Triển khai đồng bộ
Ngay sau khi có Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị "về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý", Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành các nghị quyết, quy định, kế hoạch, thông báo về quy hoạch cán bộ, thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện. Sau khi có Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục ban hành Kế hoạch số 15-KH/TU ngày 30/11/2011 "về quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh giai đoạn 2011-2020", Thông báo số 249-TB/TU ngày 16-4-2012 "về chủ trương luân chuyển một số cán bộ trẻ là trưởng, phó phòng cấp tỉnh, đến công tác và đảm nhiệm chức vụ bí thư cấp uỷ, chủ tịch UBND một số xã, phường, thị trấn" và Quyết định số 1099-QĐ/TU ngày 8-10-2013 "Quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ luân chuyển, điều động". Hệ thống văn bản đồng bộ, cụ thể đã tạo thuận lợi cho ấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc công tác luân chuyển cán bộ. Các địa phương, đơn vị đã tiến hành đánh giá tình hình luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của địa phương, đơn vị mình. Nhờ có sự chủ động chuẩn bị và phối hợp chặt chẽ, quá trình triển khai được tiến hành kịp thời, sâu rộng, biện pháp tổ chức thích hợp nên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công tác luân chuyển được các cấp, các ngành tiến hành một cách thận trọng, không làm ồ ạt, chạy theo số lượng. Nhiều địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch luân chuyển xác định rõ đối tượng, phạm vi, biện pháp, lộ trình thực hiện. Đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ hiện có, lựa chọn cán bộ trong diện quy hoạch; xem xét năng lực, sở trường của mỗi cán bộ và yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị để xác định nơi luân chuyển, bố trí công việc cho phù hợp.
Cách làm phù hợp
Trước khi quyết định luân chuyển, cấp ủy, tập thể lãnh đạo đều chủ động làm tốt công tác tư tưởng, làm cho cán bộ được luân chuyển, cơ quan, đơn vị có cán bộ luân chuyển đi và cơ quan, đơn vị tiếp nhận cán bộ luân chuyển đến thông suốt về quan điểm, thống nhất về nhận thức, nghiêm túc chấp hành quyết định luân chuyển của tổ chức. Quá trình thực hiện một cách khoa học, công khai, dân chủ, bảo đảm đúng nguyên tắc, có chú ý đến yếu tố đặc thù của từng địa phương, đơn vị và giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn. Không những luân chuyển cán bộ theo hướng bố trí đảm nhận chức vụ cao hơn, mà còn thực hiện luân chuyển ngang, luân chuyển đến những nơi có môi trường công tác khó khăn hơn; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, vừa bảo đảm mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.
Các địa phương, đơn vị đã ban hành chế độ chính sách phù hợp đối với cán bộ luân chuyển nhằm động viên và giúp cán bộ khắc phục một phần khó khăn phát sinh do xáo trộn sinh hoạt khi thực hiện nhiệm vụ ở nơi công tác mới. Các chế độ được vận dụng linh hoạt như: cán bộ luân chuyển được hưởng nguyên lương, phụ cấp nếu mức lương và phụ cấp ở vị trí mới thấp hơn; hỗ trợ ban đầu và trợ cấp hằng tháng một khoản kinh phí; cán bộ cấp tỉnh luân chuyển đến công tác tại các địa bàn miền núi được hỗ trợ ban đầu 12 triệu đồng, công tác tại các địa bàn khác hỗ trợ ban đầu 8 triệu đồng…
Nhằm tạo thêm địa chỉ để mở rộng đối tượng luân chuyển, song song với việc tăng thêm chức danh lãnh đạo ở một số ngành, địa phương trong một thời gian nhất định, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu lựa chọn những cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) là trưởng, phó phòng cấp tỉnh, đến công tác và đảm nhiệm chức vụ bí thư cấp uỷ, chủ tịch UBND một số xã, phường, thị trấn.
Trước khi được luân chuyển đối với một số chức danh về làm phó bí thư cấp ủy cấp huyện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy trao đổi, cung cấp các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ để cán bộ nắm bắt, tiếp cận nhanh với nhiệm vụ mới ở cơ sở. Sau một thời gian được luân chuyển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt những cán bộ luân chuyển nhằm tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, từ đó có hướng giúp đỡ, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tạo điều kiện cho cán bộ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; kịp thời sửa đổi chế độ chính sách phù hợp cho cán bộ luân chuyển theo quy định…
Kết quả
Tính đến cuối năm 2011, trước khi có Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị, toàn tỉnh Quảng Trị đã luân chuyển 497 lượt cán bộ, trong đó Trung ương luân chuyển về tỉnh 4 đồng chí; tỉnh lên trung ương 12 đồng chí. Cấp tỉnh về cấp huyện 16 đồng chí, cấp huyện lên cấp tỉnh 46 đồng chí. Cấp huyện về cấp xã 50 đồng chí, cấp xã lên cấp huyện 12 đồng chí. Huyện này sang huyện khác 1 đồng chí; xã này sang xã khác 4 đồng chí; luân chuyển trong nội bộ cơ quan, đơn vị 352 đồng chí. Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, 1 phó chủ tịch cho thành phố Đông Hà, 1 phó bí thư huyện ủy phụ trách cơ sở cho huyện miền núi Đakrông…
Đến nay sau 3 năm thực hiện Kết luận số 24-KL/TW, chỉ tính riêng ở cấp tỉnh đã thực hiện việc điều động, luân chuyển từ sở, ban, ngành này sang sở, ban, ngành khác 6 đồng chí; luân chuyển từ cấp tỉnh về cấp huyện 19 đồng chí (trong đó 5 đồng chí là trưởng, phó phòng cấp tỉnh về nhiệm chức vụ bí thư cấp uỷ, chủ tịch UBND 2 phường, 1 thị trấn và 2 xã); điều động từ huyện lên tỉnh 5 đồng chí. Thực hiện tăng thêm 1 phó bí thư Tỉnh uỷ; tăng thêm chức danh phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phó giám đốc Sở Xây dựng, phó chánh Văn phòng UBND tỉnh; tăng thêm chức danh phó bí thư Thành uỷ Đông Hà, Huyện uỷ Vĩnh Linh, Huyện uỷ Cam Lộ. Hiện nay, nhằm tạo nguồn cán bộ, công chức ở cấp xã, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đang triển khai Đề án tuyển chọn; đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, sử dụng 282 người về đảm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách thuộc khối đảng ở cấp xã, bao gồm chức danh tổ chức - kiểm tra 141 người; chức danh tuyên giáo - dân vận 141 người.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cách làm phù hợp thực tiễn, nhiều địa phương, đơn vị ở Quảng Trị đã quan tâm và thực hiện khá tốt công tác luân chuyển cán bộ, nhất là luân chuyển từ trên xuống. Công tác quy hoạch, luân chuyển được gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ. Số cán bộ được luân chuyển đã khắc phục khó khăn, tích cực phấn đấu rèn luyện, chủ động tìm tòi tiếp cận với điều kiện và môi trường làm việc mới, giữ gìn được phẩm chất, thể hiện được năng lực, tích lũy được kinh nghiệm và trưởng thành hơn trong công tác. Phần đông cán bộ luân chuyển đã cùng với tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị nơi luân chuyển đến đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, tăng cường công tác xây dựng đảng, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt mục đích luân chuyển. Hầu hết số cán bộ cấp tỉnh sau khi luân chuyển đã được bố trí, sử dụng vào các vị trí cao hơn hoặc tương đương. Chỉ tính riêng 19 đồng chí cấp tỉnh luân chuyển về cấp huyện, hiện đã luân chuyển trở lại 9 đồng chí, 6 đồng chí đã có kết luận luân chuyển trở lại trước và sau đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.
Kết quả của công tác luân chuyển đã đáp ứng một phần yêu cầu tăng cường cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho một số địa phương, đơn vị trong tỉnh, góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, bước đầu thực hiện khá tốt việc bố trí thủ trưởng các đơn vị công an, quân sự, kiểm sát, toà án không phải là người địa phương. Đồng thời việc luân chuyển đã tạo điều kiện thuận lợi để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, giúp cán bộ phấn đấu, trưởng thành, bổ sung, điều chỉnh cơ cấu đội ngũ và bảo đảm cho việc bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý hơn. Luân chuyển cán bộ đang trở thành một mắt khâu đột phá trong công tác cán bộ ở Quảng Trị, góp phần đổi mới và thúc đẩy công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách cán bộ của tỉnh, tạo dư luận tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Kinh nghiệm
Từ thực tiễn công tác luân chuyển cán bộ ở Quảng Trị, có thể rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, làm tốt công tác tổ chức quán triệt, công tác tư tưởng nhằm tạo sự thống nhất trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cơ quan trực tiếp làm công tác tổ chức cán bộ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển. Từ đó xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện trên cơ sở đảm bảo sự đoàn kết, công tâm, khách quan và giữ vững các nguyên tắc công tác cán bộ của Đảng.
Hai là, mở rộng dân chủ, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và căn cứ vào thực tiễn phong phú của nhân dân để đúc rút kinh nghiệm, phát hiện nguồn; khắc phục tình trạng định kiến hẹp hòi đối với cán bộ, tình trạng cục bộ, địa phương, ngành ngay trong từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, phải vừa làm tốt công tác động viên, khuyến khích tính tự giác của cán bộ; vừa yêu cầu cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc chấp hành quyết định của tổ chức.
Ba là, xây dựng kế hoạch quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý với lộ trình và bước đi cụ thể, vừa bảo đảm tính ổn định và phát triển, vừa đảm bảo yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Quy trình quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thận trọng, không làm ồ ạt, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất giữa các cấp, các ngành trên cơ sở căn cứ vào năng lực, sở trường của cán bộ. Xác định quy hoạch cán bộ là nền tảng để làm căn cứ cho luân chuyển cán bộ; luân chuyển cán bộ là đột phá góp phần đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ đáp ứng yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Bốn là, có chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ luân chuyển và cán bộ điều động để phục vụ luân chuyển, nhất là đối với cán bộ luân chuyển đến những vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ đến nhận công tác ở đơn vị mới thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tuyên dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Mặt khác, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh những cán bộ không chấp hành quyết định của tổ chức mà không có lý do chính đáng, những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bảo Yến