Những kết quả nổi bật
Một là, nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các quy định, kết luận về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xây dựng báo cáo tổng kết Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” (gọi tắt là Đề án 165) giai đoạn 2008-2022, tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 39-KL/TW ngày 18-7-2022 về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị chủ trương tiếp tục tổ chức bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước trong giai đoạn mới. Cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác này theo hướng đào tạo có trọng tâm, trọng điểm để vừa cập nhật kiến thức, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, vừa nâng cao năng lực và khả năng làm việc của cán bộ trong môi trường quốc tế. Tham mưu với Ban Bí thư ban hành Quy định số 57-QĐ/TW ngày 8-2-2022 về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Lần đầu tiên Ban Bí thư ban hành quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc cụ thể hóa, bảo đảm đồng bộ với đổi mới công tác cán bộ của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, phù hợp với tình hình mới. Quy định số 57 có nhiều điểm mới, cụ thể, đồng bộ, xác định rõ đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo lý luận chính trị ở từng cấp; tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác này; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý, tổ chức đào tạo và đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, đưa công tác đào tạo lý luận chính trị vào nền nếp, kỷ cương theo đúng chỉ đạo của Trung ương.
|
Công tác đào tạo cán bộ được quan tâm chỉ đạo, có nhiều đổi mới. Ảnh minh họa.
|
Hai là, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị cơ bản đạt kết quả tốt; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các học viện được giao quyền đào tạo cao cấp lý luận chính trị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã hoàn thành cơ bản kế hoạch đề ra. Trong đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nỗ lực cơ bản hoàn thành kế hoạch bảo đảm nguyên tắc tuyển sinh theo tỉ lệ 1-1,2. Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung có 3.865/4.686 học viên (so với năm 2021 bằng 82,8%), đạt 82,5% so với kế hoạch. Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung có 4.303/5.586 học viên (so với năm 2021 bằng 92,9%), đạt 77% so với kế hoạch. Tổ chức hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị cho 1.764/2.040 học viên (86,5% so với kế hoạch). Tổ chức thí điểm lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung ở 7 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bến Tre, Kiên Giang). Công tác tổ chức, quản lý học tập bước đầu được đánh giá có nhiều thuận lợi và cơ bản đạt kết quả tốt.
|
Lễ khai giảng các lớp Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
|
Ba là, về bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu trình Ban Bí thư về Kế hoạch tổ chức Chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các đồng chí Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng (khóa XIII), dự kiến tổ chức vào đầu tháng 2-2023. Tổ chức các lớp nghiên cứu, trao đổi chuyên đề theo Kế hoạch Hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng hình thức trực tuyến: 4 lớp với 110 học viên (3 lớp lãnh đạo cấp vụ/cục; 1 lớp lãnh đạo cấp tỉnh/bộ).
Về bồi dưỡng chức danh, hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã triển khai bồi dưỡng chức danh được 34 lớp với 4.214 học viên. Trong đó, tại Trung tâm Học viện: 8 lớp (2 lớp bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương; 4 lớp phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương; 1 lớp trưởng ban, phó trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp tỉnh và 1 lớp chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh). Học viện Chính trị khu vực I: 10 lớp (2 lớp trưởng ban, phó trưởng ban dân vận cấp ủy cấp huyện; 4 lớp trưởng ban, phó trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp huyện; 2 lớp chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện; 2 lớp văn phòng cấp ủy cấp huyện). Học viện Chính trị khu vực II, III, IV, mỗi học viện đều tổ chức 4 lớp bồi dưỡng công tác tổ chức, kiểm tra, dân vận và văn phòng cấp ủy cấp huyện. Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở 4 lớp bồi dưỡng công tác tuyên giáo cấp ủy cấp huyện.
Bốn là, tổ chức thành công 3 Hội thảo quốc gia về “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế” tại Hà Nội, Quảng Nam và Cần Thơ. Qua đó, góp phần làm sáng tỏ các khái niệm và các nội dung trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hội thảo nhận được sự quan tâm lớn của các chuyên gia, nhà khoa học ở các ban, bộ, ngành, địa phương, được đánh giá cao về tính thời sự, cấp thiết trong bối cảnh cả nước triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW. Hội thảo cũng đem lại nhiều tác động tích cực tới nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên về công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, để từ đó mỗi cá nhân phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế; tạo cơ sở lý luận và thực tiễn để Ban Tổ chức Trung ương đưa ra những đề xuất, kiến nghị, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tham mưu xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nội dung hội thảo đã được biên tập thành kỷ yếu khoa học và sách chuyên khảo phục vụ cho các cơ quan chuyên môn, địa phương trong cả nước nghiên cứu, học tập, tham khảo.
|
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu khai mạc tại Hội thảo khoa học “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.
|
Nhìn chung năm 2022, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tích cực về nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện. Các cấp ủy địa phương đã tập trung xây dựng và tổ chức nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với bồi dưỡng chức danh, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng. Công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị đã bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, phân cấp đào tạo lý luận chính trị được ban hành kịp thời, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ nội dung, bao quát được các cấp học và xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Hoạt động kiểm tra, giám sát được chú trọng. Việc quán triệt, cụ thể hóa các văn bản mới của Trung ương được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng, đủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với cán bộ. Công tác xây dựng kế hoạch đào tạo còn bị động, chưa kịp thời. Việc khảo sát, nắm nhu cầu đào tạo có lúc, có nơi chưa sát tình hình thực tế, chưa bám sát quy định, hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn để đăng ký nhu cầu đào tạo, gây khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch của từng năm.
Nhiệm vụ thời gian tới
Để đáp ứng tốt yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là các học viện, trường chính trị, cơ sở đào tạo cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chú trọng đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Làm tốt việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tốt việc thực hiện các quy định, quy chế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
2. Làm tốt công tác tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cơ chế phối hợp giữa cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở đào tạo trong nghiên cứu tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, quản lý và tổ chức đào tạo. Tiếp tục bổ sung các quy định cụ thể về chế độ bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ, chế độ bồi dưỡng trước và sau khi bổ nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý.
3. Tham mưu trình Bộ Chính trị về Kế hoạch cập nhật kiến thức đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII). Tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tham mưu trình Ban Bí thư về tổng kết 5 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW của Ban Bí thư về thí điểm giao quyền đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
4. Cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Kết luận số 39-KL/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thiết thực. Phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2023. Triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy định.