Một số kết quả
Một là, xây dựng Chương trình công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhiệm kỳ 2021-2026. Lần đầu tiên, Ban Tổ chức Trung ương xây dựng chương trình công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ toàn khóa để thực hiện trong cả nhiệm kỳ gồm 8 đề án và 22 nhiệm vụ cơ bản. Trong đó, nhiều đề án có tính chiến lược về nghiên cứu, đề xuất, tham mưu trình Lãnh đạo Ban, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế, hướng dẫn đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của cả hệ thống chính trị.
Hai là, rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo lý luận chính trị. Xây dựng 3 đề án trình Ban Bí thư: 1) Tổng kết 3 năm thí điểm giao quyền đào tạo và xác nhận cao cấp lý luận chính trị cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. 2) Tổng kết Quy định 256-QĐ/TW ngày 16-9-2009 của Ban Bí thư về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên. 3) Xây dựng quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tăng cường đào tạo hệ tập trung, giảm đào tạo hệ không tập trung; thực hiện phân lớp theo nhóm đối tượng học viên có tính tương đồng về chức danh, vị trí việc làm, chuyên môn, ngành, lĩnh vực công tác. Tăng cường tổ chức lớp tại Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh và các học viện chính trị khu vực, hạn chế tổ chức các lớp không tập trung tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thí điểm một số lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại các cơ quan, đơn vị, địa phương có đủ điều kiện mở lớp. Năm 2021, do dịch bệnh COVID-19 nên phải chuyển hình thức đào tạo từ trực tiếp sang học trực tuyến, đạt 100% đầu việc theo kế hoạch.
Bốn là, tiếp tục thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Phối hợp với Học viện CTQG Hồ Chí Minh tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho chức danh phó bí thư cấp ủy huyện và tương đương (5 lớp với 160 đồng chí); bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho chức danh trưởng, phó trưởng ban tổ chức cấp ủy huyện và tương đương (16 lớp với hơn 2.200 đồng chí); bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 1 (3 khóa với 185 đồng chí). Chủ trì tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng bằng hình thức trực tuyến cho các đồng chí là trưởng, phó trưởng phòng và chuyên viên chính của ban tổ chức cấp ủy tỉnh (1 lớp với hơn 700 đồng chí).
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Nghệ An.
Năm là, xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế” theo Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, làm căn cứ xây dựng 77 nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Có thể khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2021 đã đạt được một số kết quả quan trọng và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả. Qua đào tạo, bồi dưỡng, người học được trang bị thêm kiến thức mới, phương pháp tư duy, phương pháp tiếp cận và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; nắm chắc các chủ trương, chính sách của Đảng và xử lý tình huống phát sinh.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẫn còn hạn chế. Xác định nhu cầu, xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Công tác bồi dưỡng chức danh chưa được xây dựng toàn diện, đồng bộ, thống nhất, chỉ bồi dưỡng được một số đối tượng. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng vẫn nặng về lý thuyết; chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Phương pháp dạy và học hiện đại chưa được sử dụng đồng bộ, hiệu quả. Thiếu giảng viên chất lượng cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Quản lý đào tạo, bồi dưỡng còn bất cập, nhất là đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ và các cơ sở đào tạo chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Nhiệm vụ, giải pháp
1. Tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức đúng yêu cầu, nhiệm vụ, chủ động, tích cực cụ thể hóa, thực hiện chủ trương, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nhất là những chủ trương, chính sách mới. Phát huy trách nhiệm của các chủ thể tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.
2. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, cụ thể, tạo hành lang chính trị, pháp lý đầy đủ, khoa học, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Nghiên cứu, tham mưu xây dựng các đề án: Tổng kết 10 năm thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; tổng kết Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Đề án 165) giai đoạn 2009-2021. Nghiên cứu, đề xuất mô hình và phương thức hoạt động mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài phù hợp với điều kiện, tình hình mới.
3. Thực hiện có hiệu quả Quy định 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp cập nhật thông tin đối với cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các doanh nghiệp nhà nước…
4. Nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan liên quan với cơ sở đào tạo; kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Bảo đảm khách quan trong tuyển chọn, xét cử cán bộ đi học, đáp ứng yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.
5. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của người học, đạt được các mục tiêu về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đa dạng, phong phú các hình thức đào tạo, trang bị những kiến thức về tầm nhìn và tư duy chiến lược, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng xử lý tình huống, quản trị rủi ro, gắn với vị trí việc làm và chức trách của cán bộ.
6. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện của người cán bộ, đảng viên đi đôi với giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng học tập hình thức, tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, học để hoàn thiện bằng cấp, chứng chỉ bảo đảm tiêu chuẩn chức danh.
7. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Các cơ sở đào tạo cần xây dựng chiến lược phát triển giảng viên và mạng lưới báo cáo viên, giảng viên thỉnh giảng là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và cán bộ lãnh đạo, quản lý giàu kinh nghiệm. Đồng thời, các cơ sở đào tạo trong nước cần liên kết với các cơ sở đào tạo, các giảng viên, chuyên gia nước ngoài có uy tín, chất lượng cao để mời họ tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
8. Ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp dạy và học hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hoàng Đăng Quang
UVTƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương