Một góc thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Kỳ 4: Bác vun xây bốn mùa cây xanh, trái ngọt
Vậy là nhiều chục năm nay tôi mới có dịp trở lại thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về sáng ngày 25-1-1961, khích lệ phong trào trồng cây sau 2 năm Người phát động.
Mãi nhớ, đúng ngày đất nước tổ chức Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh (9-9-1969), đồng chí Lê Văn Tân, Chủ tịch UBND xã dẫn tôi vào thôn Lạc Trung theo lối có hàng cây tăm tắp suốt hai vệ đường, tán cành xanh rợp đan nhau rây nắng lổ đổ. Tới chân làng, đồng chí Tân dừng lại, giọng trầm xuống: “Chính nơi này ngày xưa Bác Hồ dừng xe, vào thăm Lạc Trung đó!”.
Nhìn đường cây bạch đàn, nét cổ thụ hiện trên thân cành, tôi hỏi: Những cây này bao nhiêu tuổi? Đồng chí Tân nói: “Cây được trồng vào năm 1959, năm Bác Hồ phát động Tết trồng cây. Nghe Bác dạy, từ Tết trồng cây năm ấy, cả Lạc Trung tươi xanh lên. Ngày xưa Bình Dương là vùng căn cứ nên bị giặc Pháp ném bom tàn phá. Các thôn Tứ Kỳ, Lạc Trung, Phong Doanh chung ngày giỗ trận, cả trăm người chết vì đạn bom. Sau ngày ấy, chỉ Lạc Trung mới có cây. Bây giờ thì tuốt tuột, đâu cũng có cây xanh, trái ngọt, đâu cũng ngói đỏ, mái bằng, tầng thấp, tầng cao…”.
Đi theo đúng lối ngày xưa Bác Hồ đến thăm, đồng chí Chủ tịch xã chậm rãi kể về ngày gặp Bác: Sáng 25-1-1961, đúng 8 giờ, có 3 xe ô tô nhỏ vào đây. Xe chở Bác dừng tại nơi chúng ta vừa đứng, rồi ngoặt vào sân kho hợp tác. Tôi nhanh bước tới tận cửa xe đón và có lời thưa: “Cháu kính mời Bác vào nơi đón tiếp!”, nhưng Bác Hồ bảo: “Ấy ấy, chú kệ tôi. Tôi đi theo ý tôi”. Nói rồi Bác xăm xắn bước. Bác đi thẳng tới nơi hai bố con cụ Phan đang xây thành giếng. Người vui vẻ hỏi han, giang gang tay đo đếm, rồi dặn bảo: “Cụ nên xây thêm 20 phân nữa. Trên mặt giếng nên có lưới hoặc phên đậy để giữ an toàn cho trẻ nhỏ”. Rồi Bác trở ra đường xóm Ngói, nơi chi chít những hàng cây xanh...
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 25-1-1961.
Tôi tần ngần đứng bên giếng nước ngày xưa Bác đứng. Nước trong xanh, trời mây in trong lòng giếng. Chúng tôi vào thăm gia đình cụ Phan, nay cụ Phan đã không còn. Người con cả của cụ tóc cũng đã nhuốm thẫm màu tro, phấn chấn kể lại những kỷ niệm Bác đến thăm nhà. Vợ cụ Phan xen vào: “Rõ khổ, hồi Bác đến, nhà em nghèo quá, vách xiêu mái dột. Các ông tính, mới qua những ngày giặc giã, làm thuê, cuốc mướn mà…”. Tôi xen vào:
- Nhà ta nay nhất làng rồi!
- Ấy chết. Thấm vào đâu. Trên này có dễ hàng mấy chục nhà to đẹp hơn ấy ạ...
Tôi nhìn lên tường nhà, qua bao năm, trên tường nhà cụ Phan vẫn trang trọng treo 2 bức ảnh lớn: một bức Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và xã thăm giếng nước gia đình, bức còn lại Bác chụp lưu niệm với cán bộ địa phương.
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Văn Tân, Tổ trưởng tổ trồng cây. Cụ Tân đi làm về hạ chiếc cuốc trên vai, bước lên hè cất lời chào hỏi chúng tôi. Chuyện về Bác, chuyện về cây làm tôi và cụ gần gũi như người trong nhà. Cụ dẫn chuyện, cứ như chúng tôi cùng đến, cùng đi: Từ nhà cụ Phan, Bác Hồ trở ra đường xóm Ngói, rồi lên bờ kênh số 6A thăm những đường xoan mới trồng cao ngang tầm người. Giữa độ đường, ngang xóm Ngói, Bác dừng lại nhìn những cây xoan trồng dày đặc, vẫy tôi và ông Chu đến. Bác choàng tay chụm đầu hai người chúng tôi lại, vít chặt vào ngực Bác. Tôi thấy đau nhưng không dám kêu. Bác vui giọng hỏi: “Các chú có thấy khó chịu không?”. Cả hai chúng tôi vội đáp: “Thưa Bác, có ạ!”. Bác hơi nới tay ra và hỏi: “Có dễ chịu hơn không? - Thưa Bác, thoải mái lắm ạ!”. Bác cười, tay chỉ vào bãi xoan trồng xin xít bên vệ đường: “Như thế này cây có khó chịu không?”. Chúng tôi nhanh nhảu: Dạ, dày quá ạ! Chúng cháu sẽ sửa chữa ạ!”... Theo Bác lên kênh, rồi vòng xuống xóm Hòa Bình. Bác nhẹ nhàng ngồi phệt xuống thảm cỏ. Đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy và chúng tôi ngồi theo. Bác quan sát cả vùng đất, rồi khuyên đồng chí Kim Ngọc và chúng tôi: “Trồng cây lấy gỗ là tốt rồi, nhưng phải trồng cây ăn quả, cải thiện cho dân”...
Nhân dân chào đón Bác Hồ tại sân kho hợp tác xã, Bác nói: “Ta khó khăn, nay mỗi người phải góp một viên gạch, phải trồng một cây”. Bác hỏi bà con:
- Lãnh đạo xã có tranh việc dễ không?
- Không ạ! (Tất cả cùng trả lời).
Bác cười hồn hậu: - Thế là tốt! Bác âu yếm nhìn mọi người và bảo: Bác rất phấn khởi thấy hợp tác xã trồng nhiều cây. Bây giờ Bác phải về, Bác dặn hai điều: Một, phải xây dựng hợp tác xã thật giàu, mạnh. Hai, nếu làm tốt thì thơ cho Bác, lần sau về Bác có quà!”. Tất cả đồng thanh: “Vâng ạ! Vâng ạ”! Tiếng vỗ tay ran ran. Bài ca kết đoàn được Bác bắt nhịp vang lên, vọng lan khắp xóm thôn. Bác giơ tay tạm biệt. Tiếng hát và tiếng hô rộ lên: Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm! Kết đoàn chúng ta là sức mạnh!... Tiếng hô vang cao, lan xa mãi không ngừng…
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ HTX nông nghiệp Lạc Trung (xã Bình Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), ngày 25-1-1961.
Lớp người xưa gây dựng phong trào trồng cây như cụ Tân, cụ Thứ và Anh hùng Lâm nghiệp Nguyễn Văn Tần đã lần lần rời “cõi tạm”. Người mà tôi nhiều lần đăng đàn công việc về cây, về Bác với dân là Chủ nhiệm rồi Chủ tịch xã là anh Nguyễn Văn Tục cũng vĩnh viễn ra đi. Những nẻo đường, lối xóm Bác Hồ đến với dân sáng 25-1-1961, điểm đến đầu tiên là nhà cụ Phan đang xây giếng, dặn bảo cách che chắn giữ an toàn cho trẻ nhỏ, nay ông bà cũng không còn trên cõi đời. Bờ vùng, bờ thửa xưa Bác cùng Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc và ông Tân, ông Chu, ông Thứ... hướng dẫn Bác tới vườn xoan non mới trồng, Bác ngồi trên bãi cỏ chỉ bảo cách trồng để cây lớn nhanh, phát triển mạnh... giờ chỉ là dấu tích kỷ niệm muôn đời mãi nhớ.
Đồng chí Nguyễn Văn Vân, Bí thư Đảng ủy xã cùng đồng chí Nguyễn Xuân Bộ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Dương sôi nổi nói với chúng tôi: Trước khi trở về Hà Nội, Bác dặn: “Phải xây dựng hợp tác xã thật giàu, mạnh”. Vâng lời Bác, hơn 13.200 người dân cùng hơn 370 đảng viên ra sức thi đua, đã đưa Bình Dương trở thành xã giàu có, là một trong nhưng xã đạt chuẩn xã nông thôn mới sớm nhất của huyện từ năm 2014. Cùng với việc trồng cây lấy gỗ, Bình Dương còn trồng cây phát triển kinh tế với hàng ngàn cây bưởi quý như bưởi da xanh, bưởi Diễn và bưởi Đoan Hùng; trồng cây cảnh trang trí khuôn viên các hộ gia đình cho thu nhập cao ở nhiều hộ dân... Theo chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, Đảng bộ xã Bình Dương luôn lấy việc học tập, làm theo tấm gương Hồ Chí Minh và những lời dạy bảo trực tiếp khi Người về thăm để phấn đấu đưa xã Bình Dương trở nên giàu có, phồn vinh. Liên tục mấy nhiệm kỳ nay, Đảng bộ luôn được xếp loại trong sạch vững mạnh, 7/8 thôn đạt chuẩn làng văn hóa tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,01 triệu đồng/người/năm...
Cây đa trồng chính nơi Bác nói chuyện với nhân dân ngày 21-1-1961 nay đã tỏa tán, rợp bóng trên mái Nhà lưu niệm Bác Hồ, ngói mới đỏ au. Đồng chí Lê Văn Soạn, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Lạc Trung đưa chúng tôi vào thắp nén hương thơm tưởng nhớ Bác Hồ. Khi trở ra sân, giọng ông còn nói: “Học Bác đâu xa, cứ noi theo cách Bác Hồ xuống với dân, nói với dân, hỏi dân, khuyên bảo dân Lạc Trung, đấy là bài học sát thực nhất. 34 đảng viên của Chi bộ Lạc Trung mấy chục năm qua tốt lên, mạnh lên cũng là nhờ thấm sâu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người”.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Tường Nguyễn Xuân Quang nói với chúng tôi: Hơn 60 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa Xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, cho nên nối tiếp nhau, mỗi độ Tết đến Xuân về, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Tường lại long trọng tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”. Bằng cách giao chỉ tiêu cụ thể cho các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nêu cao ý thức trách nhiệm, tham gia trồng cây, đưa phong trào trồng cây phát triển rộng khắp, liên tục trong toàn dân. Việc tổ chức trồng cây phải thiết thực, cụ thể, trồng, chăm sóc, bảo vệ để cây sinh trưởng tốt; bố trí loài cây, địa điểm trồng phù hợp, vừa có hiệu quả kinh tế, vừa phát huy tác dụng bảo vệ môi trường, cảnh quan. Thực hiện “Vì một Việt Nam xanh” (lời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc), Vĩnh Tường phấn đấu trồng 60.000 cây các loại trong mỗi năm.
Chia tay Lạc Trung, Bình Dương, chia tay đất lúa - nông thôn mới Vĩnh Tường, chúng tôi bâng khuâng nhớ lời Bác nói với Lạc Trung: “Nếu làm tốt thì thơ cho Bác, lần sau về Bác có quà”. Lạc Trung mãi chờ đón Bác mà sao Bác không về, Bác kính yêu ơi!
(Còn nữa...)
Nguyễn Uyển