Ngày 17-10-2011, sau khi nghe Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng nhiệm kỳ 2006-2010 và phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2011-2015 (Tờ trình số 22-TTr/HĐLLTW, ngày 29-7-2011); các ý kiến tham gia của các ban, bộ, ngành liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và cơ bản tán thành với nội dung báo cáo của Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh một số vấn đề sau:
1- Về hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2006-2010
Trong nhiệm kỳ 2006-2010, Hội đồng Lý luận Trung ương đã cố gắng bám sát thực tiễn, triển khai nhiều hoạt động khoa học, chủ động, kịp thời tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số vấn đề lý luận chính trị, góp phần giải quyết một số vấn đề cấp bách đặt ra trong quá trình đổi mới.
Hội đồng đã tập trung chỉ đạo, quản lý, triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị và một số đề tài nghiên cứu giai đoạn 2006-2010. Nhiều kết quả nghiên cứu đã đóng góp thiết thực vào công tác nghiên cứu lý luận của Đảng, phục vụ trực tiếp cho việc soạn thảo bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng.
Hội đồng đã bước đầu phát huy vai trò đầu mối, tổ chức lực lượng, tiến hành đấu tranh chống các quan điểm sai trái với quan điểm, đường lối của Đảng; thực hiện tốt một số nhiệm vụ tư vấn khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
Hội đồng đã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; từng bước mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về lý luận... theo đúng Quy chế do Ban Bí thư ban hành. Bộ Chính trị đánh giá cao kết quả hoạt động, đóng góp của Hội đồng Lý luận Trung ương và khẳng định mô hình tổ chức của Hội đồng là hợp lý, hoạt động của Hội đồng là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển lý luận của Đảng.
Tuy nhiên, Hội đồng Lý luận Trung ương cần sớm khắc phục một số thiếu sót: chất lượng tư vấn của Hội đồng còn có mặt hạn chế; việc tổ chức tổng kết thực tiễn, tiến hành đấu tranh chống các quan điểm sai trái chưa thường xuyên, chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; công tác quản lý cơ quan Hội đồng thiếu chặt chẽ.
2- Về phương hướng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 34-QĐ/TW, ngày 8-9-2011 của Bộ Chính trị về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015, Hội đồng cần bám sát chủ trương, phương hướng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra, Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI, tổ chức triển khai các hoạt động khoa học, bảo đảm thiết thực, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng.
Hội đồng cần theo dõi sát tình hình chính trị, kinh tế, xã hội... ở khu vực và trên thế giới; nắm chắc thực tiễn đất nước; phát hiện, dự báo những vấn đề mới, cấp bách đặt ra trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; chủ động đề xuất và tổ chức nghiên cứu, cung cấp những căn cứ lý luận - thực tiễn làm cơ sở hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Căn cứ những định hướng nghiên cứu lý luận được xác định trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng và những yêu cầu của thực tiễn đất nước, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, tổ chức triển khai Chương trình nghiên cứu lý luận - chính trị trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015. Chương trình cần tiếp tục làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận cơ bản trong đường lối chiến lược của Đảng; ưu tiên nghiên cứu, giải đáp những vấn đề cấp bách đang đặt ra trong 5 năm tới, đáp ứng thiết thực yêu cầu lãnh đạo của Đảng. Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, tổ chức, quản lý chương trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đồng thời chỉ đạo việc kế thừa, chắt lọc kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề tài nghiên cứu khác để thực hiện tốt chức năng tư vấn của Hội đồng và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
Hội đồng Lý luận Trung ương cần chủ động tổ chức lực lượng đấu tranh và trực tiếp tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái với quan điểm, đường lối của Đảng, uốn nắn những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, góp phần làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, ngăn ngừa những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ ta, củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội.
Hội đồng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn của các thành viên hội đồng; tập hợp rộng rãi, phát huy trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học cả nước; xây dựng cơ quan hội đồng tinh gọn, đoàn kết, kỷ cương, hoạt động có hiệu quả.
Hội đồng Lý luận Trung ương cần tăng cường quan hệ phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương, các cấp uỷ đảng có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ Hội đồng Lý luận Trung ương hoàn thành nhiệm vụ. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ và giải quyết các chế độ đối với Hội đồng; Văn phòng Trung ương tạo điều kiện cung cấp thông tin, cơ sở vật chất, kinh phí... đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng.
Bộ Chính trị, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Thường trực Ban Bí thư thường xuyên chỉ đạo và định kỳ làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương.
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Lê Hồng Anh (đã ký)