Tổ chức thi nâng ngạch viên chức cơ quan đảng, mặt trận và các đoàn thể

Được sự đồng ý của Ban Tổ chức Trung ương uỷ quyền về việc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thi nâng ngạch đối với viên chức trong hệ thống các cơ quan đảng, mặt trận và đoàn thể (Công văn số 2189-CV/BTCTW, ngày 20-3-2012); Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh thông báo Kế hoạch tổ chức kỳ thi nâng ngạch viên chức trong hệ thống các cơ quan đảng, mặt trận và đoàn thể (kế hoạch năm 2011 chuyển sang tổ chức thi vào năm 2012) như sau:

I. Đối tượng, chỉ tiêu

1. Đối tượng dự thi

1.1. Đối với kỳ thi nâng ngạch giảng viên, nghiên cứu viên, biên tập viên, phóng viên, bình luận viên lên ngạch viên chức chính (sau đây gọi là kỳ thi nâng ngạch giảng viên chính và tương đương).
Viên chức hiện hưởng lương ở ngạch giảng viên (mã số 15.111); nghiên cứu viên (mã số 13.092); biên tập viên (mã số 17.141); phóng viên, bình luận viên (mã số 17.144) theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngày 14-12-2004 của Chính phủ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của cơ quan đảng, mặt trận và đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện.

1.2. Đối với kỳ thi nâng ngạch giảng viên chính, nghiên cứu viên chính, biên tập viên chính, phóng viên chính, bình luận viên chính lên ngạch viên chức cao cấp (sau đây gọi là kỳ thi nâng ngạch giảng viên cao cấp và tương đương).

Viên chức hiện hưởng lương ở ngạch giảng viên chính (mã số 15.110); nghiên cứu viên chính (mã số 13.091); biên tập viên chính (mã số 17.140); phóng viên chính, bình luận viên chính (mã số 17.143) theo Nghị định số 204/2004/NĐCP, ngày 14-12-2004 của Chính phủ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của cơ quan đảng, mặt trận và đoàn thể từ Trung ương đến cấp tỉnh(1).

2. Phân bổ chỉ tiêu

- Căn cứ vào tình hình thực tế đối với các ngạch dự thi, đề nghị các cơ quan, đơn vị lập danh sách viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi (danh sách xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống).
- Căn cứ nhu cầu thực tế đăng ký dự thi của từng cơ quan, đơn vị, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương để phân bổ chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị.

II. Điều kiện, tiêu chuẩn

1. Điều kiện dự thi

1.1. Cơ quan, đơn vị quản lý viên chức có nhu cầu công việc và vị trí làm việc tương ứng với ngạch viên chức chính, viên chức cao cấp. 

1.2. Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch đăng ký dự thi, theo quy định tại Quyết định số 450-QĐ/TCTW, ngày 22-12-1998 của Ban Tổ chức Trung ương về ban hành danh mục chức danh gốc và tiêu chuẩn chung một số chức danh cán bộ, công chức cơ quan đảng, đoàn thể.

1.3. Được cơ quan sử dụng viên chức nhận xét hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục tính đến hết năm 2011, có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật (từ khiển trách trở lên) hoặc đang xem xét để thi hành kỷ luật theo quy định của pháp luật.

1.4.  Có thời gian giữ ngạch, hệ số lương như sau:

- Đối với viên chức dự thi lên ngạch giảng viên chính và tương đương: có thời gian công tác, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở vị trí của ngạch giảng viên (hoặc tương đương) từ đủ 9 năm trở lên, đang hưởng hệ số lương 3,66 trở lên; trong đó phải có thời gian công tác và hưởng lương ở ngạch viên chức hiện giữ tối thiểu từ đủ 12 tháng trở lên, tính đến ngày 31-12-2011.
- Đối với viên chức dự thi lên ngạch giảng viên cao cấp và tương đương: có thời gian công tác, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở vị trí của ngạch giảng viên chính (hoặc tương tương) từ đủ 6 năm trở lên, đang hưởng hệ số lương 5,42 trở lên; trong đó phải có thời gian công tác và hưởng lương ở ngạch viên chức hiện giữ tối thiểu từ đủ 12 tháng trở lên, tính đến ngày 31-12-2011.

2. Tiêu chuẩn dự thi

2.1. Về trình độ chuyên môn

- Đối với viên chức dự thi lên ngạch giảng viên chính và tương đương:
Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên (riêng viên chức dự thi nâng ngạch giảng viên chính, nghiên cứu viên chính phải có bằng thạc sĩ trở lên).
- Đối với viên chức dự thi lên ngạch giảng viên cao cấp và tương đương:
Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên (riêng viên chức dự thi nâng ngạch giảng viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp phải có bằng tiến sĩ).

2.2. Về trình độ lý luận chính trị

- Đối với viên chức dự thi lên ngạch giảng viên chính và tương đương: có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương trung cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền (theo Quy định số 256-QĐ/TW, ngày 16-9-2009 của Ban Bí thư về việc xác định trình độ lý luận chính trị).
- Đối với viên chức dự thi lên ngạch giảng viên cao cấp và tương đương: có bằng cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị(2) hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp chính trị của cơ quan có thẩm quyền (theo Quy định số 256-QĐ/TW, ngày 16-9-2009 của Ban Bí thư về việc xác định trình độ lý luận chính trị). 

2.3. Về trình độ ngoại ngữ

- Đối với viên chức dự thi lên ngạch giảng viên chính và tương đương: có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên (một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức).
- Đối với viên chức dự thi lên ngạch giảng viên cao cấp và tương đương: có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ C trở lên (một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức).

2.4. Về trình độ tin học

Viên chức dự thi lên ngạch giảng viên chính và tương đương; ngạch giảng viên cao cấp và tương đương phải có chứng chỉ hoặc có cam kết sử dụng thành thạo kỹ năng tin học văn phòng, được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức nhận xét bằng văn bản.

2.5. Về nghiệp vụ

Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, mặt trận, đoàn thể, nghiệp vụ chuyên ngành công tác hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính (đối với kỳ thi lên ngạch giảng viên chính và tương đương), ngạch chuyên viên cao cấp (đối với kỳ thi lên ngạch giảng viên cao cấp và tương đương). Riêng đối với viên chức dự thi nâng ngạch giảng viên chính, giảng viên cao cấp phải có chứng chỉ phương pháp giảng dạy tích cực.

2.6. Về nghiên cứu khoa học

- Đối với viên chức dự thi lên ngạch giảng viên chính và tương đương: có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia ban soạn thảo hoặc tổ biên tập xây dựng các văn bản, đề án (kèm theo tên các văn bản đã được ban hành hoặc tên đề án đã được thông qua), hoặc quyết định cử tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học đã được nghiệm thu (kèm theo biên bản nghiệm thu của cấp có thẩm quyền).
- Đối với viên chức dự thi lên ngạch giảng viên cao cấp và tương đương: có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia ban soạn thảo hoặc tổ biên tập xây dựng các văn bản, đề án (kèm theo các văn bản đã được ban hành hoặc tên đề án đã được thông qua) hoặc quyết định cử tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học đã được nghiệm thu (kèm theo biên bản nghiệm thu của cấp có thẩm quyền).
Riêng viên chức dự thi nâng ngạch phóng viên chính, bình luận viên chính và ngạch phóng viên cao cấp, bình luận viên cao cấp không yêu cầu đã tham gia nghiên cứu khoa học.

III. Nội dung, hình thức, thời gian các môn thi

1. Đối với kỳ thi nâng ngạch giảng viên chính và tương đương

- Môn kiến thức chung:

Thi viết về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực của ngạch dự thi; thời gian 180 phút.

- Môn chuyên môn, nghiệp vụ:
Thi vấn đáp; thời gian 30 phút.


- Môn ngoại ngữ:
Thi viết để kiểm tra về các kỹ năng đọc hiểu, viết ở trình độ B (một trong 5 thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc); thời gian 90 phút.


- Môn tin học văn phòng:
Thi thực hành (hoặc trắc nghiệm) trên máy về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft Office, sử dụng Internet hoặc thi trắc nghiệm; thời gian 45 phút.


2. Đối với kỳ thi nâng ngạch giảng viên cao cấp và tương đương

- Môn kiến thức chung:
Thi viết về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực của ngạch dự thi; thời gian 180 phút.


- Môn chuyên môn, nghiệp vụ:
Thi viết đề án và bảo vệ đề án theo yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi và hướng dẫn của Hội đồng thi; thời gian thi viết đề án trong 01 ngày (8 tiếng); thời gian bảo vệ đề án: 30 phút/người.


- Môn ngoại ngữ:
Thi viết để kiểm tra về các kỹ năng đọc hiểu, viết, nghe và phỏng vấn để kiểm tra kỹ năng nói ở trình độ C (một trong 5 thứ tiếng đã nêu ở trên); thời gian thi viết là 90 phút; thời gian phỏng vấn: 15 phút/người.


- Môn tin học văn phòng:
Thi thực hành (hoặc trắc nghiệm) trên máy về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft Office, sử dụng Internet hoặc thi trắc nghiệm; thời gian 45 phút.


IV. Điều kiện được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học

1. Đối với kỳ thi nâng ngạch giảng viên chính và tương đương

1.1. Miễn thi môn ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:

- Viên chức tính đến ngày 31-12-2011 có tuổi đời từ đủ 55 trở lên đối với nam và từ đủ 50 trở lên đối với nữ.
- Viên chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số, có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền.
- Viên chức là người dân tộc thiểu số đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số.
- Viên chức tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.

1.2. Miễn thi tin học đối với viên chức đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.

2. Đối với kỳ thi nâng ngạch giảng viên cao cấp và tương đương

2.1. Miễn thi môn ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:

- Viên chức có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ.
- Viên chức tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.

2.2. Miễn thi tin học đối với viên chức đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.

Chú ý: Viên chức đủ điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ hoặc tin học có trách nhiệm mang theo văn bằng, chứng chỉ gốc để đối chiếu khi làm thủ tục dự thi.

V. Cách tính điểm, nguyên tắc xác định người trúng tuyển và quy chế, nội quy thi

1. Cách tính điểm
Các môn thi được chấm theo thang điểm 100.


2. Nguyên tắc xác định người trúng tuyển

Người trúng tuyển trong kỳ thi nâng ngạch viên chức phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Thi đủ các bài thi của các môn thi theo quy định.
- Có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên.

3. Quy chế và nội quy thi

Thực hiện theo Quy chế thi nâng ngạch cán bộ, công chức cơ quan đảng, đoàn thể (theo Quyết định số 73 QĐ-TC/TW, ngày 02-3-1999 của Ban Tổ chức Trung ương).

VI. Thời gian, địa điểm, kinh phí

1. Thời gian, địa điểm

- Đối với kỳ thi nâng ngạch giảng viên cao cấp và tương đương: tổ chức trong tháng 5-2012 tại  Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Thời gian tập trung 15 ngày.
- Đối với kỳ thi nâng ngạch giảng viên chính và tương đương: tổ chức trong tháng 6-2012 tại  Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Thời gian tập trung 15 ngày.

2. Kinh phí

Thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 163/2010/TTLT/BTC-BNV ngày 20-10-2010 của Liên bộ Tài chính - Nội vụ “hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi tuyển và phí dự thi nâng ngạch công chức, viên chức” và đóng góp của viên chức dự thi cho việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn ôn thi, in ấn tài liệu, thuê địa điểm… Kinh phí phục vụ kỳ thi không sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Thời gian tập trung, mức thu phí dự thi sẽ thông báo trong giấy triệu tập.

VII. Hồ sơ, thủ tục và trách nhiệm cử viên chức dự thi

1. Hồ sơ đăng ký dự thi

- Bản sơ yếu lý lịch theo mẫu 2C-BNV/2008, có nhận xét của cơ quan, đơn vị và dán ảnh 3 x 4 cm (theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV, ngày 06-10-2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức).
- Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan sử dụng viên chức về năng lực, trình độ, kết quả công tác, phẩm chất đạo đức.
- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch đăng ký dự thi được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
- Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
- Bản sao các quyết định, biên bản, tên văn bản, đề án theo quy định về nghiên cứu khoa học.
- Hồ sơ đăng ký dự thi của viên chức dự thi được đựng trong một bì riêng, có kích thước 250 x 340 x 5 mm. Viên chức dự thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ đăng ký dự thi của mình.
- Bản sao có công chứng, chứng thực các văn bằng, chứng chỉ, quyết định bổ nhiệm ngạch và quyết định lương gần nhất.

2. Thủ tục và trách nhiệm cử viên chức dự thi

- Các cơ quan, đơn vị lập danh sách viên chức thuộc phạm vi quản lý có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi và có văn bản cử viên chức dự thi kèm danh sách trích ngang (mẫu kèm theo) qua đường văn thư, đồng thời gửi qua địa chỉ Emai: btctw.cs@gmail.comtrantuyettrinh@npa.org.vn
- Danh sách viên chức có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức; danh sách viên chức được miễn thi ngoại ngữ, miễn thi tin học và Hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch giảng viên chính và tương đương của viên chức gửi về Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ). Riêng hồ sơ thi nâng ngạch giảng viên cao cấp và tương đương được làm thành 02 bộ;  01 bộ gửi về Ban Tổ chức Trung ương (qua Vụ Chính sách cán bộ) và  01 bộ gửi về Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ).

Thời gian gửi hồ sơ cụ thể như sau: (theo File Excel, font chữ Times New Roman).

- Đối với kỳ thi nâng ngạch giảng viên cao cấp và tương đương: hạn nộp hồ sơ trước ngày 25-4-2012.

- Đối với kỳ thi lên ngạch giảng viên chính và tương đương: hạn nộp hồ sơ trước ngày 05-5-2012.

Quá thời hạn nêu trên, cơ quan, đơn vị không có văn bản được coi là không có nhu cầu cử viên chức dự thi.
Công văn này cùng được đưa trên Website: xaydungdang.org.vn (Mục Văn kiện - Tư liệu) và Website: npa.org.vn hoặc hcma.vn (Mục Thông báo).

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ, điện thoại: 080.41057).

GIÁM ĐỐC
Tạ Ngọc Tấn
(đã ký)

-------------------
(1) Viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, thuộc diện trong quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền luân chuyển về giữ các chức vụ, chức danh cán bộ ở cấp huyện được xem xét dự thi.
(2) Bằng cử nhân chính trị do Học viện hoặc các Học viện khu vực cấp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất