Về việc tổ chức thi nâng ngạch công chức cơ quan đảng, đoàn thể năm 2011
I. Đối tượng dự thi, chỉ tiêu nâng ngạch
1. Đối tượng dự thi
a) Đối với kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên chính (mã số 01.002):
- Công chức được xác định theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP, ngày 25-01-2010 của Chính phủ quy định những người là công chức (sau đây viết tắt là Nghị định số 06/2010/NĐ-CP); Thông tư số 08/2011/TT-BNV, ngày 02-6-2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 06/2010/NĐ-CP (sau đây viết tắt là Thông tư số 08/2011/TT-BNV);
- Cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện;
- Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo ở cấp tỉnh và cấp huyện thuộc diện quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền luân chuyển về giữ các chức vụ, chức danh cán bộ lãnh đạo ở cấp xã.
Các đối tượng nêu trên (sau đây gọi chung là công chức) hiện hưởng lương ở ngạch chuyên viên (mã số 01.003), đang công tác ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể.

b) Đối với kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp (mã số 01.001):
- Công chức được xác định theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP và Thông tư số 08/2011/TT-BNV;
- Cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp tỉnh;
- Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo ở Trung ương và cấp tỉnh thuộc diện quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền luân chuyển về giữ các chức vụ, chức danh cán bộ lãnh đạo ở cấp huyện.
Các đối tượng nêu trên (sau đây gọi chung là công chức) hiện hưởng lương ở ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002), đang công tác ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể.

2. Phân bổ chỉ tiêu
Thực hiện nguyên tắc thi cạnh tranh, các cơ quan, đơn vị cử số công chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi nhiều hơn chỉ tiêu được phân bổ là 20% (nếu tính theo tỷ lệ này được kết quả có số lẻ thì phần lẻ đó làm tròn thành 01, ví dụ: chỉ tiêu được phân bổ là 01, số công chức dự thi sẽ là: 01 x 20% = 1,2 làm tròn thành 2).
Chỉ tiêu của từng cơ quan, đơn vị có phụ lục kèm theo.
Trường hợp số công chức được cử dự thi hoặc số công chức dự thi thực tế ít hơn số lượng theo quy định trên thì sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu nâng ngạch để bảo đảm tỷ lệ cạnh tranh.

II. Điều kiện, tiêu chuẩn dự thi
1. Điều kiện dự thi

Công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của ngạch công chức hành chính cao hơn ngạch hiện giữ theo quy định tại Quyết định số 450-QĐ/TCTW ngày 22-12-1998 của Ban Tổ chức Trung ương về ban hành danh mục chức danh gốc và tiêu chuẩn chung một số chức danh cán bộ, công chức cơ quan đảng, đoàn thể.
b) Được cơ quan sử dụng công chức đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục tính đến hết năm 2010, có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian bị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật.
c) Có thời gian giữ ngạch như sau:
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính: có thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở vị trí của ngạch chuyên viên từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), hoặc ngạch chuyên viên và tương đương(2) từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc, trong đó phải có thời gian công tác ở ngạch chuyên viên hiện giữ từ đủ 12 tháng trở lên) tính đến 31-12-2011;
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp: có thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở vị trí của ngạch chuyên viên chính từ đủ 06 năm trở lên, hoặc ngạch chuyên viên chính và tương đương(3) từ đủ 06 năm trở lên (trong đó phải có thời gian công tác ở ngạch chuyên viên chính hiện giữ từ đủ 12 tháng trở lên) tính đến 31-12-2011.
Không quy định hệ số lương đối với công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp.

2. Tiêu chuẩn dự thi
a) Về trình độ chuyên môn:
Công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.

b) Về trình độ lý luận chính trị:
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính: có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương trung cấp lý luận chính trị trở lên của cơ quan có thẩm quyền (theo Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16-9-2009 của Ban Bí thư về việc xác định trình độ lý luận chính trị).
Trường hợp công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính chuyên trách làm công tác đảng, đoàn thể có bằng cử nhân chính trị do hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cấp thì được xác định là bằng chuyên môn và được vận dụng đủ tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị.
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp: có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cử nhân chính trị, hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị hoặc cử nhân chính trị của cơ quan có thẩm quyền (theo Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16-9-2009 của Ban Bí thư về việc xác định trình độ lý luận chính trị).

c) Về trình độ ngoại ngữ:
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính: có chứng chỉ hoặc có cam kết sử dụng thành thạo ngoại ngữ trình độ B trở lên (một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức) được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức nhận xét bằng văn bản;
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp: có chứng chỉ hoặc có cam kết sử dụng thành thạo ngoại ngữ trình độ C trở lên (một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức) được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức nhận xét bằng văn bản.

d) Về trình độ tin học:
Công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp có chứng chỉ hoặc có cam kết sử dụng thành thạo kỹ năng tin học văn phòng được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức nhận xét bằng văn bản.

đ) Về nghiệp vụ:
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính: có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, mặt trận, đoàn thể hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, bằng thạc sĩ quản lý hành chính công, bằng tiến sĩ quản lý hành chính công;
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp: có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, mặt trận, đoàn thể hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp.

e) Về nghiên cứu khoa học:
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính: có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia ban soạn thảo hoặc tổ biên tập xây dựng các văn bản, đề án (kèm theo tên các văn bản đã được ban hành hoặc tên đề án đã được thông qua), hoặc quyết định cử tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học đã được nghiệm thu (kèm theo biên bản nghiệm thu của cấp có thẩm quyền);
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp: có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia ban soạn thảo hoặc tổ biên tập xây dựng các văn bản, đề án (kèm theo tên các văn bản đã được ban hành hoặc tên đề án đã được thông qua), hoặc quyết định cử tham gia ban chủ nhiệm các đề tài khoa học đã được nghiệm thu (kèm theo biên bản nghiệm thu của cấp có thẩm quyền).

III. Nội dung, hình thức, thời gian các môn thi
1. Đối với kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên chính

a) Môn kiến thức chung: thi viết về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực của ngạch dự thi; thời gian 180 phút.
b) Môn chuyên môn, nghiệp vụ: theo quy định là thi trắc nghiệm (45 phút), nhưng do năm đầu chưa chuẩn bị kịp bộ đề thi trắc nghiệm nên thực hiện thi vấn đáp như những năm trước.
c) Môn ngoại ngữ: thi viết để kiểm tra về các kỹ năng đọc hiểu, viết ở trình độ B (một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc); thời gian 90 phút.
d) Môn tin học văn phòng: thi thực hành trên máy về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft Office, sử dụng Internet; thời gian 45 phút.

2. Đối với kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp
a) Môn kiến thức chung: thi viết về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực của ngạch dự thi; thời gian 180 phút.
b) Môn chuyên môn, nghiệp vụ: thi viết đề án và bảo vệ đề án theo yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi và hướng dẫn của Hội đồng thi; thời gian thi viết đề án trong 01 ngày (8 tiếng) và thời gian bảo vệ đề án là 30 phút đối với mỗi người.
c) Môn ngoại ngữ: thi viết để kiểm tra về các kỹ năng đọc hiểu, viết, nghe và phỏng vấn để kiểm tra kỹ năng nói ở trình độ C (một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc); thời gian thi viết là 90 phút và thời gian phỏng vấn là 15 phút đối với mỗi người.
d) Môn tin học văn phòng: thi thực hành trên máy về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft Office, sử dụng Internet; thời gian 45 phút.
Hội đồng thi sẽ tổ chức bồi dưỡng kiến thức theo các chuyên đề cho công chức dự thi nếu có nhu cầu.

3. Điều kiện được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học
a) Đối với kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên chính:
- Miễn thi môn ngoại ngữ đối với trường hợp có một trong các điều kiện sau:
+ Công chức tính đến ngày 31-12-2011 có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ;
+ Công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số, có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền;
+ Công chức là người dân tộc thiểu số đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số;
+ Công chức có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ;
+ Công chức có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.
- Miễn thi môn tin học đối với công chức đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.

b) Đối với kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp:
- Miễn thi môn ngoại ngữ đối với trường hợp có một trong các điều kiện sau:
+ Công chức có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ;
+ Công chức có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.
- Miễn thi môn tin học đối với công chức đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.

IV. Cách tính điểm và nguyên tắc xác định người trúng tuyển; quy chế và nội quy thi nâng ngạch
1. Cách tính điểm và nguyên tắc xác định người trúng tuyển

Thực hiện theo quy định tại Kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức năm 2011 theo nguyên tắc cạnh tranh, ban hành kèm theo Quyết định số 1344/QĐ-BNV, ngày 11-7-2011 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

2. Quy chế và nội quy thi nâng ngạch

Thực hiện theo Quy chế tổ chức thi nâng ngạch công chức (Phụ lục số 4) và Nội quy thi tuyển, thi nâng ngạch công chức (Phụ lục số 3) ban hành kèm theo Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30-12-2010 của Bộ Nội vụ Quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 13/2010/TT-BNV).

V. Thời gian, địa điểm, kinh phí tổ chức các kỳ thi
1. Thời gian, địa điểm

- Kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên chính tổ chức 2 đợt, dự kiến:
+ Đợt 1 tại Hà Nội (gồm các tỉnh, thành phía Bắc từ Quảng Bình trở ra và các cơ quan Trung ương ở phía Bắc), đầu tháng 10.
+ Đợt 2 tại TP Hồ Chí Minh (gồm các tỉnh, thành còn lại và các cơ quan Trung ương ở phía Nam), cuối tháng 10.
- Kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp tổ chức 1 đợt tại Hà Nội, dự kiến trong tháng 12.

2. Kinh phí
Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 163/2010/TTLT-BTC-BNV, ngày 20-10-2010 của liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ “Hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi tuyển và phí dự thi nâng ngạch công chức, viên chức” và đóng góp của công chức dự thi cho việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn ôn thi, in ấn tài liệu, thuê địa điểm… Hội đồng thi không sử dụng ngân sách nhà nước.
Hội đồng thi sẽ thông báo cụ thể thời gian, địa điểm, phí dự thi… trong giấy triệu tập công chức dự thi.

VI. Hồ sơ, thủ tục và trách nhiệm cử công chức dự thi
1. Hồ sơ đăng ký dự thi

Hồ sơ của công chức đăng ký dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp gồm:
a) Bản sơ yếu lý lịch (theo Mẫu 2c-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06-10-2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức), có xác nhận của cơ quan sử dụng công chức;
b) Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức theo các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP;
c) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch đăng ký dự thi được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;
d) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch;
đ) Bản sao các quyết định, biên bản, tên văn bản, đề án theo quy định tại điểm e khoản 2 Mục II Công văn này;
e) Bản sao quyết định của cấp có thẩm quyền về việc luân chuyển đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Mục I Công văn này.
Hồ sơ đăng ký dự thi của mỗi công chức được bỏ vào một bì riêng có kích thước 250 x 340 x 5 mm (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV ngày 18-6-2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành thành phần hồ sơ cán bộ, công chức và mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức). Công chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ đăng ký dự thi của mình.

2. Thủ tục và trách nhiệm cử công chức dự thi
a) Đối với kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên chính:
Các cơ quan, đơn vị lập danh sách công chức thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi và có văn bản cử công chức dự thi kèm danh sách trích ngang (Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 13/2010/TT-BNV), danh sách công chức có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức và danh sách công chức được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học (công chức mang theo văn bằng, chứng chỉ để kiểm tra) gửi về Ban Tổ chức Trung ương (qua Vụ Chính sách cán bộ) trước ngày 31-8-2011. Quá thời hạn này cơ quan, đơn vị không có văn bản được coi là không có nhu cầu dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính năm 2011.
Hồ sơ công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính không phải gửi về Ban Tổ chức Trung ương mà do cơ quan, đơn vị quản lý công chức lưu giữ, quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả xét duyệt.

b) Đối với kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp:
Các cơ quan, đơn vị lập danh sách công chức thuộc phạm vi quản lý có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi và có văn bản cử công chức dự thi kèm danh sách trích ngang (Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 13/2010/TT-BNV), hồ sơ đăng ký dự thi của công chức, danh sách công chức có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức, danh sách công chức được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học (công chức mang theo văn bằng, chứng chỉ để kiểm tra) gửi về Ban Tổ chức Trung ương (qua Vụ Chính sách cán bộ) trước ngày 30-9-2011. Quá thời hạn này cơ quan, đơn vị không có văn bản được coi là không có nhu cầu dự thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp năm 2011. Trong văn bản cử công chức dự thi nâng ngạch nêu rõ diễn biến lương từ tháng 4-1993 đến nay (kèm theo bản sao các quyết định xếp lương của cơ quan có thẩm quyền) và đề nghị của cơ quan, đơn vị về dự kiến xếp lương nếu trúng tuyển kỳ thi.
Riêng danh sách trích ngang của công chức dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp (Mẫu số 3) đề nghị các cơ quan, đơn vị đồng gửi qua Email: btctw.cs@gmail.com (đúng File Excel, font chữ Times New Roman).
Công văn này được đưa trên Website: xaydungdang.org.vn (Mục Văn kiện-Tư liệu). Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ảnh về Ban Tổ chức Trung ương (qua Vụ Chính sách cán bộ, điện thoại: 080.45077; 080.45016; 080.45522).
-----------------------------------------
(1) Việc nâng ngạch công chức lên cán sự, chuyên viên hoặc tương đương những năm trước đây thực hiện theo Hướng dẫn số 12-HD/TCTW ngày 18-11-2002 của Ban Tổ chức Trung ương về việc xét chuyển ngạch cán sự, chuyên viên hoặc tương đương. Vì vậy, việc tổ chức thi nâng ngạch công chức lên cán sự, chuyên viên hoặc tương đương năm 2011 sẽ được hướng dẫn tại một văn bản khác.
(2), (3) Các trường hợp được tính thời gian giữ ngạch tương đương: Thời gian giữ các ngạch, chức danh tương đương được quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ; Nghị quyết số 730/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; thời gian hưởng lương bầu cử, lương lực lượng vũ trang có đủ tiêu chuẩn của ngạch hiện giữ theo quy định tại Quyết định số 450-QĐ/TCTW ngày 22-12-1998 của Ban Tổ chức Trung ương.

Tải Mẫu số 3

K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
Nguyễn Văn Quynh (đã ký)

    

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất