BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TỔ CHỨC
HỘI ĐỒNG THI NÂNG NGẠCH
CHUYÊN VIÊN CAO CẤP CƠ QUAN ĐẢNG, ĐOÀN THÊ NĂM 2011
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2011
|
MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG VIẾT VÀ BẢO VỆ ĐỀ ÁN
Để giúp các thí sinh chuẩn bị tốt cho việc viết và bảo vệ đề án trong kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp cơ quan đảng, đoàn thể năm 2011, Hội đồng thi định hướng một số nội dung như sau:
1. Các vấn đề chung
- Về nội dung: đề án do thí sinh tự chọn 1 vấn đề (trong số các vấn đề do Hội đồng thi đặt ra) có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công tác thí sinh đang đảm nhiệm và phù hợp với với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành.
- Viết đề án: trong thời gian 1 ngày (08 giờ). Bản viết này sẽ được Hội đồng thi sao thành 04 bản (01 bản giao lại cho thí sinh để chuẩn bị bảo vệ; 03 bản giao cho Hội đồng chấm thi).
- Bảo vệ đề án: thí sinh cỏ thể sử dụng bản đã viết hoặc bản tóm tắt đề án (nếu có) để trình bày và bảo vệ trước Hội đồng trong khoảng thời gian tối đa là 30 phút.
2. Về yêu cầu, kết cấu và chủ đề của Đề án
2.1. Yêu cầu
- Đề án phải xuất phát từ một vấn đề thực tế và phù hợp với khả năng, đặc điểm tình hình, hoàn cảnh của cơ quan, đơn vị, tổ chức.
- Lập luận phải logic, chặt chẽ, dẫn chứng chính xác, có sức thuyết phục.
- Các giải pháp, biện pháp thực hiện phải rõ ràng, xác định rõ từng khâu, từng giai đoạn tiến hành với thời gian cụ thể; phải làm rõ được tính khả thi trong thực tiễn.
2. Kết cấu
Đề án bao gồm một số phần chính sau đây:
2.1. Phần mở đầu
- Cần làm rõ tính cấp thiết của vấn đề; tình hình nghiên cứu có liên quan.
- Nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp, thời gian thực hiện.
- Yêu cầu, đối tượng, phạm vi của đề án.
- Phương pháp thực hiện đề án.
- Ý nghĩa của đề án.
2.2. Nội dung của đề án
- Cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu (nêu ngắn gọn).
- Căn cứ thực tiễn của đề án: Phân tích thực trạng của vấn đề (ưu điểm, nhược điểm, thuận lợi, khó khăn; nguyên nhân).
- Đề xuất những giải pháp và phương án thực hiện; lập luận và xác định phương án thực hiện (kể cả nhân lực, thời gian, dự kiến kinh phí…).
2.3. Kết luận và kiến nghị
- Tóm tắt những nội dung chính của đề án.
- Kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền về những nội dung liên quan.
Ngoài ra cần nêu danh mục tài liệu tham khảo chính.
3. Một số định hướng về chủ đề của đề án
3.1. Về công tác xây dựng đảng
Những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát, tư tưởng, dân vận; dân chủ trong Đảng, phát huy dân chủ ở cơ sở; đấu tranh phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm….
3.2. Về hệ thống chính trị
Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; hoàn thiện pháp luật, pháp chế XHCN; cải cách nền hành chính nhà nước; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…
3.3. Về lĩnh vực kinh tế - xã hội
Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; khắc phục khủng hoảng kinh tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tái cơ cấu nền kinh tế; đầu tư nước ngoài; các vấn đề văn hoá, xã hội, con người….
HỘI ĐỒNG THI
* Nội dung cụ thể sẽ giới thiệu tại buổi hệ thống kiến thức