Góp sức cho trang sử hào hùng
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Vĩnh Phúc đã tiễn đưa hàng vạn người con ưu tú lên đường ra mặt trận, trong đó có hàng chục nghìn người con ưu tú đã chiến đấu dũng cảm, anh dũng hy sinh hoặc mang trong mình thương tật suốt đời. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Vĩnh Phúc đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Đọn, 92 tuổi ở thôn Mới, xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Ảnh: Trà Hương.
Những đóng góp to lớn của quân và dân Vĩnh Phúc đã góp phần cùng cả nước viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc. Nhiều người được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được công nhận là lão thành cách mạng, gần 1.500 người được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Hiện toàn tỉnh có hơn 138.000 người có công với cách mạng, trong đó khoảng 18 nghìn người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng triển khai thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng và một lần đối với người có công và thân nhân của họ đầy đủ, chính xác kịp thời, đúng quy định.
Các đối tượng chính sách được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo, chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình, chế độ bảo hiểm y tế. Trong các dịp lễ, Tết, cùng với quà tặng của Chủ tịch nước, tỉnh đã trích ngân sách hàng chục tỷ đồng tặng quà cho gia đình chính sách.
Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm, cùng với các hoạt động thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình chính sách, tỉnh còn tổ chức các đoàn cán bộ, lãnh đạo đi viếng mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị; các nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Điện Biên và nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang…
Những hoạt động này thể hiện sự tri ân và khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng xương máu, dành trọn tuổi thanh xuân cho độc lập tự do của dân tộc.
Đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
Từ năm 2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt nâng mức quà tặng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đối với đối tượng người có công với cách mạng lên gấp 2 lần so với trước đây.
Đại diện Đoàn Thanh niên và các em học sinh thôn Cao Xá, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Giữ, 94 tuổi. Ảnh: Trà Hương.
Công tác hỗ trợ kinh phí làm nhà ở đối với người có công luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp. Việc làm này không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn thể hiện sự tri ân đối với người có công.
Hằng năm, tỉnh phát động toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, các doanh nghiệp tích cực tham gia và vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn ơn đáp nghĩa”; trích ngân sách tỉnh hỗ trợ người có công làm nhà hoặc sửa chữa nhà ở; huy động mọi nguồn lực góp phần cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho các đối tượng người có công.
Giai đoạn năm 2007 đến nay, tỉnh đã vận động ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được gần 46 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa hơn 5.000 ngôi nhà và tặng hơn 3.000 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách với số tiền gần 2 tỷ đồng. Năm 2018, Vĩnh Phúc đã hoàn thành Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí hơn 86 tỷ đồng.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Trên địa bàn tỉnh hiện không còn hộ chính sách thuộc hộ nghèo; 100% số hộ chính sách có mức sống bằng, hoặc cao hơn cộng đồng dân cư; 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ khó khăn, quan tâm chăm lo cho đối tượng chính sách.
100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị quân đội, công an, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp cùng các nhà hảo tâm nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời; các nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công khác ở các địa phương trong tỉnh được xây dựng, tu bổ đã trở thành các công trình lịch sử, văn hóa thiêng liêng. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác quy tập mộ liệt sĩ, giải quyết di dời các hài cốt liệt sĩ về quê theo nguyện vọng của gia đình.
Nhằm đảm bảo các chính sách đối với người có công với cách mạng được triển khai đúng quy định, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương.
Trong 2 năm (2020-2021), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức thanh tra chuyên đề về đối tượng đang hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tại 6 huyện, thành phố. Qua công tác thanh, kiểm tra đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời việc giải quyết chế độ cho các đối tượng đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình về thủ tục hành chính từ đó đã hạn chế được những trường hợp sai sót xảy ra và tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Ngoài công tác kiểm tra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên có văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức thực hiện chế độ chính sách, công tác tự kiểm tra. Đồng thời, thông qua giao ban hằng tháng, hằng quý, 6 tháng và tổng kết năm, đều tổ chức đánh giá kết quả thực hiện lĩnh vực chính sách ưu đãi người có công, kịp thời phát hiện, rút kinh nghiệm và uốn nắn các tồn tại, thiếu sót, giúp các đơn vị thực hiện chính sách ưu đãi người có công ngày càng tốt hơn.
Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Pháp lệnh Ưu đãi người có công; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội cho người có công và gia đình người có công với đất nước.
Mai Anh
Báo Vĩnh Phúc