Từ thực tiễn tại Đảng bộ TP. Hà Nội (kỳ 2)

Từ Bá Vinh, Cao Thị Phương Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội

Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, Nghị quyết 04 của Thành ủy có mục tiêu kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục có hiệu quả các hạn chế, khuyết điểm. Đồng thời đổi mới, đột phá trong xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp của Thành phố với cách làm thận trọng, khoa học, chặt chẽ, bài bản và hiệu quả. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô; nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Nghị quyết nhấn mạnh: Thành phố sẽ kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở thiếu tập trung, quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tín nhiệm thấp, dĩ hòa vi quý, bè cánh gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, có sai phạm nhưng chưa đến mức bị kỷ luật; dư luận cán bộ, đảng viên và có đơn thư phản ánh tiêu cực... Việc thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.    

Đột phá từ chủ trương, nghị quyết

Hiện nay, công tác cán bộ tại Thủ đô có nhiều đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII). Hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, khoa học, sát thực tiễn. Quy trình thực hiện công tác cán bộ công khai, dân chủ, nhiều nội dung có sự sáng tạo, đổi mới, khắc phục cơ bản những hạn chế, tồn tại trong nhiều năm qua, là căn cứ quan trọng để tuyển chọn, bố trí, sử dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ đi vào nền nếp, hệ số quy hoạch đảm bảo, chất lượng quy hoạch được nâng cao, quy hoạch đã được gắn với đào tạo, bồi dưỡng về lý thuyết và thực tiễn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có nhiều đổi mới dựa trên việc Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án 04-ĐA/TU về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tổ chức có hiệu quả các lớp đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ quy hoạch cấp ủy, các chức danh bí thư cấp ủy và lãnh đạo chính quyền cấp huyện, lãnh đạo cấp sở thuộc Thành phố. Các lớp đào tạo cán bộ đã có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức tổ chức giảng dạy, học tập, quản lý nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của Thành phố, nhất là cán bộ chủ chốt có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu và cập nhật kịp thời những thông tin, kiến thức mới của nhân loại, có trình độ và năng lực, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, khả năng hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025. UBND thành phố ban hành Đề án nâng cao chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu đến  năm 2025, tỷ  lệ cán bộ  trẻ diện ban thường vụ các cấp ủy quản lý đạt  tối  thiểu 15%, cán bộ nữ đạt tối thiểu 15%; 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới.

Đặc biệt trên cơ sở, yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2025-2030 đối với 96 cán bộ đã được Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt quy hoạch nguồn Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thông qua việc tổ chức lớp bồi dưỡng sẽ hình thành tầm nhìn và tư duy chiến lược cho các cán bộ được quy hoạch; trang bị những kiến thức cơ bản về lý luận, thực tiễn và kỹ năng công tác; nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý; rèn luyện đạo đức, tác phong, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của người lãnh đạo, quản lý trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng, phát triển Thủ đô.

Thành ủy Hà Nội thực hiện nghiêm túc việc bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ đảm bảo đủ tiêu chuẩn, đúng người, đúng việc và đúng quy trình. Trong nhiệm kỳ, đã thực hiện luân chuyển 55 cán bộ, giới thiệu ứng cử và bổ nhiệm 442 cán bộ diện Thành ủy quản lý. Thành ủy đã ban hành Đề án 09-ĐA/TU, thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện; mô hình trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ, chủ tịch mặt trận Tổ quốc đồng thời là trưởng ban dân vận…

Triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao vai trò tiên phong, gương mẫu, ý thức, trách nhiệm của đảng viên trong công tác và sinh hoạt, Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hằng năm giảm (bình quân 5 năm, tổ chức cơ sở đảng chiếm 0,28%, đảng viên chiếm 0,45% so với số được đánh giá); tỷ lệ đảng viên mới được kết nạp hằng năm vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong thực hiện nghiệp vụ đảng viên.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, một trong những giải pháp Hà Nội đặt ra để đạt được các mục tiêu đã nêu là triển khai thí điểm một số chủ trương công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) là: Đề án thi tuyển một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng; Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; Quy định người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bâu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; Bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ cấp ủy và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; Phân cấp, giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cán bộ cấp trưởng cấp dưới trực tiếp theo các quy trình, quy định về công tác cán bộ; Đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong thực hiện các khâu của công tác…

Chọn khâu bứt phá

Trong năm 2022, Hà Nội một lần nữa có những bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung 9 nội dung của “Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP. Hà Nội”.

Trước đây, đánh giá, phân loại cán bộ lãnh đạo, quản lý với phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí, quy trình đánh giá của Thủ đô đã được đánh giá khoa học, chặt chẽ. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy định khung tiêu chí và quy trình đánh giá cán bộ trong hệ thống chính trị.

Việc ban hành Quyết định số 3251-QĐ/TU và Quyết định số 3252-QĐ/TU để sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1841 và Quy chế về việc quản lý, khai thác và sử dụng phần mềm đánh giá cán bộ hằng tháng được đánh giá tiếp tục đem đến sự bài bản, chuyên nghiệp trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô. Trong đó, nội dung sửa đổi tập trung vào Điều 8 về “Thẩm quyền đánh giá” và Điều 10 về “Đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng” của Quyết định số 1841.

Các nội dung sửa đổi đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của tập thể Thường trực Thành ủy, UBND thành phố gắn với cá nhân đồng chí đứng đầu là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố trong công tác đánh giá cán bộ hằng tháng. Thay vì tập thể Thường trực Thành ủy ủy quyền cho đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, từ nay, đồng chí Bí thư Thành ủy sẽ chủ trì cùng tập thể Thường trực Thành ủy quyết định xếp loại cán bộ theo thẩm quyền. Thay vì một mình Chủ tịch UBND thành phố quyết định, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố sẽ chủ trì cùng tập thể lãnh đạo UBND thành phố quyết định xếp loại cán bộ theo thẩm quyền.

Như vậy, công tác đánh giá cán bộ được nâng cao thông qua việc thực hiện có hiệu quả công tác đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, người lao động phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thành ủy cũng bổ sung tiêu chí đánh giá, lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân; thực hiện đánh giá đa chiều, liên tục, đảm bảo nguyên tắc và quy trình dân chủ, khách quan, chính xác, công khai, minh bạch; kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, lãnh đạo, quản lý dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể. Kết quả hằng tháng là căn cứ chính để đánh giá, xếp loại thi đua hằng năm; thực hiện đồng bộ công tác đánh giá cán bộ, công chức với đánh giá đảng viên hằng năm; kết quả đánh giá cán bộ là tiền đề cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động và sử dụng cán bộ. Tiến tới thực hiện việc quản lý tình hình, kết quả đánh giá cán bộ hằng tháng, hằng năm thông qua phần mềm thống nhất từ Thành phố đến cơ sở.

Ngoài ra, năm 2022, Thành ủy lựa chọn trọng tâm của mình trong công tác cán bộ là triển khai thí điểm đề án thi tuyển lãnh đạo cấp phòng và tương đương. Đây là bước đột phá lớn trong công tác cán bộ của TP. Hà Nội, là tiền đề quan trọng để thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy phẩm chất, năng lực, trình độ, kinh nghiệm để đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Việc tiến hành thí điểm thi tuyển cán bộ được xem là bước tiếp tục cụ thể hóa khâu đánh giá cán bộ, đồng thời là bước đột phá để thay đổi tư duy trong công tác cán bộ, giúp cơ quan, đơn vị, địa phương chọn được nhân sự phù hợp trong số những người có trình độ, năng lực tốt để bố trí vào vị trí quản lý, cũng là cơ hội để cán bộ trẻ có cơ hội rèn luyện mình.

Tháng 11-2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 21-ĐA/TU về thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc các ban đảng, Văn phòng Thành ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Báo Hànộimới. Thành ủy Hà Nội đã chọn Ban Tổ chức Thành ủy, Thành đoàn và Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong để thí điểm thi tuyển chức danh trưởng, phó trưởng phòng.

Theo Đề án, việc thí điểm thi tuyển nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó phòng.

Việc tổ chức thi tuyển nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng, khách quan từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Mặt khác, thi tuyển là cơ hội để phát hiện những nhân tố mà cơ quan, tổ chức chưa có điều kiện đưa vào quy hoạch chức danh cần tuyển, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ trẻ có cơ hội thể hiện, phát triển bản thân tham gia vào lãnh đạo, quản lý sớm.

Thành ủy Hà Nội kỳ vọng việc thí điểm thi tuyển sẽ tạo điều kiện, động lực để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, rèn luyện, học tập và có cơ hội để tham gia công tác lãnh đạo, quản lý; tạo tính năng động trong công tác cán bộ. Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế tuyển chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị thành phố.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 494/QĐ-UBND ngày 14-1-2022 về việc phê duyệt Danh sách các chức danh thí điểm thi tuyển tại sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP. Hà Nội năm 2022. Theo đó, lần đầu tiên Hà Nội phê duyệt danh sách 86 chức danh thí điểm thi tuyển năm 2022 tại 49 cơ quan, đơn vị. Các đơn vị có chức danh được phê duyệt sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý bảo đảm đúng quy định. Thời gian thực hiện thí điểm từ tháng 1-2022 đến hết năm 2022.

Hiện nay, toàn bộ hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở đều quán triệt, đồng thuận cao đối với chủ trương thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng. Các đơn vị xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện và hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng trong năm 2022. Đến tháng 8-2022, Hà Nội đã hoàn thành việc thi tuyển 38/86 chức danh.

Theo đánh giá ban đầu, hình thức thi tuyển đã bộc lộ một số ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với quy trình bổ nhiệm cán bộ thông thường. Trải qua 2 vòng thi, các ứng viên có cơ hội thể hiện khả năng phân tích, đánh giá, diễn thuyết của mình tại vòng 1. Với Hội đồng thi tuyển tại vòng 2, việc đánh đánh giá, nhận xét trở nên khách quan, toàn diện về năng lực, kinh nghiệm và chuyên môn của các ứng viên, bởi vậy, cá nhân được chọn sẽ là nên nhân tố ưu tú, phù hợp nhất cho các vị trí.

Hầu hết các thí sinh trúng tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đều nhanh chóng tiếp cận được công việc, thể hiện rõ năng lực quản lý, điều hành của mình. Việc thi tuyển cũng được nhiều lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đánh giá đã góp phần giảm tình trạng một bộ phận cán bộ trong diện được quy hoạch, bổ nhiệm nằm trong trạng thái chờ đợi, lười phấn đấu, “sống lâu lên lão làng”. Đặc biệt, việc thi tuyển góp phần tích cực thực hiện chủ trương trọng dụng nhân tài, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám” trong khu vực công, hạn chế việc cán bộ có năng lực, trí tuệ chuyển công tác sang khu vực tư làm việc nhất là các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cao (như ngành y tế, sư phạm), các chuyên gia trên các lĩnh vực quản lý (như kinh tế, đô thị, khoa học - kỹ thuật, công nghệ...) đang xảy ra cục bộ hiện nay.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr.230.

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, tập II, tr.179.
3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, tập II, tr.196.
4.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Văn phòng Trung ương Đảng, Nội, 2018.

5. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI tại Đại hội đại biểu lần thXVII Đảng bộ TP. Nội.

6. Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 20-9-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy khóa XVI về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Nội quản lý”.

7. Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31-5-2021 của Thành ủy Nội khóa XVII về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025những năm tiếp theo”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất