Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc: Những kết quả nổi bật 6 tháng đầu năm 2022

Nhiều mô hình sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng

Để đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, BTV Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã điều chỉnh phân công các đồng chí uỷ viên BTV, uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh uỷ định kỳ dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở để kịp thời nắm bắt, phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, đồng thời đề xuất giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ, góp phần củng cố, ổn định tình hình ngày từ cơ sở.

Đồng chí Phan Thanh Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác tổ chức xây dựng Đảng 13 tỉnh khu vực miền núi, trung du phía Bắc, ngày 28-6-2022. Ảnh: Bảo Yến.

Đổi mới trong công tác cán bộ, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm năm 2021, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục tham mưu BTV Tỉnh uỷ giao chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 cho 43 đồng chí là thủ trưởng các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ; chủ tịch uỷ ban mặt trận Tổ quốc tỉnh; trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh. Đồng thời, BTV Tỉnh uỷ đã phân công các đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí uỷ viên BTV Tỉnh uỷ phụ trách huyện có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp cơ quan, đơn vị, địa phương tháo gỡ điểm nghẽn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó được giao.

Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã tham mưu BTV Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 28-2-2022 về tăng cường lãnh đạo phát triển tổ chức đảng và đảng viên đối với các doanh nghiệp, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc cập nhật dữ liệu phần mềm đảng viên, phát triển tổ chức Đảng, một số đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao, điển hình là Bình Xuyên, Lập Thạch, Phúc Yên, Sông Lô, Tam Đảo, Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh. Về phát triển tổ chức đảng, Đảng bộ huyện Lập Thạch thành lập được 5 tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tập thể, vượt 300% chỉ tiêu được giao; Đảng bộ huyện Vĩnh Tường thành lập 2 tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tập thể, đạt 200% chỉ tiêu tỉnh giao.

Năm 2022 là năm tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã chủ động tham mưu BTV Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 15-3-2022 về tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025. Trong đó tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức đại hội đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, đảm bảo phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng và chi bộ. Đảng vững mạnh từ cơ sở sẽ là yếu tố quan trọng để lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra.

Kinh tế tăng trưởng khá

Tỉnh Vĩnh Phúc bước vào thực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, song với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào thực tiễn tại địa phương đã mang lại kết quả tích cực. Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cơ bản duy trì ổn định; sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh; các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2022 (%). (Ảnh minh hoạ: Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc).

Tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời có các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất - kinh doanh, không để doanh nghiệp thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bởi vậy, Vĩnh Phúc liên tiếp đạt các thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Quý I năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 7,89% so cùng kỳ năm trước, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (đạt mức tăng 5,03%). Sang quý II, với sự linh hoạt thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong trạng thái chủ động, mở cửa du lịch… đã giúp các hoạt động dịch vụ phục hồi gần như hoàn toàn về trạng thái như trước khi xuất hiện dịch. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tăng 10,10%, tuy thấp hơn mức tăng 14,46% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng là mức tăng cao nhất so giai đoạn 2017-2020. So với các địa phương trong cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 1,81%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,58%; khu vực dịch vụ tăng 6,32 %; thuế sản phẩm tăng 3,85%.

Tháng 4-2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021, Vĩnh Phúc bứt phá ngoạn mục khi tăng 24 bậc so với năm 2020, vươn lên vị trí thứ 5 cả nước. Ngày 25-5-2022, theo công bố của Bộ Nội vụ về chỉ số cải cách hành chính, Vĩnh Phúc lần đầu tiên lọt nhóm 5 địa phương dẫn đầu, với kết quả đạt 89.28%, xếp vị trí thứ 5/63. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng mạnh từ đại dịch COVID-19, đây là kết quả hoàn toàn xứng đáng cho những nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp. Vĩnh Phúc cũng là địa phương được ghi nhận có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2021.

Vĩnh Phúc bứt phá trở lại ngoạn mục với vị trí thứ 5 Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Ảnh: TL.

Năm 2022 cũng là năm Khu du lịch Tam Đảo, Vĩnh Phúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu du lịch quốc gia, là địa danh thứ 7 trong cả nước được công nhận danh hiệu này. Đây là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đầu tư phát triển vào các lĩnh vực dịch vụ du lịch, góp phần quan trọng để Ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thành tựu kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 của Vĩnh Phúc là những tín hiệu khởi sắc, tạo đà cho sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung cao độ, quyết liệt cho việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, bám sát 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất