BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG * Số 170 - QĐ/TW | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Hà nội, ngày 07 tháng 3 năm 2013 |
QUY ĐỊNH
chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở
trong doanh nghiệp tư nhân
- Căn cứ Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khoá XI;
- Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Căn cứ Luật Doanh nghiệp;
Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân (áp dụng cho các doanh nghiệp 100% vốn tư nhân gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân) như sau:
I. CHỨC NĂNG
Điều l. Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân là hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động chủ sở hữu, các thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do điều lệ doanh nghiệp quy định (gọi chung là người quản lý doanh nghiệp) và người lao động chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
II. NHIỆM VỤ
Điều 2. Thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trách nhiệm xã hội
1. Lãnh đạo đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp và tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tham gia xây dựng và thực hiện điều lệ, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các quy định, quy chế, nội quy lao động của doanh nghiệp.
2. Chủ động trao đổi với người quản lý doanh nghiệp để thống nhất đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
3. Lãnh đạo đảng viên; tuyên truyền, vận động người quản lý doanh nghiệp và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vệ sinh môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Điều 3. Công tác tư tưởng
1. Lãnh đạo đảng viên và tuyên truyền, vận động các thành viên trong doanh nghiệp hiểu rõ và chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, nhiệm vụ của doanh nghiệp.
2. Tuyên truyền, vận động, thuyết phục và bằng hoạt động có hiệu quả của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội để người quản lý doanh nghiệp hiểu rõ phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài của Đảng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và doanh nghiệp có trách nhiệm tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ của mỗi tổ chức.
Điều 4. Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội
1. Lãnh đạo xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp vững mạnh, chủ động phối hợp với người quản lý doanh nghiệp tổ chức các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội… góp phần thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
2. Lãnh đạo ban chấp hành công đoàn chủ động phát hiện và kịp thời trao đổi với người quản lý doanh nghiệp giải quyết vướng mắc giữa người lao động và người sử dụng lao động; chủ động đề xuất với người quản lý doanh nghiệp chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời, đúng đắn các vụ khiếu kiện trong doanh nghiệp.
Điều 5. Công tác tổ chức, cán bộ
1. Xây dựng cấp ủy và cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội có phẩm chất, năng lực, làm việc có hiệu quả, được đảng viên, người lao động và người quản lý doanh nghiệp tôn trọng, tín nhiệm. Chú trọng bồi dưỡng đảng viên là người quản lý doanh nghiệp tham gia cấp ủy, ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.
2. Chủ động giới thiệu với người quản lý những đảng viên, cán bộ, người lao động tiêu biểu để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp.
Điều 6. Công tác xây dựng đảng
1. Cấp ủy đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.
2. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình; duy trì, đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng cho phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp, quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất và thực hiện đúng các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng. Chống những biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đạo đức tư cách của người đảng viên.
3. Lãnh đạo đảng viên nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
4. Làm tốt công tác phát triển đảng viên; quan tâm kết nạp những đoàn viên ưu tú của các tổ chức chính trị - xã hội; những người lao động trẻ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và những người quản lý doanh nghiệp.
5. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên chấp hành điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; quy định của cấp ủy cấp trên và Quy định của Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
III. QUAN HỆ CỦA ĐẢNG BỘ, CHI BỘ CƠ SỞ VỚI
NGƯỜI QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP VÀ CÁC TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN
Điều 7. Đối với người quản lý doanh nghiệp
1. Cấp uỷ xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với người quản lý doanh nghiệp trên nguyên tắc hợp tác, đồng thuận để tổ chức đảng tham gia xây dựng, phát triển doanh nghiệp và doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đảng hoạt động theo quy định của Điều lệ Đảng và Luật Doanh nghiệp.
2. Cấp ủy chủ động trao đổi với người quản lý doanh nghiệp những đề xuất, kiến nghị hợp lý của tổ chức đảng, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; thoả ước lao động tập thể; hợp đồng lao động; các chế độ, chính sách đối với người lao động và đề xuất biện pháp phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội
Định kỳ hằng quý hoặc khi có yêu cầu, cấp ủy làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp để nắm tình hình hoạt động và có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Điều 9. Đối với các tổ chức có liên quan
Đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp chịu sự lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên trực tiếp về mọi mặt; đồng thời, xây dựng mối quan hệ với cơ quan quản lý cấp trên, với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh và nơi có đảng viên cư trú để phối hợp công tác và quản lý đảng viên.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Các tỉnh ủy, thành ủy, các cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng doanh nghiệp tư nhân có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này.
2. Căn cứ Quy định này và sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, đảng bộ, chi bộ cơ sở doanh nghiệp tư nhân xây dựng quy chế hoạt động để thực hiện.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Quy định này thay thế Quy định số 100-QĐ/TW, ngày 04 tháng 6 năm 2004 của Ban Bí thư khoá IX, có hiệu lực thi hành từ ngày ký và phổ biến đến chi bộ để thực hiện.
T/M BAN BÍ THƯ
Lê Hồng Anh (đã ký)