Vâng lời Bác, Vĩnh Phúc đang giàu có, phồn vinh (kỳ cuối)


Nông thôn mới ở Vĩnh Phúc - Những miền quê đáng sống. Ảnh: KL


Kỳ 5 (kỳ cuối): Đảng bộ mạnh, Vĩnh Phúc giàu đẹp lên

Vĩnh Phúc vốn là tỉnh nông nghiệp đơn canh của vùng bán sơn địa khắc nghiệt, chớm nắng đã hạn, chớm mưa đã úng nên sản xuất vô vàn khó khăn, nhất là những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Khó khăn là vậy, nhưng người Vĩnh Phúc đã luôn bền bỉ, gắng gỏi chiến thắng giặc dã, thiên tai. Bởi vậy, lúc sinh thời Bác Hồ đã dành tình thương yêu lớn lao của Người cho cán bộ, nhân dân Vĩnh Phúc, thể hiện qua những lần Người về thăm, ân cần dặn dò, dạy bảo.

Vâng lời Bác, Vĩnh Phúc nay đã giàu đẹp lên rất đỗi ngoạn mục. Từ thành thị đến nông thôn, hay cả những bản làng xa xôi đều trở thành những địa danh đáng sống. Đặc biệt, những địa phương Bác về thăm như Lai Sơn, Tân Định, Phúc Yên, Tam Đảo, Lạc Trung..., sự đổi thay khó có lời diễn tả nào cho đúng, cho đủ. Tên đất, tên làng mãi là ký ức đẹp về một miền quê từng được Bác về thăm.

Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết: Cán bộ, đảng viên, nhân dân Vĩnh Phúc luôn ghi nhớ lời Bác dặn dò khi Người về thăm tỉnh năm 1963: “Muốn làm tốt mọi công việc thì phải lãnh đạo tốt từ tỉnh ủy đến chi bộ. Lãnh đạo tốt nghĩa là thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân. Phải đi đúng đường lối của quần chúng. Phải đi sâu vào cơ sở, đi sát hợp tác xã. Phải tuyên truyền, giáo dục cho mọi người thấm nhuần ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, xây dựng nước nhà. Cán bộ lãnh đạo phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư..."(1). Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp, kinh tế phát triển cao. Năm 2021 vừa qua là năm hết sức khó khăn, nhưng Vĩnh Phúc vẫn hoàn thành 2 mục tiêu lớn: Thứ nhất là phòng chống dịch, bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe cho người dân; không có doanh nghiệp nào phải đóng cửa, không có lao động nào trong các khu, cụm công nghiệp phải mất việc làm. Thứ hai là hoàn thành tốt phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng, tính đến cuối năm đạt 8,02%, đứng thứ 9 toàn quốc, cao hơn so với mức bình quân của cả nước là 2,58%; thu ngân sách xấp xỉ 33 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư tới trên một tỉ USD, cao nhất trong 25 năm vừa qua. 

Hoạt động sản xuất tại hầu hết các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc vẫn ổn định. Ảnh: KL.

Có được thành công trên là nhờ sự bứt phá quyết liệt, chỉ đạo đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; cấp ủy các cấp luôn bám sát chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, tổ chức triển khai theo chương trình, kế hoạch đã định. Vai trò của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu được nâng cao; quyết liệt thực hiện theo kế hoạch, theo lộ trình triển khai ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị một cách bài bản, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và đến với người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết thêm: Vĩnh Phúc hiện có diện tích tự nhiên 1.235,87 km2 (theo niên giám thống kê năm 2018); dân số 1.151.154 người (theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019); có 41 dân tộc, chủ yếu là: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường; 9 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố và 7 huyện; 136 xã, phường, thị trấn. Vĩnh Phúc hiện là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đồng bộ. Nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn được hoàn thành. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, ngày một khang trang, văn minh, hiện đại.

