quyết trong tổ chức mình.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp chủ động tham mưu cho cấp uỷ cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức hội nghị phổ biến quán triệt, thực hiện Nghị quyết cho đoàn viên, hội viên; phối hợp với các ban đảng cùng cấp tổ chức hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của cấp uỷ đảng.
3. Ban dân vận các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương
Tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo, phối hợp tổ chức phổ biến, quán triệt, thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đoàn thể chính trị-xã hội tổ chức hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, thực hiện đúng nguyên tắc, quá trình, nội dung, thời gian và tiến độ chỉ đạo của cấp uỷ.
Phối hợp với các ban đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp tổ chức hội nghị lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến góp ý xây dựng Đảng.
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết. Định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết với cấp uỷ và ban dân vận cấp trên.
Ban Dân vận Trung ương tổng hợp tình hình triển khai, kết quả thực hiện Nghị quyết báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng theo định kỳ.
Trong quá trình triển khai, thực hiện Hướng dẫn này, nếu thấy cần trao đổi, thì phản ánh kịp thời về Ban Dân vận Trung ương.
--------
(1) Các thành viên công tác ở địa phương dự lớp phổ biến, quán triệt Nghị quyết ở địa phương.
(2) Các thành viên công tác ở cấp huyện dự lớp phổ biến, quán triệt ở cấp huyện.
TRƯỞNG BAN
Hà Thị Khiết (đã ký)
(*) Hướng dẫn số 95-HD/BDVTW, ngày 13-3-2012, Ban Dân vận Trung ương.