Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan đảng, cấp uỷ tổ chức đảng các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản

Quyết định

ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông với các cơ quan đảng, cấp uỷ, tổ chức đảng các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản

(Quyết định số 283-QĐ/TW ngày 26-1-2010

 của Ban Bí thư Trung ương Đảng

 

 

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư "Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản" ;

- Căn cứ Luật xuất bản ngày 03-12-2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 03-6-2008;

- Xét đề nghị của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông,

BAN BÍ THƯ QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan đảng, cấp uỷ, tổ chức đảng các cơ quan nhà nước, đoàn thể trong việc phối hợp chỉ đạo, quản lý lĩnh vực xuất bản.

Điều 2. Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và cấp uỷ, tổ chức đảng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

T/M BAN BÍ THƯ

Trương Tấn Sang

 *

*        *

 

 

 

 

 

Quy định  

về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan đảng, cấp uỷ tổ chức đảng các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản (kèm theo Quyết định số 283-QĐ/TW ngày 26-01-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng)

 

Điều 1. Nguyên tắc phối hợp

1- Phối hợp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, các ban của Đảng ban cán sự đảng, đảng đoàn các bộ, ngành, đoàn thể, các cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn cơ quan chủ quản nhà xuất bản.

2- Phối hợp theo yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tạo điều kiện để các bên tham gia hoàn thành tốt nhiệm vụ chung cũng như nhiệm vụ của từng đơn vị (ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan chủ quản); góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động xuất bản.

Điều 2. Các công việc chính và cơ chế phối hợp

1- Tham mưu xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng về hoạt động xuất bản.

a) Ở Trung ương

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, các ban của Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp uỷ, các cơ quan chủ quản nhà xuất bản, Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam.

b) Ở địa phương

- Cơ quan chủ trì: Ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ.

- Cơ quan phối hợp: Đảng uỷ sở thông tin và truyền thông, cấp uỷ các cơ quan chủ quản nhà xuất bản ở tỉnh, thành phố.

c) Nội dung: Tham mưu xây dựng nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cấp uỷ đảng về định hướng chính trị, tư tưởng trong nội dung thông tin trên các xuất bản phẩm; định hướng phát triển sự nghiệp xuất bản; công tác xuất bản; công tác xây dựng Đảng; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng các cơ quan xuất bản.

2- Tham mưu xây dựng pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp xuất bản

a) Ở Trung ương

- Cơ quan chủ trì: Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương và ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp uỷ đảng các cơ quan chủ quản nhà xuất bản, Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam.

b) Ở địa phương

- Cơ quan chủ trì: Ban cán sự đảng uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đảng uỷ sở thông tin và truyền thông là cơ quan được uỷ quyền).

- Cơ quan phối hợp: Ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ.

c) Nội dung: Tham mưu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hoá pháp luật, chính sách về xuất bản; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp xuất bản; thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Tổ chức giao ban xuất bản hàng quý

a) Ở Trung ương

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông; có sự tham gia của đại diện một số ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ các bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan chủ quản nhà xuất bản, Hội Xuất bản Việt Nam.

b) Ở địa phương

Tuỳ theo điều kiện cụ thể, cơ quan chủ trì có thể là ban tuyên giáo hoặc sở thông tin và truyền thông; các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chủ quản nhà xuất bản và các cơ quan xuất bản của tỉnh, thành phố.

c) Nội dung

Ban Tuyên giáo Trung ương (ở địa phương là ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ) nhận xét, đánh giá, định hướng về chính trị, tư tưởng trong hoạt động xuất bản; lưu ý những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung xuất bản phẩm.

- Bộ Thông tin và Truyền thông (ở địa phương là sở thông tin và truyền thông) nhận xét, đánh giá nội dung xuất bản phẩm dưới góc độ quản lý nhà nước; lưu ý, nhắc nhở, xử lý các cơ quan xuất bản vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản.

- Các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, theo yêu cầu cụ thể báo cáo và đề xuất một số vấn đề, chuyên đề liên quan đến nội dung thông tin trên các xuất bản phẩm, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.

- Lãnh đạo các cơ quan xuất bản nêu vấn đề hoặc câu hỏi để trao đổi, thảo luận.

- Đại diện các cơ quan chủ trì giao ban (hoặc cơ quan báo cáo chuyên đề) trao đổi, giải đáp những vấn đề được nêu ra tại cuộc giao ban.

- Kết luận của đại diện cơ quan chủ trì giao ban.

Điều 4. Tổ chức giao ban giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản với các cơ quan chủ quản nhà xuất bản (tuỳ theo yêu cầu cụ thể của tình hình hoạt động xuất bản, có thể tổ chức 6 tháng hoặc 1 năm một lần ở cả Trung ương và địa phương).

a) Ở Trung ương

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ quản nhà xuất bản, Hội Xuất bản Việt Nam.

b) Ở địa phương

- Cơ quan chủ trì: Ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ.

- Cơ quan phối hợp: Sở thông tin và truyền thông, các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cơ quan chủ quản nhà xuất bản của tỉnh, thành phố.

c) Nội dung

- Ban Tuyên giáo Trung ương (ở địa phương là ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ) nhận xét, đánh giá về việc các cơ quan chủ quản nhà xuất bản, cơ quan xuất bản thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về hoạt động xuất bản; định hướng chính trị, tư tưởng nội dung thông tin trong xuất bản phẩm; sự phối hợp của các cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản với các cơ quan chủ quản nhà xuất bản.

- Bộ Thông tin và Truyền thông (ở địa phương là sở thông tin và truyền thông) nhận xét, đánh giá công tác thực thi pháp luật, chính sách về xuất bản của các cơ quan chủ quản nhà xuất bản; khen thưởng, biểu dương các nhà xuất bản có ưu điểm, thành tích nổi bật, đồng thời phê bình, nhắc nhở, nêu kết quả xử lý các nhà xuất bản vi phạm pháp luật.

- Hội Xuất bản Việt Nam và lãnh đạo các cơ quan chủ quản nhà xuất bản nêu ý kiến, vấn đề để trao đổi, thảo luận.

- Kết luận của cơ quan chủ trì giao ban.

Điều 5. Phối hợp trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản (về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản và lãnh đạo cơ quan xuất bản; tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm; khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản thực hiện theo Quyết định 282-QĐ/TW, ngày 26-1-2010 của Ban Bí thư).

Điều 6. Phối hợp trong việc phát hiện và xử lý xuất bản phẩm vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước về nội dung chính trị, tư tưởng

a) Ở Trung ương

- Cơ quan chủ trì: Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền Thông.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương.

b) Ở địa phương

- Cơ quan chủ trì: Sở thông tin và truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ.

c) Nội dung

- Trong quá trình tổ chức đọc kiểm tra nội dung xuất bản phẩm theo quy định của Luật Xuất bản và phát hiện của bạn đọc, nếu có dấu hiệu vi phạm về nội dung chính trị, tư tưởng, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét, đánh giá mức độ vi phạm và đề xuất hình thức xử lý. Trên cơ sở thống nhất ý kiến với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử lý.

- Trong quá trình tổ chức đọc xuất bản phẩm lưu chiểu do địa phương cấp phép và phát hiện của bạn đọc nếu có dấu hiệu vi phạm về nội dung chính trị, tư tưởng, sở thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp với ban tuyên giáo uỷ, thành uỷ xem xét, đánh giá mức độ vi phạm và đề xuất hình thức xử lý. Trên cơ sở thống nhất ý kiến với ban tuyên giáo địa phương, sở thông tin và truyền thông báo cáo với uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét và ra quyết định xử lý.

Điều 7. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xuất bản

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì khảo sát, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; xây dựng và thẩm định các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cơ quan làm công tác chỉ đạo, quản lý xuất bản, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng đảng trong các cơ quan xuất bản; theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xuất bản. Cơ quan phối hợp là Ban Tổ chức Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam và các cơ quan hữu quan ở địa phương, cơ quan chủ trì là ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ; cơ quan phối hợp là cấp uỷ đảng sở thông tin và truyền thông, trường chính trị tỉnh, thành phố và các cơ quan hữu quan.

- Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì khảo sát, lập kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ xuất bản kiến thức pháp luật, chính sách của Nhà nước liên quan đến hoạt động xuất bản; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, chính sách về xuất bản cho đội ngũ cán bộ xuất bản. Cơ quan phối hợp là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam và các cơ quan hữu quan. Ở địa phương, cơ quan chủ trì là sở thông tin và truyền thông (giúp uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố); cơ quan phối hợp là ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ; sở nội vụ; trường chính trị tỉnh, thành phố và các cơ quan hữu quan.

- Cấp uỷ đảng, Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam, chi hội xuất bản, chi hội in ở các tỉnh, thành phố chăm lo bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ xuất bản, nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, hội viên. Cơ quan phối hợp là Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có liên quan.

Điều 8. Cấp, thu hồi giấy phép thành lập nhà xuất bản, tạm đình chỉ hoạt động của nhà xuất bản

- Cơ quan chủ trì: Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương.

a) Cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản

Cơ quan đề nghị thành lập nhà xuất bản làm công văn, tờ trình, hồ sơ gửi Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét các tiêu chuẩn cấp phép thành lập nhà xuất bản theo quy định của pháp luật và quy hoạch phát triển xuất bản của cả nước, gửi công văn hiệp y với Ban Tuyên giáo Trung ương, chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ kết quả hiệp y của Ban Tuyên giáo Trung ương ra quyết định. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau, lãnh đạo Ban và Bộ trực tiếp có buổi làm việc để tiến tới thống nhất trước khi quyết định. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra quyết định cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản sau khi đã có sự thống nhất ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương.

b) Thu hồi giấy phép thành lập nhà xuất bản, tạm đình chỉ hoạt động của nhà xuất bản

Căn cứ mức độ sai phạm của nhà xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền hông thống nhất ý kiến với Ban Tuyên giáo Trung ương và tham khảo ý kiến của cơ quan chủ quản nhà xuất bản để quyết định thu hồi giấy phép thành lập nhà xuất bản hoặc tạm đình chỉ hoạt động của nhà xuất bản.

Điều 9. Kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên các cơ quan chỉ đạo, quản ý xuất bản, cơ quan chủ quản, cơ quan xuất bản về việc thi hành Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng trong hoạt động xuất bản

a) Ở Trung ương

- Cơ quan chủ trì: Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và đảng đoàn, ban cán sự đảng, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương có liên quan.

b) Ở địa phương

- Cơ quan chủ trì : Uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành uỷ.

- Cơ quan phối hợp là ban tuyên giáo, sở thông tin và truyền thông và cấp uỷ các cơ quan hữu quan.

c) Nội dung: Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với các ban đảng ở Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực huộc Trung ương có liên quan; chỉ đạo uỷ ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong các cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản, cơ quan chủ quản và cơ quan xuất bản. Phát hiện kịp thời và nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới; đồng thời nhắc nhở, xử lý kỷ luật những tổ chức đảng và đảng viên chấp hành không nghiêm hoặc vi phạm kỷ luật đảng.

Điều 10. Phối hợp về công tác thông tin, tuyên truyền giữa các cơ quan xuất bản và báo chí (tuỳ theo yêu cầu cụ thể của tình hình hoạt động xuất bản, có thể tổ chức thường xuyên hoặc định kỳ 6 tháng một lần)

- Cơ quan chủ trì : Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Nội dung: Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì và phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà xuất bản, cơ sở phát hành xuất bản phẩm và các cơ quan báo chí về định hướng công tác thông tin, nâng cao chất lượng tuyên truyền về hoạt động xuất bản trên các phương tiện truyền thông.

Điều 11. Xây dựng, hoàn thiện chế độ quản lý tài chính trong hoạt động xuất bản; kiểm tra, thanh tra công tác quản lý tài chính đối với các cơ quan xuất bản

a) Ở Trung ương

- Cơ quan chủ trì: Ban cán sự đảng Bộ Tài chính.

- Cơ quan phối hợp: Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan hữu quan.

b) Ở địa phương

- Cơ quan chủ trì: sở tài chính.

- Cơ quan phối hợp: sở thông tin và truyền thông, kiểm toán nhà nước khu vực, ban tuyên giáo, văn phòng tỉnh uỷ, thành uỷ và các cơ quan hữu quan.

c) Nội dung: Xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện chế độ quản lý tài chính; kiểm tra, thanh tra công tác quản lý tài chính đối với các cơ quan xuất bản.

Điều 12. Quản lý văn phòng đại diện nhà xuất bản tại địa phương

- Cơ quan chủ trì: Ban cán sự đảng uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, cấp uỷ đảng các cơ quan chủ quản nhà xuất bản, các nhà xuất bản có văn phòng đại diện tại địa phương. Các cơ quan ở địa phương bao gồm: Sở thông tin và truyền thông, ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ và cá cơ quan hữu quan.

- Nội dung: Thực hiện theo Quy chế cơ quan đại diện tại các địa phương. Định kỳ 6 tháng một lần (hoặc đột xuất), các cơ quan ở địa phương bao gồm: ban tuyên giáo, sở thông tin và truyền thông địa phương gặp mặt nhà xuất bản để đánh giá, nhận xét, bàn kế hoạch phối hợp quản lý hoạt động của văn phòng đại diện nhà xuất bản tại địa phương. Tập trung vào các vấn đề: thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà xuất bản và của địa phương, góp phần xây dựng địa phương và nhà xuất bản vững mạnh về mọi mặt. Biểu dương, khen thưởng văn phòng đại diện có thành tích nổi bật trong hoạt động xuất bản; nhắc nhở, phê bình, xử lý kịp thời các sai phạm, yếu kém, khuyết điểm (nếu có) của các văn phòng đại diện.

Điều 13. Quy định về quan hệ và lề lối làm việc

a) Sáu tháng một lần (hoặc họp đột xuất khi có nội dung quan trọng, cấp bách), Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì cùng Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan họp đánh giá, nhận xét việc thực hiện Quy định. Sau cuộc họp, có thông báo về nội dung, kết quả; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, quản lý xuất bản cho thời gian tiếp theo. Thông báo được gửi cho tất cả các cơ quan tham gia. Ở địa phương, việc thực hiện được tiến hành đúng như quy định với các cơ quan Trung ương.

b) Các vấn đề cần trao đổi để đi đến thống nhất, cơ quan được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời trong thời hạn không quá 15 ngày (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), nếu không thể trả lời đúng thời hạn thì có công văn phúc đáp, nêu rõ lý do, đề xuất ý kiến. Những trường hợp cần thống nhất ý kiến xử lý nhanh, lãnh đạo các cơ quan tham gia thực hiện Quy định này có thể trao đổi trực tiếp hoặc bằng hình thức thông tin phù hợp.

c) Các cơ quan tham gia thực hiện Quy định này trao đổi các văn bản do cơ quan mình ban hành liên quan đến nội dung Quy định để các bên cùng biết và phối hợp thực hiện.

d) Lãnh đạo các đơn vị tham gia thực hiện Quy định có chế độ liên hệ, trao đổi, thông báo kịp thời các vấn đề cần phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, quản lý xuất bản.

đ) Hàng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan hữu quan tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy định, xác định nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tiếp theo. Ở địa phương, việc sơ kết thực hiện Quy định do ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ chủ trì với các thành phần như ở Trung ương.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất