Sau 2 năm thực hiện Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW (gọi tắt là Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW), ngày 12-8-2009 của Ban Tổ chức Trung ương về
điều kiện, căn cứ và quy trình xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm
1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm
1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 đã hy sinh, từ trần (gọi tắt là người hoạt động cách mạng trước
tháng Tám năm 1945 đã hy sinh, từ trần),
đã có một số
cơ quan, đơn vị đề nghị làm rõ thêm việc “chuyển hồ sơ lại cho cấp uỷ địa phương
nơi thực hiện chính sách đối với thân nhân người hy sinh, từ trần xem xét,
quyết định và thực hiện chính sách” được đề cập tại kết luận Hội nghị triển khai
thực hiện Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW (Thông báo số 313-TB/BTCTW). Sau khi nghiên cứu, Ban Tổ chức Trung ương
có ý kiến như sau:
Tại
khoản 2 mục II Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW về thẩm
quyền xét, công nhận quy định: “Người hoạt động cách mạng trước ngày 01
tháng 01 năm 1945 và người hoạt động
cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm
1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 trước khi hy sinh, từ trần
thuộc diện cấp uỷ địa phương quản lý thì do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trực
thuộc trung ương xét, quyết định; thuộc diện ban, bộ,
ngành, đoàn thể trung ương quản lý thì do ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn,
đảng uỷ trực thuộc trung ương xét, quyết định. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam thì do Tổng
cục Chính trị xét, quyết định”.
Trong quá trình triển khai thực hiện Hướng dẫn số
30-HD/BTCTW, do còn có nhiều ý kiến khác nhau về trách nhiệm lập hồ sơ, vì vậy
tại Hội nghị
triển khai thực hiện Hướng dẫn số
30-HD/BTCTW, Ban Tổ chức Trung ương đã
kết luận: “Thân nhân của người hoạt động
cách mạng đã hy sinh, từ trần: cha, mẹ đẻ (nếu có), vợ hoặc chồng viết bản khai
tóm tắt quá trình hoạt động cách mạng của người hoạt động cách mạng đã hy sinh,
từ trần theo mẫu gửi cùng hồ sơ quy định tại khoản 2.2 hoặc 3.2 mục I Hướng dẫn
này đến đảng ủy xã, phường, thị trấn nơi thân nhân cư trú hoặc nơi người hoạt
động cách mạng đã hoạt động. Trong trường
hợp hội nghị liên tịch của cấp uỷ xã nhận thấy không có đủ căn cứ để xem xét,
vì người hoạt động cách mạng không hoạt động tại địa phương nhận hồ sơ, thì cấp
ủy xã có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến địa phương nơi cán bộ đã hoạt động để xem
xét, xác nhận, sau đó chuyển hồ sơ lại cho cấp uỷ địa phương nơi thực hiện
chính sách đối với thân nhân người hy sinh, từ trần xem xét, quyết định và thực
hiện chính sách (mục 3 Thông báo số 313-TB/BTCTW, ngày 19-10-2009 của Ban Tổ chức Trung ương).
Tuy nhiên đến nay, TP.Hà Nội là địa phương có nhiều người hoạt động cách mạng trước tháng Tám năm 1945 đã hy sinh, từ trần thuộc diện cán bộ do thành phố quản lý và cũng là địa
phương có nhiều thân nhân của người hoạt động cách mạng trước tháng Tám năm 1945
đã hy sinh, từ trần đang cư trú; vì vậy, thành phố gặp nhiều khó khăn
trong việc xét, quyết định công nhận những người đã hy sinh, từ trần không
thuộc diện cán bộ do thành phố quản lý.
Từ thực tế nêu trên, Ban Tổ chức Trung ương đề
nghị các địa phương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, nếu có nhu cầu “chuyển hồ sơ lại cho cấp uỷ địa phương nơi thực hiện chính sách đối với
thân nhân người hy sinh, từ trần xem xét, quyết định và thực hiện chính sách”
mà các thân nhân này đang cư trú tại địa bàn TP.Hà Nội thì trước khi chuyển hồ sơ cần có văn
bản trao đổi, thống nhất với Ban Tổ
chức Thành uỷ Hà Nội. Trong trường hợp không thống nhất được, đề nghị các địa
phương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương thực hiện việc xem xét, quyết
định và thực hiện chính sách theo Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW.
Trong
quá trình thực hiện, nếu còn có vướng mắc đề nghị các địa phương, các ban, bộ,
ngành, đoàn thể trung ương tập hợp gửi về Ban Tổ chức Trung ương để nghiên
cứu, giải quyết.