Đảng bộ Thăng Bình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Huyện ủy Thăng Bình trao bằng khen của Tỉnh ủy cho 4 chi, đảng bộ đạt danh hiệu TCCSĐ TSVM 3 năm liền
Quán triệt quan điểm cán bộ là khâu quyết định; xuất phát từ tình hình thực tế đội ngũ cán bộ và trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XVII (2000-2005) Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thăng Bình đã ra Nghị quyết số 03-NQ/HU về công tác cán bộ với mục tiêu đến năm 2010 phải “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, sáng tạo, gắn bó với nhân dân, trọng dụng những người có đức, có tài. Thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở về công tác cán bộ. Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ. Đánh giá, bồi dưỡng, lựa chọn, sử dụng cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển”.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU của Huyện ủy, năm 2006 công tác cán bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song, qua thực tế khảo sát công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ vẫn còn một số yếu kém, khuyết điểm cần phải có những giải pháp tích cực, đồng bộ để khắc phục.
Tiếp tục quán triệt Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, đặc biệt là Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2006-2010 và đến năm 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thăng Bình đã xây dựng chương trình, hành động và có Đề án số 01-ĐA/HU của Huyện ủy làm căn cứ để xây dựng và tiêu chuẩn hóa cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở.
Trên cơ sở quy hoạch cán bộ giai đoạn 2001-2015, đã tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch A1, A2, A3 cho cả 2 cấp huyện và cơ sở, đảm bảo mỗi chức danh có từ 1 đến 2 cán bộ dự nguồn; mỗi chức danh chủ chốt có từ 2 đến 4 cán bộ dự nguồn. Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo cơ quan  tham mưu giúp cấp uỷ xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng loại cán bộ theo từng giai đoạn. Từ kết quả quy hoạch, đào tạo cán bộ đã lựa chọn, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ ở từng cấp, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền làm tốt công tác tuyển dụng để từng bước trẻ hóa cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt của huyện; ưu tiên tuyển dụng con em gia đình cách mạng, sinh viên có thành tích học tập tốt. Đặc biệt ưu tiên sinh viên giỏi ra trường có nhu cầu về huyện nếu không còn chỉ tiêu biên chế thì giải quyết hợp đồng lao động để phát triển nguồn cán bộ. Đối với xã, thị trấn, tuyển chọn những đoàn viên ưu tú, đảng viên trẻ, bộ đội xuất ngũ, con em gia đình cách mạng đã tốt nghiệp trung học phổ thông đưa vào dự nguồn quy hoạch. Huyện ủy đã chủ động dành một phần kinh phí (1% tổng chi thường xuyên) để đào tạo đại học tại chức cho cán bộ chủ chốt và trong quy hoạch của huyện, xã, thị trấn...
Đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ huyện Thăng Bình được nâng lên, qua kết quả bầu cử đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 cho thấy:
Tổng số cán bộ cấp huyện 218 đồng chí, trong đó trình độ chuyên môn đại học 134, chiếm 61,4%; cao cấp, cử nhân chính trị 52, chiếm 23,8%.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có 39 (trong đó nữ 5, đạt tỷ lệ 12,8%); về trình độ chuyên môn sau đại học 2, đạt 5,12%, đại học 36, đạt: 92,3%, cao đẳng 1,  chiếm 2,56%. Trung cấp chính trị 3, chiếm 7,69%, cử nhân, cao cấp 36, chiếm 92,3%.
Ban Thường vụ Huyện uỷ có 11 (trong đó tuổi dưới 30 có 1 và là nữ), trình độ chuyên môn thạc sỹ 1, chiếm tỷ lệ 9%, đại học 10, cao cấp chính trị 9, cử nhân 2.
Cán bộ là trưởng, phó phòng, ban và tương đương cấp huyện có 74, trong đó nữ 10, chiếm tỷ lệ 13,5%, học vấn THPT 70, chiếm tỷ lệ 94,59%; chuyên môn cao đẳng, đại học 59, chiếm tỷ lệ 79,72%, cao cấp, cử nhân 40, chiếm tỷ lệ 54%.
Cán bộ cấp xã, thị trấn là 866, nữ chiếm tỷ lệ 18,93%, trong đó cán bộ đạt 3 chuẩn là 265, chiếm 30,6%. Cán bộ chuyên trách cấp xã, thị trấn và 7 chức danh công chức là 406, đạt 3 chuẩn là 211, chiếm 51,97%; cán bộ không chuyên trách cấp xã là 460, đạt 3 chuẩn có 54, chiếm 11,73%.
Ban Chấp hành đảng bộ xã, thị trấn có 283, nữ 40, chiếm 14,1%, có 100% trình độ học vấn THPT, cao đẳng, đại học có 110, chiếm 38,8%, trung cấp chính trị 244, chiếm 86,2%, cao cấp 9, chiếm 3,18%. Ban Thường vụ Đảng ủy xã, thị trấn có 80, nữ 3, chiếm tỷ lệ 3,75%, trình độ chuyên môn trung cấp 33, chiếm 41,5%, đại học có 37, chiếm 46,25%...

Từ những kết quả đó, có thể rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, từ cấp uỷ huyện đến cơ sở cần nhận thức sâu sắc về công tác cán bộ, xây dựng đề án, chương trình hành động phù hợp và thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ.
Hai là, đánh giá, nhận xét cán bộ thật sự khoa học, có quan điểm toàn diện, khách quan, công tâm, kết hợp hài hoà giữa đức và tài, giữa trách nhiệm và lợi ích, giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, lấy hiệu quả công tác làm thước đo năng lực của cán bộ.
Ba là, rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện, đi đôi với mở rộng dân chủ, kết hợp chặt chẽ giữa đánh giá phẩm chất, năng lực thực tiễn của cán bộ với công tác bảo vệ chính trị nội bộ để lựa chọn đưa vào quy hoạch đúng người.
Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương.

Để tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng bộ huyện Thăng Bình đề ra mục tiêu:
Phấn đấu đến năm 2015, cán bộ, công chức xã, thị trấn phải đạt chuẩn theo quy định, có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học đạt 40%; các chức danh bí thư, phó bí thư đảng uỷ, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND phải có trình độ đại học chuyên môn, 30% có trình độ cao cấp chính trị. Đối với cán bộ từ trưởng, phó phòng, ban và tương đương cấp huyện phải đạt 100% có trình độ đại học chuyên môn, cao cấp chính trị và đạt chuẩn theo quy định.
Đến năm 2020, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở 2 cấp có trình độ đạt chuẩn theo quy định (ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND huyện phải đạt 15-20% có trình độ thạc sĩ).
Để đạt mục tiêu đó, thời gian tới mỗi cấp, mỗi ngành phải tăng cường trách nhiệm, có kế hoạch tạo nguồn cán bộ từ những nhân tố tích cực, có năng lực, uy tín, được nhân dân tín nhiệm. Tăng cường trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, người đứng đầu trong việc quản lý và đánh giá cán bộ. Làm tốt quy hoạch cán bộ nhằm chuẩn bị từ xa và tạo nguồn cán bộ dồi dào; đưa vào quy hoạch những cán bộ có triển vọng phát triển tốt, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Tiếp tục thực hiện tốt luân chuyển cán bộ, kết hợp hài hòa giữa luân chuyển với ổn định cán bộ. Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với công tác cán bộ. Thực hiện đồng bộ các khâu công tác cán bộ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất