1. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Hội nghị tháng 10-1930
+ Ngày 3-2-1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, những đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đã họp, thống nhất 3 tổ chức cách mạng của Việt Nam thành một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam (Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không kịp cử đại biểu họp, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng ra Nghị quyết để Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam).
+ Hội nghị ngày 3-2-1930 thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi công, nông, binh, thanh niên, học sinh và toàn thể quần chúng bị áp bức. Chính cương vắn tắt vạch rõ cách mạng Việt Nam là “tư sản dân quyền cách mạng”. Sách lược vắn tắt chỉ rõ Đảng là “đội tiên phong của giai cấp công nhân”.
+ Ngày 14-10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc) thông qua Luận cương chính trị, đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Điều lệ Đảng. Điều lệ Đảng quy định: “Trung ương chiểu theo các việc mà lập ra các bộ như Bộ Tổ chức, Bộ Tuyên truyền, Bộ Công nhân vận động…”. Do đó, ngày 14-10-1930 được xem là ngày thành lập Bộ Tổ chức và được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX, ngày 14-10 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.
2. Đại hội I
+ Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935, có 13 đoàn đại biểu thay mặt các tổ chức đảng ở trong nước và hoạt động ở nước ngoài tham dự.
+ Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chính trị của Đảng lúc này là: Thu phục quảng đại quần chúng lao động, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô và cách mạng Trung Quốc; khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở; thống nhất lãnh đạo, chuẩn bị cho cách mạng Đông Dương chuyển sang giai đoạn mới.
+ Đại hội thông qua Điều lệ Đảng và điều lệ của các tổ chức quần chúng: Thông qua Tuyên ngôn.
+ Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 uỷ viên.
3. Đại hội II
+ Đại hội tiến hành từ ngày 11 đến 19 tháng 2 năm 1951 tại Tuyên Quang, với sự tham gia của 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 760.000 đảng viên của Đảng.
+ Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng.
+ Đại hội quyết định đưa Đảng ta ra hoạt động công khai và lấy tên là “Đảng Lao động Việt Nam”. (Trước đó Đảng ta đã tuyên bố “tự giải tán” vào ngày 11 tháng 11 năm 1945, thực chất là rút vào hoạt động bí mật dưới tên gọi “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác” nhằm bảo toàn lực lượng để tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân trước sự tiến công của kẻ thù trong bối cảnh tình hình chính trị phức tạp sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945).
+ Các nghị quyết của Đại hội II đã xác định rõ mục tiêu của công tác xây dựng Đảng là: “tăng cường lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo quân đội và lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn, phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.
+ Điều lệ Đảng khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng, mở rộng dân chủ, tăng cường tập trung, coi tự phê bình và phê bình là khâu chính để mở rộng dân chủ trong Đảng, nâng cao chất lượng các cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên.
+ Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 uỷ viên chính thức và 10 uỷ viên dự khuyết.
4. Đại hội III
+ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tiến hành tại Hà Nội từ ngày 5 đến 10 tháng 9 năm 1960, gồm 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt gần 550.000 đảng viên cả nước.
+ Đại hội đã thông qua báo cáo chính trị, trong đó xác định đường lối chung của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới là “tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hoà bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà…”.
+ Đại hội đã thông qua Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng. Báo cáo đã tổng kết 30 năm công tác xây dựng Đảng, trình bày những vấn đề cơ bản về Đảng Lao động Việt Nam. Trong đó, khẳng định tính chất của Đảng Lao động Việt Nam là “đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân”. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng.
+ Đại hội bầu 17 uỷ viên chính thức và 31 uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khoá III.
5. Đại hội IV
+ Đại hội IV của Đảng tiến hành từ ngày 14 đến 20 tháng 12 năm 1976 tại Hà Nội, gồm 1.008 đại biểu thay mặt hơn 1,5 triệu đảng viên trong cả nước tham dự.
+ Đại hội thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tổng kết 16 năm thực hiện đường lối chính trị của Đại hội III, đề ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới ở nước ta.
+ Đại hội đã thông qua báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng.
+ Báo cáo tổng kết xây dựng Đảng đã phân tích, đánh giá tình hình Đảng ta, những ưu điểm và khuyết điểm của công tác xây dựng Đảng từ Đại hội III đến Đại hội IV.
+ Báo cáo đã tổng kết một số bài học kinh nghiệm về vận dụng đường lối và phương châm xây dựng Đảng.
- Về bài học kinh nghiệm:
a) Vấn đề có ý nghĩa quyết định nhất là Đảng ta tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, có đường lối chính trị độc lập, tự chủ, luôn luôn đúng đắn, sáng tạo.
b) Dựa trên đường lối chính trị đúng đắn, Đảng ta coi trọng tăng cường lãnh đạo tư tưởng.
c) Chẳng những vạch ra đường lối đúng, khẩu hiệu đúng, Đảng ta với ý chí chiến đấu kiên cường và hoạt động thực tiễn phong phú đã tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối chính trị của mình và rất coi trọng rèn luyện cán bộ, đảng viên trong phong trào quần chúng.
d) Truyền thống tốt đẹp và nguồn sức mạnh cơ bản của Đảng ta là mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân.
đ) Một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng là sự đoàn kết, thống nhất nội bộ.
e) Để phát huy bản chất cách mạng và khoa học của Đảng, để Đảng làm tròn trách nhiệm lãnh đạo của mình, phải chăm lo giữ gìn phẩm chất cách mạng đi đôi với ra sức nâng cao kiến thức, năng lực của cán bộ, đảng viên tương ứng với đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng.
g) Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cán bộ, phải chăm lo cải thiện cơ cấu thành phần xã hội của Đảng, tăng cường thành phần công nhân, nhất là công nhân đại công nghiệp trong Đảng.
- Về phương châm xây dựng Đảng:
a) Phải xây dựng Đảng vững mạnh về cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ba mặt ấy gắn liền với nhau, quyết định lẫn nhau.
b) Phải thông qua phong trào cách mạng của quần chúng, qua việc xây dựng chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động mà tiến hành công tác xây dựng Đảng; tổ chức cho quần chúng tham gia xây dựng Đảng, góp phần kiểm tra sự hoạt động của Đảng, kiểm tra công tác và phẩm chất của cán bộ, đảng viên.
c) Việc xây dựng Đảng, tăng cường sức chiến đấu của Đảng phải gắn liền với việc kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực của Nhà nước, gắn liền với việc xây dựng và củng cố các tổ chức quần chúng, hình thành sức mạnh tổng hợp của hệ thống chuyên chính vô sản.
d) Việc nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên phải kết hợp với việc nâng cao chất lượng của chi bộ và đảng bộ cơ sở, tăng cường cơ quan lãnh đạo và kiện toàn bộ máy tổ chức ở từng cấp, từng ngành.
đ) Trong công tác phát triển Đảng, phải coi trọng chất lượng, chống khuynh hướng chạy theo số lượng đơn thuần; phát triển Đảng luôn luôn đi đôi với củng cố Đảng. Một mặt, kết nạp những người thật sự ưu tú, đủ tiêu chuẩn vào Đảng, mặt khác, kịp thời đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hoá, biến chất, những người không đủ tư cách đảng viên. Cảnh giác đề phòng những phần tử xấu, phản động, xu thời, vụ lợi chui vào Đảng.
+ Báo cáo xây dựng Đảng đã đề ra những nhiệm vụ, chủ trương về công tác xây dựng Đảng.
+ Đại hội IV đã quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
+ Đại hội đã bầu 101 uỷ viên chính thức và 32 uỷ viên dự khuyết vào Ban Chấp hành Trung ương khoá IV.
6. Đại hội V
+ Đại hội V của Đảng tiến hành từ 27 đến 31-3-1982 tại Hà Nội với sự tham gia của 1.033 đại biểu thay mặt cho hơn 1,7 triệu đảng viên trong cả nước.
+ Đại hội V đã thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá IV, trong đó đã tổng kết một cách toàn diện tình hình cách mạng nước ta từ sau thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975, khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối chung và đường lối xây dựng và phát triển kinh tế do Đại hội IV vạch ra.
+ Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo xây dựng Đảng, tổng kết tình hình của Đảng và công tác xây dựng Đảng từ sau Đại hội IV.
+ Báo cáo xây dựng Đảng đã thẳng thắn chỉ ra rằng “trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng ta đã có những ưu điểm rất cơ bản, đồng thời cũng bộc lộ những nhược điểm và khuyết điểm lớn cần ra sức khắc phục”.
+ Báo cáo xây dựng Đảng tại Đại hội V xác định: “Nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng hiện nay là: Tiếp tục nâng cao tính chất giai cấp công nhân, tính tiên phong của Đảng; xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức nhằm thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, làm cho Đảng ta luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, một Đảng thật sự trong sạch, có sức chiến đấu cao, gắn bó chặt chẽ với quần chúng.
+ Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IV về xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội V nêu chủ trương tiếp tục thực hiện đường lối tổ chức của Đảng do Đại hội IV đề ra và nhấn mạnh 5 yêu cầu đối với công tác tổ chức của Đảng.
- Bảo đảm thấu suốt đường lối;
- Cải tiến sự lãnh đạo của Đảng gắn với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế;
- Củng cố cơ sở đảng;
- Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ cốt cán;
- Phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất của Đảng.
+ Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 116 uỷ viên chính thức và 36 uỷ viên dự khuyết.
TẠP CHÍ XÂY DỰNG ĐẢNG
(Còn tiếp)