Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước*

Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,

Thưa các vị đại biểu,

Thưa các vị khách quý,

Thưa đồng bào, đồng chí,

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất các dân tộc thiểu số Việt Nam, Đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng cho các dân tộc thiểu số nước ta mà chung cho cả khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội được tổ chức trong năm cả nước thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, đúng vào dịp Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu. Mỗi người chúng ta, già hay trẻ, gái hay trai, dân tộc thiểu số hay đa số đều ghi nhớ mãi lời dạy đầy tâm huyết của Người : "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt,… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt".

Thay mặt Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý và các đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 12 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước đã hội tụ về Thủ đô ngàn năm văn hiến để tham dự Đại hội. Xin gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, gia đình có công với nước, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, các vị trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân tiêu biểu là người dân tộc thiểu số, các vị khách quý trong nước và quốc tế, quý vị đại biểu có mặt trong Đại hội và toàn thể đồng bào cả nước lời chào nồng nhiệt, lời thăm hỏi ân cần và những tình cảm quý mến, trân trọng nhất.

 

Thưa đồng bào, đồng chí,

Để tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam hôm nay, vừa qua đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số đã được tiến hành trên khắp các địa phương vùng đồng bào dân tộc trong cả nước; đây thực sự là nguồn cổ vũ, động viên lớn, tạo ra không khí hồ hởi, phấn khởi từ các bản làng xa xôi hẻo lánh, các vùng rẻo cao đến đồng bằng, đô thị; biểu tượng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và hành động trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong mỗi bước đi của cách mạng Việt Nam, đồng bào các dân tộc thiểu số đã luôn luôn cùng đồng bào cả nước một lòng thủy chung son sắt theo Đảng và Bác Hồ, cống hiến công sức, máu xương cho sự nghiệp chung, giành được những thắng lợi vĩ đại : Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trong sự nghiệp đổi mới, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đồng bào trong cả nước, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc, vùng dân tộc và miền núi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng thể hiện trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Việc thực hiện công tác dân tộc đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, hội tụ được tình cảm và sự giúp đỡ, trách nhiệm của nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế.

Những năm qua, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể để phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho nông thôn vùng dân tộc và miền núi có nhiều tiến bộ rõ rệt, to lớn và quan trọng. Báo cáo trước Đại hội mà các đại biểu vừa được nghe đã trình bày khá rõ những tiến bộ ấy, từ việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động cho đến việc phát triển các mặt kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, bảo đảm an ninh và phát động các phong trào quần chúng... Điều đáng ghi nhận nữa là : Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện. Công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được coi trọng. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể nhân dân được kiện toàn, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số đã có những bước trưởng thành.

Những thành tựu đạt được đã góp phần rút ngắn dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền, các dân tộc trong cả nước, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thành quả ngày hôm nay là kết quả phấn đấu không mệt mỏi của nhiều thế hệ cho sự trường tồn của các dân tộc, cho sự phồn thịnh không ngừng của non sông Việt Nam.

Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân dân cả nước, đặc biệt là những cố gắng lớn lao của đồng bào các dân tộc thiểu số đã cùng đồng lòng, chung sức từng bước làm "thay da đổi thịt" vùng dân tộc và miền núi, vì sự nghiệp phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Thưa đồng bào, đồng chí,

Thành tựu của 25 năm đổi mới đã tạo cho nước ta thế và lực mới trên con đường tiến lên. Tuy nhiên, kinh tế đất nước phát triển vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước hiện nay tạo ra các cơ hội, nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với các vùng dân tộc và miền núi.

Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình phức tạp; việc xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc còn bất cập, nguồn lực đầu tư hạn chế nên vùng dân tộc và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn gặp nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo, tái nghèo trong đồng bào còn cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc ở nhiều nơi còn thấp kém. Nhiều tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng, miền chưa được khai thác, phát huy đúng mức. Trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hoá và các tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương còn thấp. Hệ thống giáo dục, y tế một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu học tập, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ đồng bào. Năng lực, trình độ của cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn yếu; nhiều vấn đề bức xúc chậm được phát hiện, giải quyết. Các tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn hiệu quả; an ninh, chính trị ở một số nơi vẫn tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định.

Từ những thành tựu và ưu điểm cũng như khuyết điểm và yếu kém nêu trên, Báo cáo trình bày trước Đại hội đã đề ra phương hướng phấn đấu đến năm 2020, cả phương hướng chung và phương hướng cho từng lĩnh vực. Quyết tâm chung của chúng ta là phát huy thuận lợi, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; tập trung đẩy mạnh phát triển vùng dân tộc và miền núi với tốc độ cao hơn, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các vùng, miền. Đương nhiên, việc xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển vùng dân tộc và miền núi phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn.

Tôi mong rằng các đại biểu Đại hội sẽ phát huy trí tuệ tập thể và tinh thần trách nhiệm cao để đi đến những quyết định đúng đắn về phương hướng và mục tiêu, vừa thể hiện được tinh thần tích cực, chủ động, vừa thiết thực và có tính khả thi, để biến quyết tâm ấy thành hiện thực.

Nhân dịp này, tôi đề nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các cấp uỷ, chính quyền địa phương và đồng bào cả nước thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ chủ yếu sau :

Một là, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành chương trình hành động của Chính phủ, của các cấp, các ngành nhằm tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hoá, xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng cùng với sự phát triển chung của cả nước, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước.

Hai là, thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp đỡ nhau cùng phát triển; nâng cao trình độ dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích cực thực hiện chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ba là, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung nguồn lực, tạo cơ chế mang tính đột phá trong đầu tư phát triển. Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo cơ sở vật chất cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi.

Bốn là, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục tập hợp khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc và các tầng lớp nhân dân; học tập tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là một cội nguồn của sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và phát triển bền vững của đất nước và dân tộc ta; phát huy ý chí tự lực tự cường, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển.

Năm là, không ngừng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc. Tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác tại các địa bàn vùng dân tộc; phát huy vai trò của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Sáu là, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới; đề cao cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo... để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào, làm phương hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Thay mặt Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi kêu gọi đồng bào các dân tộc Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 do Đại hội này đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phấn đấu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Cũng nhân dịp Đại hội này, tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và đồng bào các dân tộc thiểu số tới các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tôi xin gửi đến đại biểu Đại hội, các đồng chí, các vị khách quý và toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Nam lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, đoàn kết, thắng lợi.

Xin chúc Đại hội thành công tốt đẹp.


* Đầu đề của Tạp chí Xây dựng Đảng.

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất