Tôi nhớ có lần đi công tác ở Pháp, ghé thăm gia đình em trai tôi nhân một ngày nghỉ chủ nhật. Ông em chẳng ngó ngàng gì bà chị ở nhà xa xôi qua thăm, chào hỏi qua loa rồi cứ chúi đầu đọc mấy tờ báo. Tôi hỏi: “Em đọc gì mà chăm chú thế? Em trả lời như muốn tôi im lặng: “Em tìm hiểu các ứng cử viên tổng thống Pháp”. Bản thân tôi cũng rất chú ý tới cuộc bầu cử này, vì có một ứng cử viên nặng ký là nữ và là người của cánh tả. Tôi muốn chia sẻ với em về chính trường Pháp và muốn biết em sẽ bầu ai. Nhưng em vẫn chăm chú vào mấy tờ báo và không muốn bàn luận với tôi.
Mấy hôm ở nhà em, tôi thấy cả gia đình: bố, mẹ, con gái, con rể, con trai đều chăm chú tìm kiếm thông tin để nghiên cứu về các ứng cử viên. Tóm lại, cả nhà rất nghiêm chỉnh. Tôi được biết, không phải chỉ có gia đình em tôi mới quan tâm đến bầu cử tổng thống và các cuộc bầu cử quốc hội.
Sau này khi gặp nhau ở Hà Nội, tôi vẫn không biết em tôi đã bầu cho ai, chỉ biết trong gia đình có năm người, thì hai người bầu cho một ứng cử viên nặng ký và ba người bầu cho ứng cử viên nặng ký còn lại. Tôi biết ở không ít quốc gia, nhiều khi người ta bầu cho ứng cử viên thuộc cánh hữu không phải là khuynh hữu mà nhiều khi vì tổng thống nhiệm kỳ trước là một người cánh tả, nhưng không thành công trong thực hiện lời hứa với cử tri hay vì chính sách đưa ra khiến kinh tế không tăng trưởng. Hoặc vì lý do khác không đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân nên họ chuyển sang bầu cho cánh hữu nếu thấy ứng cử viên đó không phản động.
Chuyện bầu cử Quốc hội của nước ta thì sao? Trước khi nói đến bầu cử, phải khẳng định rằng Quốc hội nước ta đã có nhiều đổi mới, hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có hiệu quả. Quốc hội khóa XII đã kế thừa, phát huy những thành quả đạt được của các khoá trước, nhất là tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, thể hiện rõ nét hơn chủ trương của Đảng mở rộng dân chủ trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội. Chính các hoạt động của Quốc hội thông qua tranh luận dân chủ, thẳng thắn đã giúp việc điều hành đất nước của Chính phủ có chất lượng hơn. Văn hóa tranh luận, đối thoại công khai tại nghị trường trước khi tiến hành biểu quyết cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng đáp ứng nguyện vọng của dân, bảo vệ lợi ích của họ. Do đó, nhân dân đã quan tâm hơn đến việc bầu cử Quốc hội.
Nhưng quan tâm ở mức nào? Điều dễ thấy là dân không dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ từng ứng cử viên để quyết định bầu cho ai và hiện tượng một người đi bầu thay cho cả gia đình không phải hiếm mặc dù luật không cho phép.
Vì sao vậy? Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, một nguyên nhân là trong thời gian dài, người dân cho rằng bầu ai cũng được, chưa thấy rõ lợi ích của họ từ kết quả bầu cử. Không ít cử tri sau bầu cử ít lâu, không nhớ mình đã bầu cho ai. Trong 5 tiêu chuẩn của đại biểu quốc hội do Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội quy định, có 2 tiêu chuẩn dù người dân thấy ứng cử viên khó đạt nhưng vẫn không thể không bầu. Đó là: Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội. Bởi qua nhiều nhiệm kỳ, dân thấy rõ xuân thu nhị kỳ các đại biểu quốc hội mà chính họ bầu ra mới về tiếp xúc cử tri. Lại tiếp xúc “đại cử tri chuyên nghiệp” thì lấy đâu ra sự liên hệ chặt chẽ với mọi người dân bình thường để lắng nghe ý kiến của dân?
Hiện nay đại biểu Quốc hội có hơn 70% kiêm nhiệm, tức ba phần tư đại biểu đều là những người đang rất bận rộn thực hiện nhiệm vụ chính khác. Sự kiêm nhiệm ấy khiến đại biểu Quốc hội khó có đủ thời gian vật chất - một điều kiện rất quan trọng để hoàn thành trách nhiệm toàn dân giao phó.
Một hôm tôi nói chuyện với một cô bạn thân. Bạn tôi bàn luận với tôi về bầu cử đại biểu Quốc hội. Khi nói về tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu, bạn tôi cho rằng cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội không giống mặt trận Tổ quốc và cũng không giống cấp uỷ đảng nên không nhất thiết phải có nhiều người trẻ vì một trong các chức năng quan trọng của Quốc hội là giám sát. Điều này cần người có kinh nghiệm, am hiểu lĩnh vực giám sát, có nghĩa phải ở một độ tuổi tương đối cao và có thực tế ở những lĩnh vực đó. Nhưng đại biểu Quốc hội hiện nay đang nặng quy định tuổi, cơ cấu, nhẹ quan tâm đến kinh nghiệm và uy tín. Uy tín phải được xác lập qua hoạt động thực tiễn cuộc sống.
Theo tôi, Quốc hội không nên “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi có nhiều đại biểu thuộc khối hành pháp. Các đại biểu Quốc hội khi là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong khối hành pháp thường “kín tiếng”. Làm sao có thể nói về tiêu cực của các bộ khác khi bộ của mình cũng đang “có vấn đề”? Lại càng không thể chất vấn cấp cao hơn bởi đó là cấp quyết định vận mệnh của mình. Do đó, những bộ, thứ trưởng, chuyên gia khi nghỉ hưu, nếu có sức khoẻ, uy tín, dày dạn kinh nghiệm, am hiểu, khách quan nên là đại biểu quốc hội. Điều này sẽ rất có hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội, nhất là thực hiện chức năng giám sát.
Để Quốc hội hoạt động có chất lượng hơn, tôi cho là cần chuyển dần từ chuyên trách sang chuyên nghiệp. Hiện nay tỷ lệ đại biểu không chuyên trách cao, có hạn chế, khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ của đại biểu quốc hội. Mỗi lần bầu Quốc hội nhiệm kỳ mới rất nhiều người kiêm nhiệm vào, trong khi số đại biểu chuyên trách tăng không đáng kể. Trong điều kiện hiện nay đại biểu chuyên trách nên là 50%, rồi dần từng bước đến chuyên nghiệp.
Kinh nghiệm cho thấy đại biểu Quốc hội phải có kỹ năng. Từ việc nắm vững pháp luật, tiếp cận cử tri đến phân tích sâu tư tưởng, nguyện vọng của dân, tham gia thảo luận, tranh luận tại hội trường với tinh thần độc lập suy nghĩ, trình bày ý kiến của mình một cách rõ ràng, có sức thuyết phục đều rất cần có kỹ năng. Kỹ năng cần được tích lũy và rèn luyện một cách chuyên nghiệp.
Cơ cấu Quốc hội hiện nay vẫn mang nặng tính mặt trận, rất khó tạo ra đội ngũ thực sự có năng lực để thực thi nhiệm vụ rất quan trọng của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trong một cuộc họp ở mặt trận, tôi đã phát biểu: Cần xác định rõ nhiệm vụ của đại biểu từ đó mới xác định tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu phù hợp. Nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là thực hiện đường lối của Đảng, cụ thể là làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt được mục tiêu cao cả đó, người đại biểu Quốc hội phải thể hiện bằng hành động là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để người dân phải được thực sự làm chủ đất nước.
Người dân làm chủ thế nào? Trong nhiều cách làm chủ, có việc ủy quyền cho đại biểu Quốc hội để lập pháp, lập ra các cơ quan hành pháp, bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, các bộ trưởng… quyết định những vấn đề lớn của đất nước và thực hiện giám sát tối cao. Người đại biểu Quốc hội được dân uỷ quyền không chỉ biết rõ mà phải nói lên tâm tư, nguyện vọng của dân, bảo vệ lợi ích của người dân. Người dân đang bức xúc, mong muốn cuộc chiến chống tham nhũng có hiệu quả để dân không bị nhũng nhiễu, tiền dân đóng thuế không bị rơi vào túi quan tham, mong bệnh viện có đủ chỗ, không để nhiều người bệnh trên một giường, có đủ tiền chữa bệnh, đủ tiền cho con đi học, khoảng cách giàu nghèo không quá lớn gây bất bình khi người ăn không hết, kẻ lần không ra...
Những nguyện vọng đó chẳng phải mong ước của Bác Hồ là làm cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành và đường lối mà Đảng đã chỉ rõ. Dân có nguyện vọng, muốn nói, nếu không nói với đại biểu của dân thì nói với ai? Do đó người dân sẽ nghiên cứu ứng cử viên nào là người tin cậy để ủy thác quyền làm chủ của mình.
Nhưng hiện nay, cơ sở nghiên cứu là gì? Hồ sơ giới thiệu ứng cử viên hiện nay chủ yếu là quá trình công tác, chức vụ đã kinh qua hay nói cách khác là lý lịch. Thiếu những kết quả cống hiến cụ thể mà ứng cử viên đã làm được cho dân, cho nước. Đặc biệt, thiếu chương trình hành động với những việc làm cụ thể, mục tiêu cụ thể mà ứng cử viên sẽ làm cho người dân nếu trúng cử. Thiếu phần khai rõ tài sản làm sao dân kiểm tra được ứng cử viên có tham nhũng hay không để bầu người không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng như chỉ thị của Đảng đề ra? Một khi chưa có đủ thông tin nghiên cứu về ứng cử viên, lại không có đủ số dư để lựa chọn thì bầu cử còn mang tính hình thức.
Một đại biểu Quốc hội nói vui với tôi là từ ngày trúng cử đại biểu Quốc hội, họ của ông đã đổi thành họ “Hứa”. Bởi vì mỗi khi gặp dân, nghe dân bày tỏ nỗi niềm và đề nghị vấn đề cần giải quyết thì ông đều hứa. Ông nói thêm rằng tên họ đầy đủ của ông là Hứa Giả vì hứa nhưng không thực hiện được! Chuyện của vị đại biểu này chỉ là câu chuyện vui mô phỏng một hiện tượng, nhưng có thực.
Cho nên, để cho Quốc hội và đại biểu Quốc hội của ta làm được các trọng trách, phải làm sao cho dân được làm chủ, có đủ điều kiện chọn người xứng đáng để ủy quyền và người được ủy quyền phải có quyền lực thực sự không chỉ nói lên tiếng nói của dân, mà phải bảo vệ được dân khi quyền lợi của dân bị xâm phạm. Khi đó, người dân sẽ hào hứng đi bầu cử “chọn mặt gửi vàng”.
GS, TSKH. Hoàng Xuân Sính
Đại học Thăng Long