Vâng lời Bác, Vĩnh Phúc đang giàu có, phồn vinh (kỳ 3)


TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) khẳng định vị thế đô thị trung tâm của tỉnh. Ảnh: Khánh Linh.


Kỳ 3:  Bác khơi nguồn sức mạnh toàn dân

Thời tiết đậm sắc xuân. Phố phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên rợp cây xanh, chồi biếc, hương hoa thoang thoảng... Tôi vừa dạo bước vừa thiển nghĩ, có lẽ ít có thành phố miền trung du nào sánh nổi nơi đây. Nét tài hoa tinh đời của kiến trúc sư thiết kế phố thị, trang trí cây trồng bắt mắt, đan cài, trộn pha, kết nối tầng tầng lớp lớp tạo nên sắc nét thanh tao rất đỗi riêng biệt.

Theo chân đồng chí Tô Xuân Thình, Phó Bí thư Đảng ủy phường Đồng Tâm tản bộ vào Trung tâm Văn hóa, thể thao - Làng văn hóa Lai Sơn. Nơi đây được nhân dân Vĩnh Phúc coi là điểm nhấn văn hóa lịch sử và sinh cảnh tiêu biểu kết hợp với Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Lai Sơn (ngày 30-3-1958), bốn mùa hội tụ cộng đồng đông vui nhộn nhịp, giờ vì đại dịch Covid-19 mà thưa vắng hẳn đi.

Đứng dưới chân Tượng đài tưởng niệm Bác Hồ, tôi cảm nhận được nét thanh cao giản dị, đầm ấm của Người. Cán bộ thuyết minh nói với chúng tôi: Nơi đặt Tượng đài tưởng niệm chính là nơi 64 năm trước Bác Hồ đứng nói chuyện với xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn. Đồng chí Tô Xuân Thình còn cặn kẽ giảng giải thêm: Lai Sơn là một thôn của xã Cộng Hòa, huyện Tam Dương. Năm 1965, xã Cộng Hòa đổi là xã Thanh Vân. Ngày nay, Lai Sơn thuộc phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên. Đầu năm 1957, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xây dựng 5 hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp ở một số huyện, thôn Lai Sơn thuộc xã Cộng Hòa là nơi có phong trào tổ đổi công khá nhất huyện Tam Dương nên được chọn làm thí điểm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp. Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn ngày ấy có 29 hộ xã viên, tư liệu sản xuất gồm 165 mẫu ruộng, 25 con trâu, bò và 30 bộ cày, bừa. Vụ mùa đầu tiên Hợp tác xã giành thắng lợi cả 3 chỉ tiêu: diện tích, năng suất, sản lượng. Đời sống xã viên được cải thiện rõ rệt. Ưu thế của lối làm ăn tập thể vượt hẳn lối làm ăn cá thể. Từ kết quả ở Lai Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc có thêm kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp và chuẩn bị bước vào phong trào hợp tác hóa nông nghiệp theo chủ trương của Trung ương Đảng. Bởi vậy nên sáng ngày 30-3-1958, Lai Sơn vinh dự được đón Bác Hồ về thăm.

Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trong ngày Người về thăm HTX nông nghiệp Lai Sơn 30-3-1958. Ảnh: TL.

Ngày ấy, ông Nguyễn Văn Tấn là Chủ nhiệm Hợp tác xã, ông Nguyễn Xuân Đáp là Bí thư Chi đoàn thanh niên được trực tiếp đón Bác Hồ (nay ông Tấn đã qua đời). Ông Đáp kể cho chúng tôi nghe những điều mãi nhớ về Cụ Hồ: Chủ tịch nước giản dị, gần gũi nhân dân đến không ngờ. Bác hỏi dân đã được ăn no, mặc ấm chưa. Bác khen đồng bào, cán bộ Lai Sơn trong kháng chiến lập nhiều thành tích, trong hoà bình thì ra sức thi đua tăng gia sản xuất... Bác dạy phải đoàn kết, đoàn kết từ gia đình đến làng xóm, đến tập thể. Phải tiết kiệm, tiết kiệm ăn, tiết kiệm chi tiêu, nhất là quỹ của tập thể phải giữ lại không được mang ra ăn, dân không ủng hộ, từ đó mất đoàn kết không làm được việc lớn. Bác dặn cần làm đường rộng ra, sau này có ô tô chở lúa, chở thóc dễ dàng hơn… Trên đường về, Hồ Chủ tịch ghé thăm cánh đồng chiêm của Lai Sơn. Bác vui thấy lúa của Hợp tác xã xanh tốt…

Rồi ông Đáp phấn chấn hẳn lên, khi nhớ lại: “Ngày ấy, ông Tấn và tôi được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người, khiến chúng tôi đã cố gắng càng ra sức thi đua xây dựng hợp tác xã tốt hơn!”.

Đồng chí Nguyễn Văn Bính, Chủ tịch UBND phường cùng Phó bí thư Đảng ủy Tô Xuân Thình sôi nổi nói với chúng tôi: 64 năm qua đi, những câu chuyện về tình Bác với nhân dân Lai Sơn nối tiếp nhau truyền cho con cháu, như một di sản tinh thần vô giá. Nhớ Bác, Đảng bộ và nhân dân phường Đồng Tâm luôn soi lại mình, thấy rõ những việc làm được, những hạn chế, khuyết điểm, để từ đó đề ra nhiệm vụ chủ yếu từng năm. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, chúng tôi định ra chuyên đề: “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để thực hiện. Vận dụng triệt để lời Người dạy bảo cán bộ khi thăm Lai Sơn: Muốn làm cho hợp tác xã nông nghiệp phát triển thì phải làm cho mọi người hiểu rõ lợi ích của hợp tác xã để họ tự nguyện tham gia, tuyệt đối không cưỡng ép, mệnh lệnh và phát huy tính dân chủ, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau... Cho nên, nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng ủy, chính quyền phường Đồng Tâm là: Xây dựng phường Đồng Tâm giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa xã hội, mạnh về an ninh - quốc phòng; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.   

Về Đồng Tâm gặp gỡ cán bộ, đảng viên ai ai cũng bộc bạch ý chí phấn đấu hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Luôn học Bác, làm theo lời Bác, hết mình vì dân, gần gũi nhân dân, thật sự là công bộc của dân. Chăm lo xây dựng Đảng, chăm lo phát triển kinh tế, thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển văn hoá, xã hội ở địa phương, xây dựng Đồng Tâm vững mạnh toàn diện.

Thực hiện lời căn dặn của Người, Lai Sơn ngày nay đã trở thành một trong những làng văn hóa trọng điểm của tỉnh, được đầu tư làm mới đường làng, xây nhà văn hóa. Đời sống người dân trong thôn được nâng cao, 100% con em được học hành. Tưởng nhớ và biết ơn công lao của Người, nhân dân Lai Sơn đã lập Đền thờ Bác Hồ tại chính nơi Người gặp gỡ và nói chuyện với toàn thể người dân trong thôn. Mỗi khi có dịp trọng đại của làng như hội làng, xây chùa, sửa đình,…cán bộ trong thôn đều đến thắp hương báo cáo với Bác.

Đồng chí Nguyễn Quốc Toản, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận kiêm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Tổ trưởng Tổ dân phố giọng đầy nhiệt huyết chia sẻ với chúng tôi: Tổ dân phố Lai Sơn coi Khu tưởng niệm và Đền thờ Bác Hồ như một tài sản quý giá, không mấy đâu có được. Nơi đây là điểm đến quan trọng của nhiều du khách. Về đây họ được nghe, được thấu hiểu, thấu cảm về Bác qua những câu chuyện kể ấm ấp chân tình, về tấm lòng Bác Hồ đối với nhân dân, về tình cảm yêu mến của nhân dân dành cho Bác.

Tuổi ngoài 60, nhưng ông Toản vẫn sung sức sung lực với công việc được tập thể giao. Luôn sát sao với công việc, sát dân, ông Toản còn chịu nghe, biết cách nghe nên nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của từng người, giải quyết mọi việc luôn thấu tình đạt lý. Ông Toản bảo: Những vấn đề liên quan đến đời sống, đến đồng tiền bát gạo của nhân dân, càng phải công khai, minh bạch. Việc gì có lợi cho dân theo Cụ Hồ dạy thì chúng tôi quyết làm!

Học theo Bác luôn quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân, nên trong khu phố nhà nào có việc gì cũng đều được tập thể chăm lo góp sức. Như trong đại dịch Covid-19, tổ dân phố có nhiều người là F0, nhiều nhà gia cảnh khó khăn, ông Toản đã vận động tổ dân phố quyên góp cả chục triệu đồng đỡ đần cho họ, rồi phân công nhau chăm sóc. Tứ thân phụ mẫu ai qua đời, dù xa xôi tận Thanh Hóa, Lào Cai…, tổ dân phố vẫn cử người về tận nơi chia buồn cùng gia đình. “Ấy là cái tình, cái nghĩa của người dân Lai Sơn, từ làng lên phố suốt mấy chục năm nay vẫn thế” – ông Toản xúc động nói.

Nhân thể, ông nói liền mạch như cốt để chúng tôi phải hiểu tường tận: Nhờ Cụ Hồ dạy bảo, nhờ Đảng và dân biết vâng lời Người nên 64 năm qua Lai Sơn mới lột xác lên phố phường. Từ chỉ biết cấy cày, cậy nhờ trời cho mưa cho nắng, nay người dân Lai Sơn chuyển sang kinh doanh, dịch vụ thu nhập ổn định. Từ làng lên tổ dân phố, với 1.000 dân, gần 400 hộ đã đoàn kết mật thiết với nhau, xây nên tổ ấm “Đời sống văn hóa mới khu dân cư”. Giọng rành rõ, ông Toản nhấn nhả như đong như đếm: Nào là gia đình văn hóa đạt 94%, hộ nghèo chỉ còn dưới 1%; nào là hạ tầng cơ sở được bê-tông hóa, các trục đường lớn có đèn cao áp chiếu sáng; nào là Trung tâm Văn hóa, thể thao - Làng văn hóa Lai Sơn do Nhà nước đầu tư đưa vào sử dụng hơn chục năm nay như điểm nhấn văn hóa của thành phố...

Câu chuyện với Tổ trưởng Tổ dân phố Lai Sơn khiến tôi nhớ lại chia sẻ của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Thị Thúy Lan: “Vĩnh Phúc luôn quán triệt nghiêm túc, sâu sắc quan điểm của Bác Hồ “Dân là gốc”, nhân dân là chủ thể, là trung tâm của sự nghiệp đổi mới. Cho nên, trách nhiệm của Đảng bộ tỉnh là phải để mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển, ngày một nhiều và công bằng, trước nhất là nâng cao thu nhập cho nhân dân”... Vâng lời Bác, chỉ như vậy mới khơi dậy nguồn sức mạnh vô tận của nhân dân!

                                                                                                   (Còn nữa...)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất