Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2005-2010, trong 5 năm qua, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được hoàn thiện cả về tổ chức, bộ máy và cán bộ; từng bước đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý xã hội, tăng cường công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên đổi mới phương thức vận động quần chúng trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bình Thuận ngày càng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý hơn. Tỉnh ủy đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ, nhất là cán bộ ở cơ sở, cán bộ nữ và cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ của Bình Thuận còn tỏ ra bất cập trước yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Biểu hiện rõ nhất là chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở từng cấp còn chồng chéo, trùng lặp; mối quan hệ trong công tác của một số tổ chức cũng như giữa các tổ chức trong cùng hệ thống chưa đồng bộ, vẫn còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Đội ngũ cán bộ tuy được đào tạo và đào tạo lại khá nhiều nhưng tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, chấp hành luật pháp vẫn còn yếu, một số ít còn cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi; các kỹ năng nắm bắt tình hình, xử lý tình huống, giải quyết công vụ... của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở còn bất cập; còn thiếu chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực quản lý chuyên ngành kinh tế kỹ thuật.
Tổng kết đại hội cấp trên cơ sở của Bình Thuận, mặc dù đã quan tâm tới cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc nhưng nếu xét về tỷ lệ thì không đạt theo quy định và thấp hơn so nhiệm kỳ trước. Theo yêu cầu cấp ủy viên là nữ phấn đấu đạt tỷ lệ là 15%, thì kết quả chung của các đại hội chỉ đạt 10,89%, giảm 2,31% so nhiệm kỳ trước; cấp ủy viên trẻ (dưới 35 tuổi) yêu cầu không dưới 15%, nhưng kết quả chỉ đạt 5,84%, giảm 1,18% so nhiệm kỳ trước; cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 2,92%, giảm 1,18%. Tính chung độ tuổi bình quân là 44,86 tuổi, tăng 0,44% so nhiệm kỳ trước.
Để khắc phục những tồn tại trên, trong 5 năm tới, ngoài việc tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tổ chức và cán bộ, Bình Thuận tập trung thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau đây:
Thứ nhất, từng cấp, từng ngành, trước hết là từng tổ chức cơ sở đảng, từng đơn vị cơ sở, nhất là cấp xã, phường, thị trấn phải xác định thật rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cấp mình. Căn cứ Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ của mỗi đoàn thể, từng tổ chức phải xây dựng và thực hiện thật tốt quy chế làm việc; kiên quyết khắc phục việc ban hành và thực hiện theo quy chế mẫu do cấp trên hướng dẫn. Đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị mỗi cấp phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp mình về nội dung và quá trình thực hiện quy chế làm việc này.
Thứ hai, đi đôi với xác định rõ quy chế làm việc, từng cơ quan, đơn vị phải xác định đúng, đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu cán bộ hợp lý để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Kiên quyết không tuyển dụng người chưa hoặc đào tạo không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, kể cả ở cấp xã, phường, thị trấn. Thực hiện tốt chủ trương “đại học hoá” cán bộ xã theo Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy (khoá XI) gắn liền với triển khai thực hiện tốt Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ.
Thứ ba, ngay từ đầu năm 2012, tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành phải đảm bảo tính đồng bộ, có cơ cấu hợp lý, đồng thời phải đảm bảo tính kế thừa và chuyển tiếp giữa các độ tuổi, nhất là cán bộ chủ chốt của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ sau quy hoạch để đào tạo toàn diện gắn với mở rộng việc bố trí đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho các nhiệm kỳ sau.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện tốt đề án đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách tỉnh. Cần có chính sách đãi ngộ thích hợp đối với số sinh viên xuất sắc của tỉnh để đào tạo theo yêu cầu của tỉnh, đồng thời triển khai thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài về tỉnh công tác.
Thứ năm, tiếp tục cụ thể hoá và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ ở các cấp, các ngành. Hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ, làm cơ sở để bố trí sử dụng đúng, có hiệu quả đội ngũ cán bộ. Thực hiện nghiêm túc chế độ bổ nhiệm cán bộ có thời hạn; tùy theo năng lực, phẩm chất và uy tín cán bộ để xem xét, quyết định bổ nhiệm lại. Không xem xét bổ nhiệm lại những cán bộ làm việc cầm chừng, uy tín giảm sút, ý thức chấp hành không cao hoặc những cán bộ thiếu ý chí phấn đấu vượt khó vươn lên.
Thứ sáu, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh uỷ (khoá X) về xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số và huyện đảo Phú Quý; tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với số cán bộ tạo nguồn đã được bố trí về công tác ở các địa phương trong tỉnh để cán bộ có đủ tiêu chuẩn xếp ngạch bậc lương theo Nghị định số 92 của Chính phủ; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trong quá trình công tác và trưởng thành ở cơ sở; chọn những học sinh người dân tộc thiểu số tốt nghiệp trung học phổ thông, có hạnh kiểm tốt, học lực khá để cử tuyển học đại học hằng năm nhằm tạo nguồn lâu dài cho các xã vùng cao và huyện đảo Phú Quý.
Thứ bảy, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007, của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trước mắt, chuẩn bị chọn những cán bộ nữ có đủ tiêu chuẩn để giới thiệu bầu vào HĐND và giữ chức danh lãnh đạo UBND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, bảo đảm tỷ lệ theo quy định. Đối với các chức danh bổ nhiệm, cần thực hiện tốt chủ trương những ngành, cơ quan, đơn vị có đông cán bộ nữ cần có ít nhất một cán bộ lãnh đạo là nữ, trường hợp không có người đủ tiêu chuẩn thì xem xét, điều động từ nơi khác đến để bổ nhiệm.
Thứ tám, tiếp tục nâng cao năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức. Đây là nội dung rất cơ bản và quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Thước đo cơ bản và chủ yếu về nâng cao chất lượng trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức là phải căn cứ vào chất lượng, kết quả và hiệu quả hoàn thành công việc của người cán bộ, công chức được giao. Đồng thời, cùng với việc nâng cao năng lực trí tuệ, cần nâng cao năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi vì, chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn một cách tích cực, sáng tạo mới có cơ sở, điều kiện để hình thành, phát triển phẩm chất nhân cách, đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và năng lực trí tuệ của người cán bộ, công chức.
Trong tình hình hiện nay, cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Một là, đề cao tinh thần tự phấn đấu vươn lên, bản thân từng cán bộ, công chức phải ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, luôn có chí tiến thủ, cầu thị tiến bộ, chủ động, tích cực, sáng tạo trong mọi hoạt động thực tiễn, phấn đấu đạt chất lượng, hiệu quả công tác một cách tốt nhất. Từng cán bộ, công chức thường xuyên nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thường xuyên bám sát thực tiễn cuộc sống, quan hệ mật thiết với quần chúng lao động để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, tổ chức đảng và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức một cách khoa học, kịp thời, có hiệu quả. Coi trọng tất cả các khâu, các bước của quá trình đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, công chức.
Ba là, các cấp ủy đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức. Qua hoạt động thực tiễn sẽ giúp người cán bộ, công chức kiểm tra trình độ, kiến thức, năng lực của mình, từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, để đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, khắc phục tệ quan liêu, bệnh chủ quan duy ý chí, thói kinh nghiệm chủ nghĩa đang còn tồn tại ở những mức độ khác nhau trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Bốn là, các cấp ủy đảng và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên làm tốt công tác quản lý cán bộ, công chức và coi trọng cả khâu tự quản lý của từng cán bộ, công chức, sự quản lý của tổ chức đảng. Khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức có thành tích tốt trong công tác, đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật những cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật.
Các biện pháp, nội dung nêu trên có mối liên hệ mật thiết tác động qua lại và bổ sung cho nhau. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, sẽ không coi nhẹ hoặc hạ thấp một biện pháp, nội dung nào. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Bình Thuận hiện nay là điều kiện quyết định để Bình Thuận góp phần cùng cả nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới, vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Cao Thái Hòa
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bình Thuận