Sinh thời, Bác Hồ vô vàn kính yêu của dân tộc luôn đau đáu nỗi niềm với Dân với nước. Bác dành nhiều thời giờ đi thăm hỏi nhân dân, cán bộ, công nhân, chiến sĩ khắp các vùng miền. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc có tới 8 lần được đón Bác về thăm. Bác canh cánh nỗi lòng mong muốn Vĩnh Phúc ra sức thi đua để trở thành đảng bộ khá, là tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất miền Bắc nước nhà. Làm theo lời Bác, nay Vĩnh Phúc đã và đang trở thành tỉnh giàu có, phồn vinh như mong muốn của Người.
Để hiểu rõ hơn về tình cảm thắm thiết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc với Bác Hồ kính yêu, Tạp chí Xây dựng Đảng xin gửi tới bạn đọc loạt bài (5 kỳ) “Vâng lời Bác, Vĩnh Phúc đang giàu có, phồn vinh” của nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển.
TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Khánh Linh.
Kỳ 1: Bác để tình yêu cho Vĩnh Phúc
Tôi là người Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ nhưng lập nghiệp, lập gia từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước trên đất Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Khởi nghề dạy học tại đây từ năm 1961, chuyển sang nghề báo cũng bắt đầu từ báo Vĩnh Phúc (năm 1966), những bài báo đầu đời tôi viết về Bác Hồ kính yêu cũng từ nơi đây, nên thực sự ấm lòng khi các thế hệ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh luôn coi tôi như dân bản địa.
Nói với chúng tôi về sự đổi thay của tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định: Trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Vĩnh Phúc đã nắm lấy thời cơ, vận hội, mạnh dạn đột phá đi lên bằng kinh tế công nghiệp, thông qua cách thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, Vĩnh Phúc càng vững vàng hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... Vĩnh Phúc giàu và đẹp hơn xưa là nhờ Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh luôn ghi nhớ sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”(1). Người còn căn dặn: “Mỗi một đảng viên đều phải gương mẫu. Người nào chưa gương mẫu thì cố gắng trở thành gương mẫu cho xứng đáng là đảng viên. Tất cả các đảng viên trong tỉnh đều gương mẫu… để làm cho 56 vạn dân trong tỉnh thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội”(2).
Qua câu chuyện với đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, chúng tôi hiểu rằng, những gì Vĩnh Phúc làm nên, đạt được như hôm nay là nhờ sự lãnh đạo xuyên suốt, toàn diện, liên tục của Trung ương Đảng và Đảng bộ tỉnh. Thực hiện đổi mới, Vĩnh Phúc luôn chọn vấn đề mới, vấn đề khó, vấn đề mấu chốt nhất, định rõ mục tiêu, giải pháp rồi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm thực hiện cho kỳ được. Những năm qua, tỉnh tập trung phát triển kinh tế công nghiệp - dịch vụ, du lịch chất lượng cao, hướng tới phát triển bền vững, ổn định, môi trường trong lành. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu đã định, các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn quán triệt sâu sắc, nghiêm túc quan điểm lấy Dân là gốc, Nhân dân là chủ thể, là trung tâm của sự nghiệp đổi mới. Bởi vậy, tỉnh chủ trương lấy phát triển công nghiệp để đầu tư trở lại cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; phấn đấu để mỗi người dân đều được hưởng nhiều, công bằng, thu nhập ngày một cao từ thành quả phát triển của tỉnh.
Trước khi tới tìm hiểu những địa danh Bác Hồ về thăm, chúng tôi đã kịp nghe đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh điểm lại 8 lần Vĩnh Phúc vinh dự được đón Bác. Đó là ngày 19-5-1955, Bác lên thăm công trường xây dựng khu nghỉ mát Tam Đảo; ngày 12-2-1956 (tức ngày mồng 1 Tết năm Bính Thân), Bác thăm và chúc Tết nhân dân thôn Yên Định, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên. Ngày 30-3-1958, Bác về thăm cán bộ và xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn, xã Cộng Hoà, huyện Tam Dương (nay là phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên). Rồi ngày 24-12-1958, Bác thăm thị xã Phúc Yên; ngày 25-1-1961 Bác thăm thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường; ngày 2-3-1963, Bác về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh vì có thành tích xuất sắc chống hạn bảo đảm thắng lợi vụ sản xuất đông xuân năm 1963. Chính dịp ấy, nói chuyện với gần hai vạn đồng bào, Bác đã căn dặn: "Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc”. Ngày 16-7-1963, Bác về nói chuyện với Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ tỉnh; ngày 27-7-1968, Bác trở lại thăm Tam Đảo. Đây là lần cuối cùng Người về thăm Vĩnh Phúc trước khi mất(3). Ấy là chưa kể ngày 16-7-1947, Bác có Thư gửi các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể đồng bào Phúc Yên có thành tích tham gia kháng chiến kiến quốc. Ngày 2-3-1966 Bác viết thư động viên Thôn Thượng, xã Tuân Chính, Vĩnh Tường đạt 6,5 tấn thóc trên/1ha. 8 lần Vĩnh Phúc đón Bác về thăm đã trở thành dấu ấn văn hóa lịch sử vô giá của địa phương, là biểu tượng thấu thiết, sắt son tình Bác với Dân; tình Dân tình Đảng với Bác Hồ vô vàn kính yêu!
Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc năm 1963. Ảnh: TL.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã kể với chúng tôi về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc. Cùng với chỉ thị, nghị quyết của Đảng, sách vở, tài liệu học tập, thì chính những kỷ niệm khi Bác về thăm địa phương, cùng những lời ân cần thăm hỏi, động viên, dạy bảo của Người là minh chứng sinh động, cụ thể, sát thực nhất về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo, làm theo. Ai cũng hiểu rằng học Bác là học văn hóa làm người, có văn hóa làm người thì mới làm cán bộ. Cán bộ nhất thiết phải có văn hóa, có đạo đức. Và học Bác là cả một quá trình, chính là quá trình tự rèn luyện, phấn đấu suốt cuộc đời!
Là người “nhập tịch” làm báo sớm ở tỉnh, nên những thành tích nổi bật trong các thời kỳ của Vĩnh Phúc tôi luôn ghi nhớ. Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, là cầu nối đúng nghĩa giữa các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và châu thổ sông Hồng. Bởi vậy nên Vĩnh Phúc có vai trò quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế miền vùng và quốc gia. Hơn nữa, Vĩnh Phúc là tỉnh có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, có nhiều tấm gương anh hùng cả trong sản xuất và chiến đấu. Những chiến thắng tiêu biểu đã đi vào lịch sử như chiến thắng Khoan Bộ, Xuân Trạch, Núi Đanh; những người anh hùng trong nông lâm nghiệp như Nguyễn Văn Tắc, Nguyễn Văn Tần; Anh hùng liệt sĩ chống Mỹ, cứu nước Nguyễn Viết Xuân với lời quyết chiến bất hủ: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn"!... Vĩnh Phúc còn là nơi khởi nguồn đổi mới tư duy quản lý nông nghiệp, với phương thức “khoán hộ” của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc vào cuối những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tạo bước đột phá cho đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Đảng ta từ đó tới nay.
Mang tinh thần ấy, chúng tôi để tâm nhìn nhận cách học, cách làm theo Bác ở những địa phương Bác đã về thăm, với sự giúp sức kết nối chặt chẽ của các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, của đồng nghiệp báo Vĩnh Phúc trong những ngày tác nghiệp ở cơ sở…
(Còn nữa...)
---------------------------
(1) Bài nói với nhân dân, cán bộ, bộ đội tỉnh Vĩnh Phúc (ngày 2-3-1963), Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 14, tr.41.
(2) Bài nói tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 14, tr.136.
(3) Theo tài liệu Bảo tàng lịch sử Vĩnh Phúc.
Nguyễn Uyển