Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam sinh hoạt chuyên đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Tại hội nghị, các đảng viên của Đảng bộ cơ quan BHXH Việt Nam đã nghe PGS TS. Bùi Đình Phong (ảnh dưới), Nghiên cứu viên, Giảng viên cao cấp của Học viên chính trị quốc gia Hồ Chí Minh truyền đạt các nội dung quan trọng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về vai trò trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên. 

PGS.TS Bùi Đình Phong nhấn mạnh: tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất rộng, bao gồm nhiều nội dung, tuy nhiên nghiên cứu về vai trò, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ đảng viên là chủ đề mang tính thời sự, được quan tâm chú trọng từ cơ sở đến Trung ương, thiết thực phục vụ cho công việc thường xuyên hàng ngày, gắn với công tác phục vụ Nhân dân. 

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về vai trò trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên thể hiện trong nhiều tác phẩm như: Đạo đức cách mạng, Sửa đổi lề lối làm việc, Di chúc…. Hầu hết các nội dung này đều có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn rất lớn với bối cảnh phát triển đất nước hiện nay, là kim chỉ nam để xây dựng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước. 

Để hiểu được tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về vai trò trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, trước hết cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của đạo đức, vấn đề rèn luyện đạo đức nhất là của người đứng đầu. Đạo đức là một trong tiêu chuẩn để đánh giá mỗi con người nói chung và cán bộ, đảng viên, người đứng đầu nói riêng. Người các nắm giữ các chức vụ quan trọng thì càng cần phải phát huy phẩm chất đạo đức, đòi hỏi rèn luyện đạo đức ở mức cao hơn. Trong các phẩm chất đạo đức, quan trọng nhất là phải thể hiện tính quần chúng, phong cách quần chúng, gần gũi với người dân trong mọi lúc mọi nơi, mọi vị trí công tác. Đây cũng là quan điểm lớn – vì dân, trong hệ thống tư tương của Hồ Chí Minh thể hiện xuyên suốt trong cuộc đời hy sinh, đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc; mục tiêu cuối cùng là vì Nhân dân.

Cán bộ, đảng viên trước hết cần phải nhận thức rõ vai trò của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay, từ những vấn đề nhỏ nhất trong công việc hàng ngày cho đến những vấn đề vĩ mô về phát triển kinh tế xã hội. Nhận thức được điều này, trong mọi hành vi công việc hàng ngày, từng cán bộ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân, tạo niềm tin từ người dân. Đảng, Nhà nước, Chính phủ suy cho cùng là phục vụ Nhân dân và cán bộ, đảng viên là những những cụ thể hóa sự phục vụ nhân dân trong từng công việc cụ thể. Mối quan hệ giữa cán bộ - nhân dân, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải hết sức khăng khít, chặt chẽ, không được xa dân, nghĩ đến lợi ích Nhân dân trước tiên. 

Càng ngày, từ những bài học quan trong trong lịch sử dựng nước và giữ nước và nhất là thực tiễn phát triển đất nước hiện nay, vai trò của Nhân dân càng được khẳng định được tầm vóc quan trọng, sức mạnh của Nhân dân. Vì vậy, rèn luyện nâng cao vai trò trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên trước hết phải theo đường lối Nhân dân, nhận thức rõ sức mạnh Nhân dân, gần dân, chăm lo quyền lợi, lợi ích thực sự vì dân trong mọi công việc hàng ngày nhỏ nhất đến những chủ trương, chính sách vĩ mô phát triển đất nước. Trong đó, quan trọng nhất là 06 vấn đề: trong mọi công việc đều đặt lợi ích, vì Nhân dân lên trên hết; luôn luôn liên hệ mật thiết, gắn bó, gần gũi với Nhân dân từ đó nắm được dân tâm, dân tình, dân ý; luôn luôn giải thích cặn kẽ cho người dân, ngay cả những việc có lợi cho người dân; có khuyết điểm phải thật thà tự phê bình và bằng mọi cách công khai trước nhân dân; phải học hỏi từ Nhân dân, “là học trò thực sự của Nhân dân”; phải gương mẫu thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính” để Nhân dân noi theo. 