Nhân dân Vĩnh Phúc luôn mang trong mình niềm tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và một nền văn hóa rực rỡ, mang đậm dấu ấn văn hóa Hùng Vương, Kinh Bắc (nguồn mạch văn minh Đại Việt), Thăng Long văn hiến, thanh lịch. Vĩnh Phúc đẹp với cả một quần thể danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, như: Rừng quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Làng Hà... Nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và rất nhiều di tích văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử, tâm linh như: Danh thắng Tây Thiên, Tháp Bình Sơn, Đền thờ Trần Nguyên Hãn, Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu... Khu nghỉ dưỡng Đại Lải, FLC Vĩnh Thịnh với muôn vẻ thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, hệ sinh thái đa dạng. Với nhiều thế mạnh và tiềm năng phát triển, Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực và đất nước, xứng với lòng mong mỏi của Bác: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”(2).

Khu công nghiệp Bình Xuyên, Bá Thiện I, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Ảnh: KL.


Giọng mỗi lúc một sôi nổi, Chủ tịch Lê Duy Thành nói về chương trình bứt tốc trong năm nay: Khó khăn của năm 2021 vẫn có thể tiếp diễn, nhất là đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tất cả những gì đã nhận danh, nhận diện trong năm qua về các vùng, các khu có thể trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội chưa giải quyết dứt điểm thì trong năm 2022 sẽ quyết thực hiện bằng xong để đưa vào khai thác. Tập trung thực hiện các đề án trọng tâm, trọng điểm như: Cải tạo, chỉnh trang các đô thị, khu vực trung tâm. Đề án liên quan đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng môi trường sống, môi trường học tập, vui chơi giải trí, sinh hoạt của người dân ở các vùng nông thôn, khu dân cư, đô thị và tạo điều kiện để người dân có thêm thu nhập, được thụ hưởng thành quả mà họ góp công góp sức; Giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại, đảm bảo tất cả đều có hệ thống xử lý rác thải, nước thải theo tiêu chuẩn, trả lại môi trường sống trong lành cho các vùng nông thôn. Thực hiện thật tốt Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là cải tạo các điều kiện làm việc cũng như phương pháp làm việc, đạo đức công vụ, văn minh công vụ, văn hóa công sở của cán bộ, công chức…

Chủ tịch Lê Duy Thành nói về giải pháp thực hiện: Trước hết là thực hiện các giải pháp để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 thành công, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân. Đó là nhiệm vụ bất biến và quan trọng trên tất cả các nhiệm vụ khác. Cùng với đó, Tỉnh ủy chỉ đạo và UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ rõ ràng, phê duyệt các nhiệm vụ, giao chỉ tiêu đến từng cấp, từng ngành; thực hiện phân cấp, phân quyền; gắn trách nhiệm cụ thể đến từng cấp, từng ngành, từng người. Trên cơ sở này các huyện, thành phố, các ngành xây dựng chương trình hành động phù hợp với thực tiễn của đơn vị một cách khả thi; tiến hành phân cấp, chỉ đạo cụ thể đến lãnh đạo xã, phường, đơn vị và gắn với trách nhiệm từng đảng viên, đến từng công dân, trên nguyên tắc rõ việc, rõ người, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả. Rà soát tất cả những vướng mắc của các dự án, tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ, những dự án chậm triển khai không có lý do khách quan sẽ kiên quyết thu hồi.

Một trong những nội dung tỉnh quan tâm là đào tạo đội ngũ cán bộ, để từ đó xây dựng được một đội ngũ “vừa hồng, vừa chuyên”, trẻ, có trình độ tiếp cận công nghệ 4.0, thực hiện được chuyển đổi số, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số như Chính phủ đã đặt cho Vĩnh Phúc. Hiệu quả của việc xây dựng Đảng bộ vững mạnh, của việc đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 27-3-2021: “Mang lại ấm no, hạnh phúc thực chất cho nhân dân mới là thành công của Đại hội”.

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và làm theo lời Bác từng trực tiếp dạy bảo, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã không ngừng cố gắng, nỗ lực để ngày hôm nay có thể hãnh diện kính thưa vong linh của Người rằng: Vâng lời Bác, Vĩnh Phúc đang giàu có, phồn vinh. đúng với tâm nguyện thấu thiết của Người đã dành cho Vĩnh Phúc!        

-----------------------------

(1) Bài nói với nhân dân, cán bộ, bộ đội tỉnh Vĩnh Phúc (ngày 2-3-1963), Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 14, tr.40.

(2) Sách đã dẫn, tập 14, tr.41.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất