Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIII và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã kết thúc thắng lợi. Hơn 60 triệu cử tri cả nước đã bầu ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII, 3.832 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 21.131 đại biểu HĐND cấp huyện và 281.491 đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2011-2016. Có 827 ứng viên tranh cử đại biểu QH, 5.965 ứng viên tranh cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Tỉnh có tỷ lệ đi bầu cao nhất là Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn 99,9%. Tỉnh có tỷ lệ cử tri đi bầu thấp nhất là Bắc Ninh cũng đạt 94,22%.
Bầu cử đại biểu QH
Tổng số người trúng cử đại biểu QH là 500 người. Trong đó: đại biểu do Trung ương giới thiệu là 167 người (33,40%), đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 333 người (66,60%), số đại biểu tham gia QH lần đầu là 333 người (66,60%), đại biểu có trình độ trên đại học 229 người (45,80%), đại học 262 người (52,40%). Dân tộc thiểu số là 78 người (15,60%) ít hơn dự kiến 12 người, giảm 2,05% so với khóa trước; nữ 122 người (24,40%) ít hơn dự kiến 28 người, giảm 1,36% so với khóa XII. Ngoài Đảng: 42 người (8,40%) ít hơn dự kiến, giảm 0,32% so với khóa trước. Trẻ tuổi: dưới 40 tuổi là 62 người (12,40%) ít hơn dự kiến 8 người, giảm 1,39% so với khóa trước. Tái cử 167 người, tăng 7 người so với dự kiến, tăng 5,81% so với khóa trước. Tự ứng cử: 4 người (0,80%), tăng 3 người so với khóa trước.
Trong số 15 người tự ứng cử, có 4 người trúng cử, tăng 3 người so với khóa XII, gồm: Bà Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) - Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ; ông Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ tư vấn đầu tư doanh thương Mỹ Á; 2 đại biểu ở Nghệ An là bác sĩ Nguyễn Minh Hồng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ Y học VN và ông Phan Văn Quý - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương.
Bầu cử Đại biểu HĐND các cấp
Có 472.528 ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp để bầu 306.068 đại biểu. Cấp tỉnh là 5.968 người ứng cử để bầu 3.829 đại biểu; cấp huyện là 32.363 người ứng cử để bầu 21.124 đại biểu; cấp xã là 434.197 người ứng cử để bầu 281.720 đại biểu. Số lượng đại biểu HĐND từng cấp được bầu như sau: Cấp tỉnh: 3.821 người, thiếu 8 người. Cấp huyện: 21.077 người, thiếu 47 người. Cấp xã: 278.758 người, thiếu 2.962. Một số tổ bầu cử phải tiến hành bầu cử lại, bầu cử thêm, trong đó, cấp huyện có 1 khu vực bỏ phiếu lại ở Hà Nội, cấp xã 9 khu vực bỏ phiếu lại ở 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận và TP.Hà Nội. Hội đồng bầu cử Trung ương đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức bầu cử bổ sung.
TP. Hồ Chí Minh
Trong 95 người trúng cử, nữ: 21 người (chiếm 22,11%); dân tộc Hoa 2 người (chiếm 2,11%); tôn giáo 5 người (1 Công giáo, 4 Phật giáo) chiếm tỉ lệ 5,26%; 92 người có trình độ đại học và sau đại học; ngoài Đảng 10 (chiếm 10,53%), tái cử là 17 (chiếm 17,89%); trẻ dưới 35 tuổi có 12 (chiếm 12,63%), từ 35-50 tuổi: 41 người (chiếm 43,16%), trên 50 tuổi: 42 người (chiếm 44,21%). Về ngành nghề, các đại biểu thuộc khối cán bộ, công chức nhà nước, chuyên trách đảng, chuyên trách đoàn là 60 người, chiếm 63,15%. Những đại biểu thuộc khối lãnh đạo Đảng, chính quyền trúng cử với số phiếu trong nhóm cao nhất; đại biểu thuộc khối doanh nghiệp và các ngành nghề khác là 35 người (chiếm 36,84%), 3 đại biểu thuộc giới văn nghệ sỹ; tự ứng cử: 2 người.
TP.Hà Nội
Trong số 95 đại biểu trúng cử có 23 nữ (chiếm 24,21%), 1 dân tộc thiểu số, 1 tôn giáo (chiếm 1,05%), 7 ngoài Đảng (7,37%), trẻ dưới 35 tuổi: 3 (3,16%); 24 tái cử (25,26%); 2 người tự ứng cử đều không trúng cử. Có 7 ứng cử viên trúng cử với số phiếu đạt cao trên 80%. Tỷ lệ phiếu thấp nhất của đại biểu trúng cử là 52,42%.
TP.Đà Nẵng:
Đã bầu đủ 50 đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011-2016. Trong đó, đại biểu nữ:14; đại biểu tái cử: 14; ngoài Đảng và trẻ tuổi: 4; 48 đại biểu có trình độ đại học trở lên; dân tộc thiểu số: 1; tự ứng cử: 1. Theo Ủy ban Bầu cử TP.Đà Nẵng, trong số 8 quận, huyện trên địa bàn thành phố, huyện Hòa Vang có tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất với 99,99%; có 29/56 phường, xã có tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 100% và 411/484 tổ bầu cử có cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 100%.
Cuộc bầu cử đã diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, thật sự là ngày hội của toàn dân. Nhìn chung, tỷ lệ các ứng viên trúng cử đại biểu QH và HĐND các cấp có trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn các nhiệm kỳ trước. Đây là điều kiện để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử. Kết quả bầu cử trên cho thấy cử tri đã dành niềm tin cho nhiều người không nằm trong bộ máy nhà nước. Đây là một thay đổi lớn, thể hiện cuộc bầu cử khách quan, dân chủ. Kết quả này cũng thể hiện truyền thống yêu nước, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là tiền đề để tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong nhiệm kỳ mới.
Số ứng cử viên tự ứng cử, trúng cử cao gấp 4 lần khóa trước cho thấy ý thức công dân trong việc tham gia công việc của đất nước đã được nâng cao; tỉ lệ cử tri đi bầu cử trên 99% thể hiện rõ tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, ý thức làm chủ của nhân dân ngày càng được khẳng định.
Thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, khẳng định chủ trương tổ chức đồng thời cuộc bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp trong một ngày là đúng đắn, phù hợp với điều kiện hiện nay.
Lan Phương (tổng hợp)