Về vai trò trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, trước hết phải xác định 03 mối quan hệ: quan hệ với chính mình, quan hệ với công việc, quan hệ với người khác. Trong đó, quan hệ với chính mình diễn ra hàng ngày và khó nhất, thể hiện qua việc tự nói, tự phê bình, tự kiểm điểm chính mình. Trong suy nghĩ, hành động, việc làm hàng ngày phải luôn “Trí công vô Tư”, đặt lợi ích của Đảng, tập thể, lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Luôn luôn gắn “xây” đi đôi với “chống”, xác định rõ “xây” là nhiệm vụ chủ yếu, dài lâu. 

Tự mỗi cán bộ, đảng viên phải tự thấy rõ trách nhiệm của mình; cán bộ chính là gốc, mọi sự thành bại đều do cán bộ mà ra. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ vị trí việc làm, yêu cầu công việc từ đó làm với tinh thần trách nhiệm, phục vụ Nhân dân. Chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhân dân về những việc mình làm. Ràng buộc giữa lời nói và việc làm, nói đi đôi với làm. Dám chịu trách nhiệm về những khuyết điểm do mình gây ra. Phải tận tâm tận lực hàng ngày từ việc nhỏ đến việc làm, nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống…

Cũng tại hội nghị, các cán bộ, đảng viên nghe Nhà báo Lê Quốc Minh (ảnh trên), Phó Tổng Giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam trình bày nội dung chuyên đề về thực trạng thông tin giả, thông tin xấu và việc đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch trên không gian mạng. 

Tin giả hiểu một cách đơn giản là thông tin sai lệch, đúng một phần hoặc đã bị hiểu sai đi trong quá trình lan truyền. Tin giả ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia, mức độ lan truyền ngày càng lớn, là vấn nạn toàn cầu và gây thiệt hại lớn đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa...

Mạng xã hội được coi là kênh nắm bắt thông tin hàng ngày của nhiều người nhưng đây cũng là kênh để lan truyền tin giả với tốc độ cao. Chỉ với tỷ lệ 01% tin tức trên mạng xã hội là tin giả - nhưng con số cụ thể hàng ngày rất lớn. các công cụ tạo tin giả ngày càng phổ biến nhờ công nghệ, từ việc làm giả, sai lệch nội dung ảnh, âm thanh, video …

Tin giả lan truyền được nhanh là do lợi nhuận nó đem lại, tập trung chủ yếu vào những loại thông tin gây shock, mang tính kích động, thu hút nhiều một lượng lớn người truy cập. Bên cạnh đó, tin giả cũng nhằm mục đích tạo bất ổn xã hội, hạ thấp vai trò của thông tin chính thống trên báo chí…

Tin giả có thể gây tác động tiêu cực ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, từ cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng, gây thiệt hại về mặt kinh tế, uy tín, danh dự của tập thể, cá nhân… Nguy hại hơn, tin giả được một số phương tiện truyền thông chính thống sử dụng lại vừa mức độ gây hại càng lớn hơn. 

Hiện nay, việc ngăn chặn các trang tin tức giả mạo cũng như tin giả, tin xấu rất khó khăn. Thống kê cho thấy 59% người dùng lo lắng về tin giả; 64% không nhận biết và phân biệt được tin thật và tin giả, bao gồm cả những người có trình độ tương đối cao. Những ví dụ điển hình nhất về tin giả, tin xấu gây hậu quả nặng nề được thấy rõ tại nhiều quốc gia.

Chính quyền các quốc gia ngày càng đưa ra các quy định luật quản lý để kiểm soát, ngăn chặn tin giả; các hình phạt với người cung cấp, phát tán tin giả ngày càng nặng hơn. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ mạng cũng là một yếu để kiểm soát tin giả. Phát huy tính chính thống của thông tin phương tiện thông tin báo chí và sự chủ động, tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm phân biệt, lan truyền thông tin của chính người sử dụng hàng ngày. 

Có một số cách thức phát hiện tin giả; bao gồm: kiểm tra đường dẫn; đọc giới thiệu về trang web mà mình truy cập; kiểm tra những câu trích dẫn, rõ bối cảnh, thời gian; kiểm tra đường dẫn bên trong; kiểm tra ảnh bằng các công cụ trực tuyến có sẵn; nên có thái độ nghi ngờ những thông tin gây shock….

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất