Quy chế đánh giá cán bộ, công chức

QUYẾT ĐỊNH

về việc ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức

(Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Bộ Chính trị)

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá X;

Xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương,

BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH

1 - Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế đánh giá cán bộ, công chức.

2- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương và đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương có trách nhiệm thực hiện Quyết định này.

3- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 50-QĐ/TW, ngày 3-5-1999 của Bộ Chính trị (khoá VIII).

T/M BỘ CHÍNH TRỊ

Trương Tấn Sang (đã ký)

                  

 

                    *  *

                      *

QUY CHẾ

đánh giá cán bộ, công chức

(Kèm theo Quyết định số 286-QĐ/TW, ngày 8-2-2010

 của Bộ Chính trị (khoá X))

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, yêu cầu đánh giá cán bộ, công chức

1- Làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả công tác và triển vọng phát triển của cán bộ, công chức.

2- Làm căn cứ để tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức.

3- Phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, tính lịch sử - cụ thể; trên cơ sở thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; công khai đối với cán bộ, công chức được đánh giá.

4- Phát huy đầy đủ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, lấy kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ, công chức.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Áp dụng đối với cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội; lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước (gọi tắt là cán bộ).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- “Cấp có thẩm quyền” là tập thể lãnh đạo hoặc người đứng đầu được giao quyền quyết định đối với chức danh cán bộ đó theo phân cấp quản lý cán bộ.

2- "Người đứng đầu trực tiếp" là người được bầu, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ cấp trưởng trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, trực tiếp quản lý, giao việc cho cán bộ, công chức.

3- “Tập thể lãnh đạo” ở Trung ương là tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban cán sự đảng, đảng đoàn, ban thường vụ đảng uỷ, lãnh đạo ban, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương; ban thường vụ đảng uỷ, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, cơ quan Trung ương. ở địa phương là ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ; ban thường vụ huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ, thành uỷ, lãnh đạo ban, sở ngành, uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố; ban thường vụ đảng uỷ xã, phường, thị trấn...

4- "Thành viên lãnh đạo" của tổ chức, cơ quan, đơn vị ở Trung ương là uỷ viên đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo ban, ngành... ở địa phương là uỷ viên thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, uỷ viên đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo ban, sở, ngành, mặt trận, đoàn thể...

5- "Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền" là cơ quan chuyên trách làm công tác tổ chức cán bộ của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, trực tiếp tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định đối với cán bộ, công chức.

6- “Đơn vị cơ sở” ở Trung ương là cục, vụ, viện, trung tâm và tương đương; nếu dưới cục, vụ, viện, trung tâm có đơn vị cấp phòng, ban thì việc đánh giá cán bộ được tiến hành ở cấp phòng, ban và tương đương. ở địa phương là phòng, ban trực thuộc ban, sở, ngành, quận, huyện và tương đương; ở các đơn vị sự nghiệp là khoa, phòng, trung tâm và tương đương; ở các doanh nghiệp là phòng, ban, phân xưởng và tương đương.

7- “Cấp uỷ nơi công tác” là chi uỷ nơi cán bộ sinh hoạt, công tác.

8- "Cấp uỷ nơi cư trú” là chi uỷ nơi cán bộ cư trú.

Điều 4. Thẩm quyền, trách nhiệm nhận xét, đánh giá cán bộ

1- Cấp uỷ (tổ chức đảng) nơi cán bộ sinh hoạt, công tác.

2- Cấp uỷ (tổ chức đảng) nơi cán bộ cư trú (nhận xét về việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của khu dân cư, mối quan hệ với quần chúng nhân dân của bản thân và gia đình cán bộ).

3- Người đứng đầu trực tiếp đánh giá cấp phó và cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý hành chính của mình.

4- Cấp có thẩm quyền (nhận xét, đánh giá và kết luận phân loại cán bộ theo các mức quy định tại Điều 11 của Quy chế này).

5- Bản thân cán bộ tự đánh giá, cá nhân và tập thể có thẩm quyền nhận xét, đánh giá cán bộ phải chịu trách nhiệm về nội dung nhận xét, đánh giá của mình.

Điều 5. Căn cứ đánh giá

1- Nghĩa vụ của cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.

2- Chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.

3- Tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh cán bộ.

4- Môi trường và điều kiện cán bộ thực hiện nhiệm vụ trong thời hạn đánh giá.

Điều 6. Nội dung đánh giá

1- Mức độ thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao: thể hiện ở khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả của công việc trong từng vị trí, từng thời gian; tinh thần trách nhiệm trong công tác.

2- Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống

- Nhận thức, tư tưởng chính trị; việc chấp hành chủ trương, đường lối và quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Việc giữ gìn đạo đức và lối sống lành mạnh; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác.

- Tinh thần học tập nâng cao trình độ; tính trung thực, ý thức tổ chức kỷ luật; tinh thần tự phê bình và phê bình.

- Đoàn kết, quan hệ trong công tác; mối quan hệ, tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân.

3- Chiều hướng và triển vọng phát triển.

Điều 7. Thời hạn đánh giá

1- Định kỳ hằng năm.

2- Trước khi hết nhiệm kỳ (ở các tổ chức hoạt động theo nhiệm kỳ).

3- Trước khi quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử; điều động, luân chuyển; khen thưởng, kỷ luật.

Chương II

QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ

Điều 8. Đánh giá cán bộ theo định kỳ hằng năm

- Đánh giá cán bộ theo định kỳ hằng năm được tiến hành vào dịp cuối năm ở các đơn vị cơ sở; vào dịp kết thúc năm học đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo.

- Đối với cán bộ, công chức là đảng viên, việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên theo định kỳ được kết hợp cùng với việc đánh giá cán bộ, công chức theo định kỳ.

- Đối với cán bộ đảm nhiệm nhiều chức danh công tác thì đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu ở chức danh đảm nhiệm chính và cao nhất của cán bộ đó.

Việc đánh giá cán bộ được tiến hành như sau:

1- Đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ và cấp phó của người đứng đầu:

- Cán bộ tự nhận xét, đánh giá (bằng văn bản) theo nội dung quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

- Tập thể cán bộ cùng làm việc trong đơn vị cơ sở tham gia ý kiến.

- Người đứng đầu trực tiếp của cán bộ nhận xét, đánh giá.

2- Đối với cán bộ là cấp trưởng của đơn vị cơ sở

- Cán bộ tự nhận xét, đánh giá (bằng văn bản) theo nội dung quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

- Tập thể cán bộ cùng làm việc trong đơn vị cơ sở và cấp uỷ nơi cán bộ công tác, sinh hoạt nhận xét, góp ý.

- Việc đánh giá, kết luận và phân loại đối với cán bộ cấp trưởng đơn vị cơ sở do người đứng đầu cấp trên trực tiếp thực hiện.

3- Đối với cán bộ là thành viên lãnh đạo cơ quan, đơn vị

- Cán bộ tự nhận xét, đánh giá (bằng văn bản) theo nội dung quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

- Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị tham gia góp ý.

- Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền: tổng hợp các nhận xét, đánh giá của cá nhân và tập thể nêu trên; đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá cán bộ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận.

- Cấp có thẩm quyền đánh giá, kết luận và phân loại cán bộ theo Điều 1 của Quy chế này.

Điều 9. Đánh giá cán bộ đảm nhiệm chức vụ do bầu cử trước khi hết nhiệm kỳ

1- Cán bộ tự nhận xét, đánh giá (bằng văn bản) theo nội dung quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

2- Các thành viên lãnh đạo của tổ chức được bầu nhận xét, góp ý.

3- Người đứng đầu tổ chức được bầu nhận xét, đánh giá; tập thể lãnh đạo thảo luận, thông qua.

4- Cấp uỷ nơi công tác và cấp uỷ nơi cư trú nhận xét.

5- Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền tổng hợp các ý kiến nhận xét và đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá cán bộ.

6- Cấp có thẩm quyền đánh giá, kết luận phân loại cán bộ theo Điều 11 của Quy chế này.

Điều 10. Đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bổ nhiện lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật

1- Đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử

- Cán bộ tự nhận xét, đánh giá (bằng văn bản) theo nội dung quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

- Người đứng đầu trực tiếp nhận xét, đánh giá.

- Cấp uỷ (tổ chức đảng) nơi cán bộ công tác và cấp uỷ nơi cán bộ cư trú hoặc tổ dân phố, thôn, ấp, bản... nơi không có tổ chức đảng nhận xét (trường hợp bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử trong vòng 1 năm thì chỉ lấy ý kiến nhận xét một lần).

- Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền tổng hợp các ý kiến nhận xét và đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá cán bộ.

- Tập thể lãnh đạo thảo luận, thống nhất nhận xét, đánh giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2- Đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm lại

- Cán bộ tự nhận xét, đánh giá (bằng văn bản) theo nội dung quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

- Tập thể cán bộ (đối với đơn vị cơ sở), hội nghị cán bộ chủ chốt (đối với các đơn vị khác) tham gia ý kiến.

- Người đứng đầu trực tiếp nhận xét, đánh giá và đề xuất ý kiến có bổ nhiệm lại hay không.

- Tập thể lãnh đạo đánh giá, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định theo phân cấp quản lý cán bộ.

3 - Đánh giá cán bộ trước khi quy hoạch

- Tập thể lãnh đạo và chi uỷ nơi cán bộ công tác nhận xét.

- Người đứng đầu trực tiếp nhận xét, đánh giá.

- Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền tổng hợp các ý kiến và đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá cán bộ.

- Cấp có thẩm quyền quy hoạch cán bộ đánh giá, quyết định.

4- Đánh giá cán bộ trước khi điều động, luân chuyển

- Người đứng đầu trực tiếp nhận xét, đánh giá.

- Cấp có thẩm quyền đánh giá, quyết định.

5- Đánh giá cán bộ trước khi khen thưởng, kỷ luật

- Đánh giá cán bộ trước khi khen thưởng thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng và các quy chế, quy định về thi đua, khen thưởng.

- Đánh giá cán bộ trước khi kỷ luật thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội và các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Điều 11. Phân loại cán bộ

Căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại cán bộ theo 1 trong 4 mức sau:

1- Hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ

2- Cán bộ hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ là những người không vi phạm điểm 2, Điều 6 của Quy chế này và:

- Đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ: hoàn thành 100% khối lượng đạt chất lượng, tiến độ và hiệu quả công việc được giao; có ít nhất 1 sáng kiến cải tiến trong công việc được cấp sở, ngành, huyện, quận (đối với cán bộ ở cấp huyện, cấp xã); cấp tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành, đoàn thể (đối với cán bộ ở tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương) công nhận.

- Đối với cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở: cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách hoàn thành 100% chỉ tiêu nhiệm vụ; tổ chức đảng và các đoàn thể của cơ quan, đơn vị đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

- Đối với cán bộ lãnh đạo cấp trên cơ sở trở lên: phải có 100% đơn vị trực thuộc hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có trên 70% đơn vị hoàn tốt nhiệm vụ.

2- Hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ

Cán bộ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ là những người không vi phạm điểm 2, Điều 6 của Quy chế này và:

- Đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ: hoàn thành 100% khối lượng, chất lượng, tiến độ công việc được giao.

- Đối với cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở: cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách hoàn thành 100% chỉ tiêu nhiệm vụ; tổ chức đảng và các đoàn thể của cơ quan, đơn vị đạt trong sạch, vững mạnh.

- Đối với cán bộ lãnh đạo cấp trên cơ sở trở lên: có 90% đơn vị trực thuộc hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có trên 50% đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

3- Hoàn thành chức trách, nhiệm vụ

Cán bộ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ là những người không vi phạm điểm 2, Điều 6 của Quy chế này và:

- Đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ: hoàn thành trên 70% khối lượng, chất lượng, tiến độ công việc được giao.

- Đối với cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở: cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách hoàn thành trên 70% chỉ tiêu nhiệm vụ; tổ chức đảng và các đoàn thể của cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

- Đối với cán bộ lãnh đạo cấp trên cơ sở trở lên: có trên 70% đơn vị trực thuộc hoàn thành nhiệm vụ.

4- Chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ

Cán bộ chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ khi vi phạm một trong những khoản quy định tại điểm 2, Điều 6 của Quy chế này hoặc:

- Đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ: hoàn thành dưới 50% khối lượng, chất lượng công việc được giao.

- Đối với cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở: cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách hoàn thành dưới 70% chỉ tiêu nhiệm vụ hoặc tổ chức đảng và các đoàn thể của cơ quan, đơn vị yếu kém.

- Đối với cán bộ lãnh đạo cấp trên cơ sở trở lên: có trên 30% đơn vị trực thuộc không hoàn thành nhiệm vụ.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Sử dụng kết quả đánh giá cán bộ

Kết quả nhận xét, đánh giá của cấp uỷ, tổ chức đảng cùng cấp đồng thời được sử dụng làm kết quả đánh giá chính của chính quyền đối với cán bộ, công chức đó và được sử dụng cho việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày đánh giá; nếu trong thời hạn này có phát sinh những tình tiết mới thì kiểm điểm, đánh giá bổ sung.

Điều 13. Thông báo và báo cáo nội dung nhận xét, đánh giá cán bộ

1- Đại diện của cấp uỷ, tổ chức đảng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị thông báo kết luận nhận xét, đánh giá, phân loại của cấp có thẩm quyền cho cán bộ, công chức được đánh giá biết.

2- Đối với cán bộ thuộc diện cấp trên trực tiếp quản lý, quyết định, cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan đơn vị báo cáo bằng văn bản về nội dung nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức của cấp mình lên cấp trên xem xét, kết luận.

Điều 14. Quyền bảo lưu ý kiến và giải quyết khiếu nại về đánh giá cán bộ

1- Cán bộ, công chức có quyền trình bày ý kiến, bảo lưu và báo cáo lên cấp trên trực tiếp những vấn đề không tán thành về nhận xét, đánh giá đối với bản thân mình nhưng phải chấp hành kết luận nhận xét, đánh giá của cấp có thẩm quyên.

2- Khi có khiếu nại về đánh giá cán bộ thì cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, kết luận và thông báo (bằng văn bản) đến người khiếu nại.

Điều 15. Quản lý văn bản, tài liệu về đánh giá cán bộ

1- Văn bản nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức của cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ phải có chữ ký của người đứng đầu hoặc của một thành viên đại diện lãnh đạo và đóng dấu của cơ quan, đơn vị đó.

2- Các văn bản, tài liệu về nhận xét, đánh giá cán bộ bao gồm: bản tự nhận xét, đánh giá của cán bộ; nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, của tập thể lãnh đạo, của cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn...; kết luận của cơ quan kiểm tra, thanh tra (nếu có) phải gửi cho cơ quan quản lý cán bộ để lưu hồ sơ theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức.

Điều 16. Căn cứ vào Quy định phân cấp quản lý cán bộ, các cấp uỷ, tổ chức đảng xây dựng tiêu chuẩn các chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh cán bộ để làm căn cứ đánh giá cán bộ.

Điều 17. Ban Tổ chức Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất