5 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về BHXH, BHYT- Những kết quả ấn tượng
Từ bước khởi đầu…

Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Xuất phát từ quan điểm này của Đảng, chính sách BHXH, BHYT đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ cả hệ thống chính trị, thể hiện rõ ngay trong năm 2013 – năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW. Dấu ấn đầu tiên cần nhắc tới là việc Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó hiến định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” tại Điều 34; “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội” tại Điều 59; “…thực hiện BHYT toàn dân…” tại Điều 58. Cũng trong năm 2013, Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2009-2012. Trên cơ sở kết quả giám sát, ngày 29-11-2013, tại kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết 68/2013/QH13 về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân”.
Trước đó, ngày 29-3-2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 538/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. 

Có thể thấy những văn bản vừa nêu, từ Hiến pháp 2013, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, quan điểm của Đảng về BHXH, BHYT dần được cụ thể hóa một cách mạnh mẽ, xác định rõ và quán triệt, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển BHXH, BHYT.

Để đạt được các mục tiêu này, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, Luật BHXH sửa đổi được thông qua tại kỳ họp thứ 8; qua đó tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thuận lợi hơn cho công tác tổ chức thực hiện.

Bám sát quan điểm, mục tiêu được xác định trong Nghị quyết 21-NQ/TW, điểm chung cơ bản nhất trong hai Luật này là đưa ra những quy định nhằm tạo thuận lợi cho lộ trình mở rộng diện bao phủ. Cụ thể, với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT là quy định bắt buộc tham gia BHYT, tổ chức tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng với một số nhóm đối tượng, mở rộng đối tượng được hỗ trợ (người sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức thu nhập trung bình...). Với Luật BHXH (sửa đổi) là bắt buộc tham gia BHXH với người lao động ký hợp đồng lao động từ 1-3 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; quy định linh hoạt, hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện... Quyền lợi của người tham gia tiếp tục được bảo đảm khoa học theo nguyên tắc đóng – hưởng, đặc biệt là những quy định về mức hưởng BHYT, như quy định gói dịch vụ y tế cơ bản, thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT theo lộ trình, quy định mức hưởng ưu đãi với người tham gia 5 năm liên tục; với BHXH là quy định hưởng chế độ thai sản với nam giới, thay đổi cách tính trợ cấp cho mỗi ngày nghỉ ốm đau, mức hưởng nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe...

… Đến những chỉ đạo mạnh mẽ

Triển khai thực hiện Luật BHXH 2014 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chính phủ tiếp tục có nhiều chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện BHXH, BHYT từ năm 2015 đến nay. Trong đó, đáng nói nhất là Quyết định 1584-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/9/2015 về giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015-2020 cho các tỉnh, thành phố. Quyết tâm phát triển BHYT tiếp tục được Chính phủ thể hiện mạnh mẽ hơn trong Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 điều chỉnh chỉ tiêu phát triển BHYT giai đoạn 2016-2020; giao chỉ tiêu phát triển BHYT cao hơn cho các tỉnh, thành phố và xác định mục tiêu đạt trên 90% dân số cả nước tham gia BHYT vào năm 2020.

Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, triển khai Luật BHXH 2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, sự quan tâm, chỉ đạo từ các cấp ủy đảng, chính quyền với BHXH, BHYT được tập trung, mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Hầu hết các tỉnh, thành đều xây dựng chương trình hành động, UBND tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định mục tiêu phát triển BHXH, BHYT theo tinh thần quán triệt tại Nghị quyết của Đảng, bám sát chỉ đạo của Chính phủ. Theo thống kê của BHXH các tỉnh, thành phố trong giai đoạn từ 2013 đến nay, đã có trên 900 văn bản chỉ đạo của tỉnh, thành ủy; hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố, văn bản phối hợp chỉ đạo liên ngành của các sở, ban ngành, đoàn thể nhằm triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị hoặc chỉ đạo trực tiếp, gián tiếp các nội dung, vấn đề liên quan đến công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Cũng theo ghi nhận, thống kê ban đầu, có thể thấy, tỉnh, thành phố có số lượng văn bản chỉ đạo về tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT nhiều nhất trong giai đoạn từ 2013 đến nay là: Lâm Đồng (68), Cần Thơ (58), Bà Rịa – Vũng Tàu (55), Khánh Hòa (46), Lào Cai (44), Đồng Nai (43), Hà Nam (38), Đồng Tháp (35), Quảng Bình (33)… Tương tự, tại các quận, huyện, thành phố, cấp ủy, chính quyền có nhiều chỉ đạo thiết thực, sát sao về BHXH, BHYT, qua đó các nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW dần được cụ thể hóa, từng bước đi vào cuộc sống.

Nhìn lại quá trình 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, có thể thấy, chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đã được quan tâm xây dựng một cách đồng bộ, xuyên suốt, thống nhất trên cơ sở mục tiêu phát triển BHXH, BHYT được Đảng ta quán triệt; thể hiện rõ từ việc hiến định trong Hiến pháp, điều chỉnh, sửa đổi, quy định cụ thể trong hệ thống văn bản luật, đến những chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.  

Từ sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật, cùng sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT có những bước tiến đáng kể trong các năm qua. Tính đến hết ngày 31-10-2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,21 triệu người; 11,4 triệu người tham gia BHTN, 220 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện; 79,73 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 85,3% dân số. Cùng với đó, quyền lợi BHXH, BHYT của người dân được bảo đảm tích cực hơn. Trong 5 năm qua, toàn Ngành BHXH đã giải quyết giải quyết 720.641 người hưởng BHXH hàng tháng, trong đó: hưu trí 589.779 người; tử tuất là 118.285 người; TNLĐ-BNN là 12.577 người; giải quyết 3.686.351 lượt người hưởng trợ cấp một lần, trong đó: BHXH một lần là 3.096.194 người; trợ cấp tuất một lần là 169.168 người; giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe: 34.264.041 lượt người. Tính riêng trong năm 2016, có 149,7 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT (135,5 triệu lượt ngoại trú, 14,2 triệu lượt nội trú), tăng hơn 19 triệu lượt so với năm 2015 và với số chi là 68.736 tỷ đồng (con số năm 2012 là 121,9 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT (111,8 triệu lượt khám, chữa bệnh ngoại trú và 10,1 triệu lượt điều trị nội trú), tăng 7,5 triệu lượt so với năm 2011; tổng số chi khám, chữa bệnh BHYT là 32.473.572 triệu đồng.

Sẵn sàng cho những yêu cầu mới

Bức tranh toàn cảnh công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho thấy, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng kết thực tiễn, hoàn thiện đáp ứng những yêu cầu mới đã và đang đặt ra. Người dân, hơn bao giờ ngày càng thấu hiểu tính chất thiết yếu của thẻ BHYT, của lương hưu, đó là điểm tích cực, song cùng với đó, những đòi hỏi về mức độ hoàn thiện của chính sách, pháp luật cũng ngày một cao hơn. Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều vấn đề về quản lý, quyền lợi, mức hưởng, mức đóng BHYT, cách điều chỉnh tính lương hưu, tuổi nghỉ hưu… được dư luận quan tâm theo dõi chặt chẽ các nội dung thông tin liên quan. Câu chuyện liên quan đến quy định hưởng BHXH một lần vào năm 2015 hay sự quan tâm của dư luận hiện nay về cách tính lương hưu cho lao động nữ từ năm 2018 trở đi… là những ví dụ điển hình cho thấy người dân ngày càng quan tâm và thấy rõ vai trò thiết thực của BHXH, BHYT; đồng thời yêu cầu các quy định pháp luật phải được xây dựng, hoàn thiện vừa bảo đảm tính chặt chẽ khoa học vừa sát với yêu cầu thực tiễn, có tính chất dài hạn, bền vững.

Đúng theo tinh thần của Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và nâng cao nhân dân sức khỏe nhân dân trong tình hình mới được ban hành, trong đó, có nhiều nội dung đánh giá và chỉ đạo về thực hiện chính sách, pháp luật BHYT.  

Theo đó, bên cạnh kết quả tích cực đạt được là: “diện bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho khám, chữa bệnh giảm nhanh. Ứng dụng công nghệ thông tin từng bước được đẩy mạnh…”; Nghị quyết 20-NQ/TW của Đảng cũng đánh giá: “Tư duy bao cấp, ỷ lại vào Nhà nước còn nặng, thiếu cơ chế đồng bộ, phù hợp để người dân tham gia BHYT và thu hút mạnh mẽ nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển y tế”.

Trên cơ sở những đánh giá như trên, quan điểm của Đảng về phát triển BHYT được nêu rõ tại Nghị quyết 20- NQ/TW: Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở.

Mục tiêu cụ thể được xác định: Đến năm 2025, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%. Đến năm 2030, tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.

Trong 9 nhóm giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết 20-NQ/TW, các nội dung liên quan đến chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật BHYT. Theo đó: “Thực hiện nguyên tắc y tế công cộng do ngân sách nhà nước bảo đảm là chủ yếu. Khám, chữa bệnh do BHYT và người dân chi trả. Chăm sóc sức khoẻ ban đầu do BHYT, người dân và ngân sách nhà nước cùng chi trả; BHYT đối với người lao động phải do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp; ngân sách nhà nước bảo đảm đối với một số đối tượng chính sách. Ban hành “Gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả” phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT và “Gói dịch vụ y tế cơ bản do Nhà nước chi trả” phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; đồng thời huy động các nguồn lực để thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quản lý sức khoẻ người dân”; “Ngân sách nhà nước, BHYT bảo đảm chi trả cho các dịch vụ ở mức cơ bản; người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần vượt mức...”; “Từng bước chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế”; “Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện BHYT toàn dân. Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đa dạng các gói BHYT. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại. Nâng cao năng lực, chất lượng giám định BHYT bảo đảm khách quan, minh bạch. Thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở y tế”.

Bên cạnh Nghị quyết 20-NQ/TW, theo kế hoạch dự kiến, tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tổ chức trong năm tới, chính sách, pháp luật và kết quả tổ chức thực hiện BHXH sẽ được tập trung thảo luận, đánh giá, đồng thời đưa ra những định hướng chỉ đạo, cùng với vấn đề cải cách chính sách tiền lương, ưu đãi cho người có công. Cùng với quan điểm, định hướng đã được thể hiện tại Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, những chỉ đạo sắp tới từ Hội nghị Trung ương thời gian tới, chính sách, pháp luật BHXH, BHYT sẽ tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện một cách tích cực hơn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển an sinh xã hội nước ta.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất