- Căn cứ Quyết định số 78-QĐ/TW, ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức Trung ương;
- Căn cứ kết luận tại Thông báo số 13-TB/TW, ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Bộ Chính trị về việc sửa đổi những bất hợp lý về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là Thông báo số 13-TB/TW);
- Sau khi trao đổi, thống nhất với Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc thực hiện một số chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức và người lao động công tác trong cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội và chế độ tiền lương của Hội Cựu chiến binh Việt Nam (quy định tại điểm 1, 3, 4, 5, 6 Thông báo số 13-TB/TW), cụ thể như sau :
I. PHỤ CẤP CÔNG TÁC ĐẢNG, ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
1- Phạm vi và đối tượng áp dụng
a) Phạm vi áp dụng
Hướng dẫn này quy định về chế độ phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội đối với cán bộ, công chức và người lao động trong biên chế được giao, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm :
- Các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng: văn phòng, tổ chức, dân vận, tuyên giáo, đối ngoại và các đảng uỷ trực thuộc từ Trung ương đến cấp huyện.
- Các cơ quan: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ Trung ương đến cấp huyện.
- Các cơ quan Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
b) Đối tượng áp dụng
- Cán bộ, công chức, người lao động làm việc ở các cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện hưởng lương từ ngân sách nhà nước quy định tại điểm a, khoản 1, Mục I của Hướng dẫn này.
- Cán bộ, công chức và người lao động công tác ở ủy ban kiểm tra các cấp chưa được hưởng và không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề và phụ cấp thâm niên nghề.
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 năm (12 tháng) trở lên trong cơ quan của đảng, đoàn thể chính trị - xã hội đã được xếp lương theo các bảng lương do Nhà nước quy định thuộc chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
c) Đối tượng không áp dụng
- Cán bộ, công chức và người làm chuyên trách công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các cơ quan, đơn vị của Nhà nước, lực lượng vũ trang.
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp của Đảng; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội.
- Cán bộ, công chức nghỉ chờ đủ tuổi để nghỉ hưu theo Nghị định số 67/2010/NĐ-CP, ngày 15-6-2010 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
- Cán bộ, công chức giữ chức vụ bầu cử, bổ nhiệm có lương chức vụ từ 9,70 trở lên hoặc có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 1,20 trở lên.
- Cán bộ, công chức công tác ở cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp đang hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề, hoặc phụ cấp trách nhiệm nghề và phụ cấp thâm niên nghề.
- Người được xếp lương theo cấp hàm cơ yếu.
2- Mức phụ cấp : Bằng 30% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
3- Nguyên tắc thực hiện
a) Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội được chi trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
b) Thời gian không được tính hưởng phụ cấp bao gồm :
- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Thời gian cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
c) Khi thôi công tác (làm việc) ở cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp (từ Trung ương đến cấp huyện) thì thôi hưởng phụ cấp từ tháng tiếp theo.
II. PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM CÔNG TÁC BẢO VỆ CHÍNH TRỊ NỘI BỘ
1- Cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ các cấp (từ Trung ương đến cấp huyện) được hưởng phụ cấp trách nhiệm như sau :
- Mức 0,5 của mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ Ban Tổ chức Trung ương và lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương phụ trách công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
- Mức 0,3 của mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ thuộc phòng bảo vệ chính trị nội bộ ban tổ chức các tỉnh ủy, thành uỷ và lãnh đạo ban tổ chức các tỉnh ủy, thành uỷ phụ trách Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ.
- Mức 0,2 của mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với 01 cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ cấp huyện; riêng các quận, huyện thuộc TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh không quá 03 cán bộ, công chức.
2- Phụ cấp trách nhiệm công tác bảo vệ chính trị nội bộ được chi trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; khi thôi làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ thì thôi hưởng phụ cấp trách nhiệm từ tháng tiếp theo.
III. PHỤ CẤP CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO
1- Đối với chức danh phó trưởng đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương (trừ chức danh Bí thư Trung ương Đoàn); phó bí thư các tỉnh uỷ, thành uỷ (trừ TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh), phó bí thư đảng ủy trực thuộc Trung ương hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo 1,30.
2- Đối với chức danh phó trưởng các ban đảng ở Trung ương đã giữ chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương (trừ TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh) hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo 1,40.
IV. TIỀN LƯƠNG CỦA CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM
1- Cán bộ giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) chuyên trách Hội Cựu chiến binh Việt Nam các cấp (từ Trung ương đến cấp huyện) hằng tháng được hưởng 100% của “mức lương chuẩn” (Bảng 7 ban hành kèm theo Quyết định số 128-QĐ/TW, ngày 14-12-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, mặt trận và các đoàn thể) cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo bằng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp.
2- Cán bộ được bầu tái cử hoặc được tái bổ nhiệm cùng chức vụ từ nhiệm kỳ thứ hai (đủ 60 tháng) được hưởng thêm 5% “mức lương chuẩn” của chức danh đảm nhận.
3- Cán bộ là bộ đội phục viên, xuất ngũ chưa hưởng trợ cấp một lần thì được đóng, hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Nguồn kinh phí chi trả chế độ lương và phụ cấp quy định tại Hướng dẫn này được sử dụng từ nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2011 theo quy định. Từ năm 2012 trở đi, nguồn kinh phí chi trả chế độ lương và phụ cấp quy định tại Hướng dẫn này được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của các cơ quan, đơn vị.
2- Chế độ lương và phụ cấp quy định tại Hướng dẫn này được hưởng từ ngày 01-01-2011.
3- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương; các cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Hướng dẫn này.
4- Các quy định trước đây trái với Hướng dẫn này đều bãi bỏ.
Hướng dẫn này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Ban Tổ chức Trung ương xem xét, giải quyết.
K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
Nguyễn Văn Quynh
(đã ký)