KẾT LUẬN
CỦA BAN BÍ THƯ
về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW
(khoá IX) ngày 18-3-2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích
và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân
(Kết luận số 64-KL/TW ngày 9 tháng 2 năm 2010)
____
Tại phiên họp ngày 27-01-2010, sau khi nghe Văn phòng Trung ương
Đảng báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số
14-NQ/TW (khoá IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo
điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Bí thư đã thảo luận và kết
luận như sau:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm
Ban Chấp hành Trung ương khoá IX (Nghị quyết số l4-NQ/TW) về tiếp tục đổi mới
cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân;
trong những năm qua, các cấp uỷ và tổ chức đảng đã tổ chức quán triệt, xây dựng
chương trình hành động, tích cực chỉ đạo thực hiện, đưa Nghị quyết nhanh đi vào
cuộc sống và đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều quy định pháp luật đã
được ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đồng bộ, tạo hành lang pháp lý, môi trường
thể chế và tâm lý xã hội tốt cho kinh tế tư nhân phát triển. Chính phủ, các bộ,
ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ
trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của tư nhân. Kinh tế tư nhân đã phát
triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Số lượng doanh nghiệp tăng bình quân
22%/năm giai đoạn 2000-2009. Đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực vào sản xuất,
kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần tích
cực vào tăng trưởng nhanh nền kinh tế, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân,
qua đó tăng thêm lòng tin của nhân dân vào chủ trương của Đảng và chính sách
của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh
tế nước ta chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế,
thành phần kinh tế tư nhân vẫn tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân có
nơi, có lúc vẫn chưa được đầy đủ và còn thiếu nhất quán; so với yêu cầu đặt ra,
việc đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân vẫn
còn nhiều hạn chế; việc thể chế hoá một số nội dung của Nghị quyết còn chậm,
chưa đồng bộ, một số quy định chưa sát với thực tiễn nên khó thực hiện; nhiều
vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện chưa được
tháo gỡ kịp thời; một số cơ quan quản lý nhà nước các cấp chưa làm tốt chức năng,
nhiệm vụ của mình; thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp;
việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý chưa thật mạnh mẽ. Nhiều nơi
chưa quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế tư nhân theo quy hoạch ngành và
lãnh thổ. Kinh tế tư nhân phát triển còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, tình trạng
vi phạm pháp luật diễn ra còn khá phổ biến, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm.
Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp của tư nhân vẫn còn
nhiều khó khăn, số doanh nghiệp của tư nhân có đảng viên và tổ chức cơ sở đảng
còn rất ít; tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp của tư nhân chưa đều khắp,
chất lượng hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa đủ năng lực bảo vệ quyền lợi cho
người lao động; nhiều hiệp hội doanh nghiệp hoạt động lúng túng, vai trò đối
với doanh nghiệp còn mờ nhạt.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp uỷ,
tổ chức đảng và mức độ đầu tư của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân còn thấp;
doanh nghiệp của tư nhân hầu hết mới được hình thành và phát triển nên tài sản,
vốn liếng còn ít, khả năng cạnh tranh hạn chế. Đồng thời, trong bối cảnh hội
nhập quốc tế với nhiều thách thức mới, đặc biệt tình hình kinh tế thế giới còn
nhiều biến động khó lường đã tác động mạnh đến sự phát triển của kinh tế tư
nhân.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW (khoá IX) về phát triển
kinh tế tư nhân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng tập trung làm tốt
những việc chủ yếu sau:
1- Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền,
giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao hơn nữa trong toàn Đảng,
toàn dân và các ngành, các cấp về chủ trương nhất quán phát triển kinh tế tư
nhân của Đảng và Nhà nước; đề cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc
biệt là lãnh đạo các cấp trong tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng.
2- Bám sát các nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết để bổ sung một số
nội dung trong chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương
cho phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển mới của đất nước. Sửa đổi, bổ
sung, ban hành mới các quy định về pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành
chính có liên quan để thực hiện tốt các nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng triển
khai các công việc sau:
- Tổ chức tốt việc cụ thể hoá Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Khắc
phục những nội dung chưa rõ ràng, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; điều
chỉnh cơ chế phân cấp và phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong quản lý
nhà nước về đầu tư; quan tâm đến việc bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông thiểu số; sớm
có hướng dẫn đầy đủ việc xử lý các trường hợp doanh nghiệp vi phạm các hành vi
bị cấm theo quy định của Luật. Sửa đổi Điều 6 của Luật Doanh nghiệp theo hướng
quy định bắt buộc việc thành lập và hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, các đoàn
thể trong doanh nghiệp.
- Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách
tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho phát triển kinh tế tư nhân
Sửa đổi, bổ sung một số quy định để giải quyết những vấn đề bất
cập trong thực hiện chính sách về đất đai; hoàn thiện Luật Đất đai hiện hành;
đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rà soát, thu hồi những
diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật;
khuyến khích việc sử dụng đất ở những vùng đất trống, đồi núi trọc; ưu tiên đầu
tư cơ sở hạ tầng cho vùng sâu, vùng xa.
Sửa đổi các quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế theo
hướng đơn giản hơn các thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán cho
phù hợp với trình độ, quy mô, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa; có
cơ chế để doanh nghiệp của tư nhân được vay vốn viện trợ phát triển chính thức
(ODA) như các doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu bổ sung và mở rộng hình thức
bảo lãnh cho doanh nghiệp; tiếp tục rà soát bãi bỏ các khoản phí, lệ phí không
hợp lý; ưu tiên nhiều hơn cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển sản xuất, kinh
doanh ở những khu vực khó khăn, vùng núi, biên giới và hải đảo.
Tăng cường bảo đảm quyền lợi của người lao động trong khu vực kinh
tế tư nhân. Sớm sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật
Dạy nghề; nghiên cứu xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản có
liên quan nhằm làm rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn của người lao động, người sử
dụng lao động trong doanh nghiệp; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm
tra tình hình thực hiện pháp luật về lao động để kịp thời uốn nắn, xử lý những
sai phạm trong quản lý lao động.
Nghiên cứu để sớm có chương trình quốc gia về hỗ trợ nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực và chương trình quốc gia về đẩy mạnh đổi mới công nghệ
trong doanh nghiệp, trong đó chú trọng thoả đáng doanh nghiệp của tư nhân. Tiếp
tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ doanh nghiệp
và người lao động, nâng cao trình độ cán bộ quản lý; xây dựng cơ chế, chính
sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới; đẩy nhanh việc ứng dụng công
nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; thiết lập thị trường công nghệ; tiếp tục
triển khai tích cực và đồng bộ các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp
nhỏ và vừa. Đẩy mạnh hỗ trợ thông tin cho kinh tế tư nhân; đẩy mạnh hoạt động
xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp.
3- Thực hiện tốt việc bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần
kinh tế; khuyến khích và mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết, liên doanh
giữa kinh tế tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã và các doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra mối quan hệ hợp tác, cạnh tranh, cùng có lợi.
Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp gắn với tái cấu trúc nền kinh tế
theo hướng khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển với quy mô ngày càng lớn,
từng bước hình thành các đơn vị kinh tế tư nhân mạnh đủ sức cạnh tranh trong và
ngoài nước.
4- Tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý
của Nhà nước các cấp đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp thường xuyên giáo dục cán bộ,
đảng viên có thái độ ứng xử đúng đắn, tạo thuận lợi, đồng thời quản lý sâu sát
các hoạt động của kinh tế tư nhân theo quy định của pháp luật, tăng cường và
nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát theo cơ chế hậu kiểm; kịp thời
động viên, khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt, uốn nắn những
lệch lạc, sai phạm của kinh tế tư nhân. Định kỳ sơ kết, biểu dương, nhân rộng
những điển hình tiên tiến; sớm có quy chế quản lý việc tổ chức xét, tôn vinh và
trao giải thưởng doanh nghiệp, doanh nhân. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể nhân dân các cấp; phát động phong trào
thi đua, tiếp tục động viên đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, tạo môi
trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội cho kinh tế tư nhân phát triển.
5- Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về
"Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW (khoá IX) về tiếp tục
đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư
nhân trong điều kiện hội nhập quốc tế" trong quý II-2010.
T/M BAN BÍ THƯ
Trương
Tấn Sang (đã ký)