5 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) và hàng nghìn người lao động (NLĐ), thì với vai trò của mình, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã giúp bảo đảm phần nào đời sống, củng cố sức khoẻ cho hàng nghìn NLĐ thất nghiệp và gia đình; giảm thiểu áp lực kinh tế đối với các đơn vị, DN trong việc bảo đảm sản xuất - kinh doanh; góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước. Điều này càng cho thấy sự ra đời của chính sách BHXH, BHYT, BHTN là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đóng vai trò tích cực trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Toàn Ngành luôn nỗ lực vì tinh thần chung nhằm bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN phát triển.
Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng
Tính đến ngày 31-5-2020, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,404 triệu người, đạt 89,8% kế hoạch giao (giảm 11,5 nghìn người so với tháng 4-2020, giảm 796 nghìn người so với năm 2019); BHXH tự nguyện là 600,6 nghìn người, đạt 50% kế hoạch giao (tăng 42 nghìn người so với tháng 4-2020, tăng 26 nghìn người so với năm 2019); BHYT là 85,078 triệu người, đạt 96,6% kế hoạch giao (giảm 109 nghìn người so với tháng 4-2020, giảm 849 nghìn người so với năm 2019).
Số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT giảm từ nguyên nhân khách quan: do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh, người lao động không có việc làm phải ngưng việc, nghỉ việc, thu nhập người dân giảm do dịch bệnh nên có một bộ phận không thể tham gia hoặc tiếp tục tham gia BHXH, BHXH tự nguyện, BHYT…
Riêng số người tham gia BHXH tự nguyện tăng do: Vào ngày 23-5-2020, BHXH Việt Nam thực hiện đổi mới công tác truyền thông khi lần đầu tiên phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức thành công “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện” trên quy mô toàn quốc. Theo đó, chỉ sau 2 ngày (23 và 24-5-2020) ra quân truyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, trên toàn quốc đã có 30.017 người tham gia BHXH tự nguyện và phát triển thêm được 4.734 người tham gia BHYT hộ gia đình. Ngoài việc thành công trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, Lễ ra quân có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự kiện truyền thông tạo được sự lan tỏa về chính sách BHXH trong nhân dân, đối với năm đầu tiên thực hiện Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Kịp thời hỗ trợ người dân và DN tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch bệnh COVID-19
BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời ban hành trên 25 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan kịp thời hỗ trợ người dân và DN tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch bệnh COVID-19 như: Thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 4,5 trong cùng một kỳ chi trả cho người hưởng qua thẻ ATM, trực tiếp tại nhà; kịp thời chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp do dịch bệnh gây ra; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời KCB hoặc chuyển tuyến KCB BHYT khi nghi ngờ nhiễm virus Corona; thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở KCB BHYT để bảo đảm hoạt động KCB BHYT, đặc biệt là các cơ sở KCB có người bệnh bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19; sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu để mua thuốc sát trùng và xà phòng chống dịch COVID-19; cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày trong thời gian chống dịch COVID-19; hướng dẫn, hỗ trợ người dân cung cấp mã số BHXH thực hiện khai báo y tế điện tử…
Đặc biệt, đã kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tính đến ngày 31-5-2020 có 53 BHXH tỉnh, thành phố đã nhận được hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của đơn vị, DN; theo đó: Tổng số đơn vị đã được phê duyệt hồ sơ tạm dừng đóng là 1.171 đơn vị, tương ứng với 107.327 lao động và số tiền ước khoảng 396 tỷ đồng.
Bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT, BHTN
Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia được ngành BHXH thực hiện đầy đủ, kịp thời, giúp người dân vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp.
Hiện toàn ngành BHXH đang thực hiện chi trả cho hơn 3,2 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng. Uớc đến ngày 3-6-2020 toàn Ngành đã giải quyết: hưởng mới các chế độ BHXH hằng tháng (hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) cho khoảng 50.297 người; giải quyết hưởng mới các chế độ BHXH một lần, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp một lần, tuất một lần cho khoảng 353.616 người với số tiền chi trả là 13.154,7 tỷ đồng; giải quyết chế độ ốm đau cho khoảng 2.992.172 lượt người với số tiền chi trả là 1.413,3 tỷ đồng; thai sản cho khoảng 743.310 lượt người với số tiền chi trả là 9.591,5 tỷ đồng; dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho khoảng 162.132 lượt người với số tiền chi trả 417,8 tỷ đồng; chi trả cho 558.418 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (trong đó hưởng mới là 298.833 người) với số tiền chi trả là 5.009 tỷ đồng.
Và ước đến ngày 4-6-2020 số tiền chi KCB BHYT được các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống giám định BHYT là khoảng 38.005.146 triệu đồng (chưa bao gồm số chi của BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), với tỷ lệ sử dụng dự toán năm khoảng 38%.
Đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công quốc gia, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tạo thuận lợi cho người dân và DN
BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công quốc gia, cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người dân và DN trong các giao dịch với cơ quan BHXH, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội.
Tính đến ngày 31-5-2020 BHXH Việt Nam đã: Cung cấp 18/27 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó số lượng dịch vụ công mức độ 4 là 12/27 TTHC. Cung cấp, phối hợp xác nhận thông tin 9 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, trong đó có 3 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp từ ngày 12-5-2020 để hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gồm: Hỗ trợ đơn vị, DN tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với NLĐ; Hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Kết quả, từ ngày 16-5 đến ngày 31-5-2020, đã tiếp nhận và giải quyết 291 hồ sơ Ncovi của các DN trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua giao dịch điện tử; duy trì việc tiếp nhận, trả kết quả TTHC trực tiếp tại bộ phận "một cửa" cấp tỉnh, cấp huyện, qua dịch vụ bưu chính công ích, với tinh thần phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia và phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo kết quả giải quyết TTHC trong toàn Ngành, số hồ sơ đã giải quyết của cơ quan BHXH tính từ ngày 1-1 đến ngày 31-5-2020 là 47.591.872 hồ sơ (đạt 97,45%).
Song song đó, hoạt động của Hệ thống Chăm sóc khách hàng của Ngành trong 6 tháng đầu năm 2020 cơ bản đã kịp thời hỗ trợ, tư vấn, giải đáp thoả đáng cho người dân, tổ chức và DN về việc tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN. Kết quả, trong 5 tháng đầu năm 2020, Hệ thống đã tiếp nhận và trả lời khoảng 160.000 cuộc điện thoại của người dân, tổ chức và DN hỏi về 5 chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại 3 cổng của tổng đài 1900.9068. Riêng trong thời gian từ ngày 12-3 đến 20-3-2020, Hệ thống đã nhận gần 22.000 cuộc gọi của người dân, tổ chức và DN (bình quân mỗi ngày hơn 2.400 cuộc gọi, tăng 150% so với ngày thường) liên quan đến dịch bệnh COVID-19 với các nội dung: Hưởng chế độ BHXH, BHYT đối với người lao động phải nghỉ việc do cách ly y tế; việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch; việc triển khai tin nhắn thông báo mã số BHXH đến người dân để kê khai hồ sơ y tế điện tử theo yêu cầu của Chính phủ…
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và hỗ trợ, chăm sóc khách hàng của Ngành trong thời gian qua đã góp phần giúp ngành BHXH đẩy mạnh việc chuyển đổi hình thức giao dịch với cơ quan BHXH của người dân và tổ chức, từ hình thức giao dịch trực tiếp sang hình thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, trong giai đoạn chống dịch COVID-19, các mảng công tác này đã hỗ trợ rất hiệu quả cho người dân, DN khi làm thủ tục liên quan đến việc đề nghị và hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN, qua đó góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, giảm số người phải trực tiếp đến liên hệ, giao dịch tại cơ quan BHXH các cấp.
T.H