Đến tháng 5-2019, toàn quốc có 84 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số

Tổ chức các hoạt động truyền thông nhân Ngày BHYT Việt Nam

Mục đích: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi người dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT; nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT; đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ người dân của người làm công tác BHYT và đội ngũ y, bác sĩ. 

Theo đó, nội dung tuyên truyền được tập trung vào một số nội dung như: Kết quả 5 năm thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014; 3 năm thực hiện Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020”; những thực tiễn, kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, làm cơ sở để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT. Tuyên truyền những chính sách, pháp luật BHYT mới ban hành; kết quả thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm 2019 và những nỗ lực của Ngành BHXH trong việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người tham gia BHYT; ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử nhằm phục vụ người tham gia BHYT tốt hơn. Tuyên truyền về tính nhân văn của chính sách BHYT; quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, đồng thời giúp người dân chưa tham gia BHYT hiểu được chi phí KCB là gánh nặng quá lớn, nhất là đối với người nghèo khi ốm đau bệnh tật, phải điều trị dài ngày, từ đó hiểu, nhận thức sâu sắc hơn về chính sách, chủ động tham gia BHYT; những hình thức lạm dụng chế độ chính sách về BHYT của các đối tượng, các bên liên quan.

Tuyên truyền về hoạt động hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT; các hoạt động kỷ niệm, mít-tinh kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam. Tuyên truyền về những nội dung có liên quan đến thực hiện BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh, sinh viên (ý nghĩa của BHYT học sinh, sinh viên góp phần phát triển toàn diện thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước). Tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt trong thực hiện chính sách, pháp luật BHYT: Tinh thần phục vụ tận tâm của công chức, viên chức Ngành BHXH, Ngành Y tế vì quyền lợi của người tham gia BHYT; cá nhân thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHYT,...

Kế hoạch cũng nêu rõ, bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của Ngành, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường thực hiện các tin, bài, phóng sự, tọa đàm… tuyên truyền về BHYT. Tổ chức hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHYT và thông tin những hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam. Phối hợp với các đơn vị bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền vận động tham gia BHYT cho các nhóm đối tượng. Biên soạn các ấn phẩm tuyên truyền: Tờ gấp “Những điều cần biết về BHYT học sinh, sinh viên”, “Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình”….

Theo Kế hoạch, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”; đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về BHYT năm 2019.

Song song đó, tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể, cơ quan báo chí, nhất là sở y tế, các cơ sở KCB BHYT tại địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền như: tọa đàm, đối thoại, tư vấn chính sách trực tiếp tại cơ sở, thực hiện các phóng sự, chuyên mục, tọa đàm, tin, bài… tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHYT. Tổ chức treo các băng-rôn, khẩu hiệu tại trụ sở cơ quan BHXH các cấp, các cơ sở KCB, trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn; các trục đường phố chính của thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ để tuyên truyền về Ngày BHYT Việt Nam.

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không tổ chức mít tinh chào mừng Ngày BHYT Việt Nam tại địa phương nhưng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BHYT trên địa bàn; đồng thời tổ chức tuyên truyền trên các cổng/trang thông tin điện tử địa phương.

Kế hoạch cũng đưa ra một số thông điệp truyền thông cụ thể cho Ngày BHYT Việt Nam năm nay như sau:

* Thực hiện nghiêm Luật BHYT nhằm bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

* Sức khỏe cộng đồng gắn liền với BHYT toàn dân.

* BHXH, BHYT - Trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

* Tham gia BHYT là quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

* BHYT chia sẻ gánh nặng chi phí khám chữa bệnh với người mắc bệnh mạn tính.

 * Các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHYT.

* Tham gia BHYT để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

* Thực hiện BHYT hộ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình.

* Phát động cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT, phấn đấu mục tiêu đạt trên 90% dân số tham gia BHYT vào năm 2020.

* BHYT - Tấm thẻ vàng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

* Toàn xã hội chung tay để 100% người dân có thẻ BHYT.

Chương trình Hỗ trợ mua, tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ bệnh nhân nghèo năm 2019

Những năm qua, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT sẽ được KCB chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến được quỹ BHYT chi trả từ 80% đến 100% chi phí KCB theo phạm vi và quyền lợi hưởng tùy thuộc vào nhóm đối tượng.

Thực hiện KCB bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn. Hiện nay, ở nước ta tỉ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025. Đây là kết quả có được từ chính sách BHYT và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Với những lợi ích đó và sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của hệ thống BHXH Việt Nam, số người tham gia BHYT ở nước ta ngày càng tăng cao. Hết tháng 5-2019, toàn quốc có 84 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 11% dân số, tương đương với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT.

Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT đã được đẩy mạnh, hình thức và nội dung truyền thông cũng được đổi mới nhằm tiếp cận gần hơn tới người dân. Nhận thức của đa số nhân dân về chính sách BHYT đã được nâng lên. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa tham gia BHYT do nhiều nguyên nhân, trong đó một bộ phận chưa tham gia do nguyên nhân khó khăn về kinh tế. Điều này đang tạo ra “lỗ hổng” trong hệ thống an sinh xã hội ở nước ta, khiến nhiều người có nguy cơ rơi vào bẫy nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, tai nạn.

Bên cạnh đó, trên thực tế, nguy cơ bệnh tật đang có chiều hướng gia tăng, trong khi giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng dần theo mức tính đủ các yếu tố (gồm cả lương của cán bộ y tế) thì việc tham gia BHYT là một lựa chọn sáng suốt, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí KCB đối với từng người dân. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn chưa tham gia BHYT là việc làm cần thiết, sẽ mang lại những tác động xã hội sâu sắc.

Nhằm hướng tới thực hiện có hiệu quả mục tiêu BHYT toàn dân, từ tháng 6 đến tháng 12-2019, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức Chương trình “Hỗ trợ mua, tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ bệnh nhân nghèo” tại 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền của đất nước. Chương trình dự kiến hỗ trợ mua, tặng thẻ BHYT cho khoảng 2.400 đối tượng khó khăn từ nguồn kinh phí đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống BHXH Việt Nam và sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Hiện, BHXH Việt Nam đã vận động, quyên góp toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống BHXH Việt Nam đóng góp mỗi người 1 ngày lương để gây quỹ hỗ trợ, tặng thẻ BHYT. Bên cạnh đó, Chương trình cũng kêu gọi sự chung tay, vào cuộc của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giúp đỡ tài chính, hiện vật cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại một số bệnh viện tuyến Trung ương.

BHXH Việt Nam mong muốn với số tiền hỗ trợ của Chương trình có thể giúp những người có hoàn cảnh khó khăn yên tâm, ổn định hơn trong cuộc sống từ sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng thông qua chính sách BHYT; đồng thời, góp phần tuyên truyền về chính sách BHYT, giúp tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân theo mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị và Luật BHYT số 46/2014/QH13 đã đề ra.

BHXH Việt Nam kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, từ thiện trong xã hội cùng chung tay đóng góp, hỗ trợ Chương trình. Mọi sự đóng góp về tiền bạc, vật chất đều là nguồn khích lệ, động viên to lớn để BHXH Việt Nam thực hiện Chương trình thêm sâu rộng, hỗ trợ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT, chung tay cùng BHYT chữa trị cho người bệnh.

Thẻ BHYT điện tử - bước tiến mới trong hiện đại hoá hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Yêu cầu và tình hình triển khai

Trên cơ sở yêu cầu của Luật BHYT về: “…ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT”, để tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Chính phủ có Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 giao BHXH Việt Nam “Nghiên cứu thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin BHXH, BH thất nghiệp vào một thẻ điện tử chung” và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4173/VPCP-KSTT ngày 8-5-2018 của Văn phòng Chính phủ “Giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử. Thẻ BHYT phải có gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam đã khẩn trương triển khai nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xây dựng đề cương chi tiết và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định để tổ chức các cuộc họp, hội thảo với các bộ, ngành; cơ sở KCB; ngân hàng…. Đồng thời, gửi văn bản xin ý kiến tham gia, góp ý của các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở kết quả tổng hợp sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia góp ý cho thấy đại đa số ý kiến đều cơ bản nhất trí việc ban hành Quyết định về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử.

Ngày 19-11-2018, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 4795/BHXHST về việc dự thảo Quyết định cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử kèm theo Tờ trình, dự thảo Quyết định gửi Văn phòng Chính phủ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 4173/VPCPKSTT ngày 8-5-2018 của Văn phòng Chính phủ. Đến ngày 15-1-2019, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì làm việc với các bộ, ngành có liên quan (gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ LĐ - TB&XH, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, BHXH Việt Nam) đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thẻ BHYT điện tử. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH hoàn thiện trước khi trình ký, ban hành Quyết định về việc thực hiện thẻ BHYT điện tử.

Theo lộ trình đã được đặt ra tại các văn bản pháp luật về BHYT hiện hành, từ ngày 1-1-2020, cơ quan BHXH sẽ thực hiện việc cấp thẻ BHYT điện tử cho người tham gia. Như vậy, việc nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thẻ BHYT điện tử là một trong những nội dung của hiện đại hoá hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHYT, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hiện tại, các điều kiện về cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đã cơ bản hoàn thiện, BHXH Việt Nam đã có cơ sở dữ liệu tập trung về đối tượng tham gia và hoạt động nghiệp vụ của Ngành trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT như: cấp số định danh cá nhân (mã số BHXH) cho người tham gia. Mặt khác, người tham gia và các cơ sở KCB cũng đã quen với việc tra cứu thông tin về thẻ BHYT trên Cổng dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT. Như vậy, việc triển khai thẻ BHYT điện tử trong thời gian tới là rất thuận lợi. Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt và ban hành Quyết định về việc thực hiện thẻ BHYT điện tử, BHXH Việt Nam chủ động nghiên cứu, khảo sát, thí điểm, đánh giá ưu, nhược điểm các mô hình cấp, quản lý và sử dụng thẻ điện tử trong và ngoài nước để có cơ sở xây dựng dự thảo văn bản về mẫu và quy trình hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện cấp chuyển đổi từ thẻ BHYT chất liệu giấy sang thẻ BHYT điện tử trong thời gian tới.

Lợi ích của việc áp dụng thẻ BHYT điện tử

Khi chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn cho tất cả các bên liên quan như người tham gia BHYT, cơ sở KCB và cơ quan BHXH. 

Đối với người tham gia BHYT, những người đã có thẻ giấy sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ. Quan trọng nhất là người tham gia khi đi KCB không cần mang giấy tờ tùy thân mà có thể thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt..., giúp thuận tiện và giảm phiền hà. Toàn bộ lịch sử KCB của người tham gia cũng được lưu trữ trên thẻ sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình theo dõi và điều trị bệnh tật.

Đối với cơ sở KCB, việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ điện tử để xác thực người sử dụng thẻ tại khâu tiếp đón bệnh nhân, giúp tiết kiệm được chi phí và giảm thời gian kiểm tra thủ tục, đảm bảo nhanh gọn, chính xác do thông tin lưu giữ trong thẻ điện tử (trong chíp) được dùng để nhận dạng, xác thực nhân thân bệnh nhân, thay vì phải kiểm tra giấy tờ tùy thân có ảnh. Thẻ điện tử cũng giúp cơ sở y tế kiểm tra thông tin các lần KCB BHYT gần nhất để tránh việc sử dụng các dịch vụ cận lâm sàng với tần suất có thể gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh hay việc cấp các loại thuốc điều trị phù hợp, tránh tình trạng kháng thuốc do sử dụng không hợp lý.

Đối với cơ quan BHXH, việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp giải quyết tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT do người đi KCB phải thực hiện việc xác thực nhân thân của chủ thẻ thông qua thông tin sinh trắc học sẽ ngăn chặn tình trạng mượn thẻ BHYT. Đồng thời, rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm thời gian thực hiện công tác giám định và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT theo phương thức thủ công. Bên cạnh đó, thông tin về BHXH, BH thất nghiệp dự kiến sẽ được tích hợp vào thẻ BHYT điện tử để tiến tới dùng chung thay thế cho sổ BHXH giấy hiện hành. Ngoài ra, việc cấp thẻ BHYT điện tử cũng góp phần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục như in gia hạn sử dụng thẻ BHYT hằng năm; đổi thẻ do sai, lệch thông tin, thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu, điều chỉnh quyền lợi, đối tượng; thu hồi thẻ còn giá trị sử dụng đối với người lao động báo giảm…


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất