Lào Cai là một tỉnh vùng cao, biên giới, có đường biên giới dài 182.086 km. Có 23 xã biên giới với 311 thôn, bản (trong đó có 82 thôn, bản giáp biên), có 14 dân tộc sinh sống: Kinh, Dao, Mông, Hà Nhì, Giáy, Nùng, Mường, Tu Dí, Phù Lá, Thu Lao, Tày, Pa Dí, La Chí. Dân số của các xã biên giới trên 68.000 người, trong đó dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ 17% còn lại là các dân tộc thiểu số.
Hiện nay, các xã biên giới đang thực hiện thí điểm mô hình “ban tuyên vận xã, phường, thị trấn và tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” theo Đề án của Tỉnh ủy. Đây là một sự tìm tòi góp phần vào nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của các xã biên giới thời gian qua.
Về tổ chức bộ máy, ban tuyên vận các xã biên giới gồm 7 thành viên. Trong đó, bí thư hoặc phó bí thư đảng ủy cơ sở làm trưởng ban; phó ban tuyên vận được lựa chọn từ công chức cấp xã như: văn phòng thống kê, địa chính, tư pháp - hộ tịch, đoàn thanh niên...; thành viên của ban tuyên vận được lựa chọn từ các chức danh: phó chủ tịch UBND xã, chủ tịch ủy ban MTTQ, bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội phụ nữ, hội nông dân... Tổ tuyên vận được thành lập theo thôn, gồm 3 thành viên, do bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn làm tổ trưởng; thành viên của các tổ tuyên vận thôn được lựa chọn từ các chức danh như: trưởng thôn, công an viên, trưởng ban công tác mặt trận....Cơ cấu trên không làm tăng biên chế, mà chuyển từ khối dân vận và ban tuyên giáo cơ sở trước đây thành ban tuyên vận xã và tổ tuyên vận thôn hiện nay. Các xã biên giới ở tỉnh Lào Cai đã thành lập được 23 ban tuyên vận với 161 thành viên, 311 tổ tuyên vận với 933 thành viên.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ ban tuyên vận của các xã biên giới có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc. Có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; đa số có trình độ từ sơ cấp lý luận chính trị trở lên. Thành viên các tổ tuyên vận thôn là những người gương mẫu, có uy tín và khả năng tuyên truyền, vận động tốt trong thôn, bản. Hằng năm, đội ngũ cán bộ ban tuyên vận xã, tổ tuyên vận thôn đều được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tại huyện để cập nhật, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, vận động ở cơ sở. Qua thực tiễn, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ này được nâng lên. Nhiều cán bộ ban tuyên vận của các xã biên giới trưởng thành nhanh. Một số cán bộ sau thời gian làm phó ban tuyên vận, đã được luân chuyển, bố trí vào các chức vụ cao hơn như: chủ tịch, phó chủ tịch UBND, phó bí thư đảng ủy xã... Đội ngũ cán bộ tuyên vận thôn thường xuyên được cập nhật thông tin, kiến thức, trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ, nên tinh thần trách nhiệm và hiệu quả trong tuyên truyền, vận động ở thôn, bản được nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên vận của các xã biên giới cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế: Kỹ năng biên soạn tài liệu, truyền đạt thông tin của một số phó ban tuyên vận còn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong triển khai nghị quyết, chỉ thị, nhiều đồng chí chỉ dừng lại ở việc đọc, nêu các sự kiện, chưa phân tích, lập luận, liên hệ gắn với thực tế ở địa phương, nên sức thuyết phục chưa cao. Mặt khác, năng lực tham mưu, khả năng điều hành, tổ chức các hoạt động của một số cán bộ ban tuyên vận còn hạn chế, chưa chủ động, sáng tạo và sát thực tiễn...
Nguyên nhân của những hạn chế này là do phần lớn đội ngũ phó ban tuyên vận còn trẻ, kinh nghiệm và sự hiểu biết thực tiễn chưa nhiều, chưa được đào tạo cơ bản về lý luận chính trị. Đa số đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên vận là kiêm nhiệm, nên việc đầu tư thời gian, trí tuệ cho công tác tuyên vận còn hạn chế. Một số phó ban tuyên vận phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên bị áp lực, quá tải trước nhiệm vụ được giao... Nguyên nhân cơ bản là công tác xây dựng đội ngũ làm công tác tư tưởng, dân vận ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức và chưa có cơ chế, chính sách phù hợp cho đội ngũ này hoạt động hiệu quả.
Qua những thành công và hạn chế từ thí điểm mô hình ban tuyên vận xã, phường, thị trấn và tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố ở các xã biên giới tỉnh Lào Cai thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ tuyên vận đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, trong đó, chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, sự am hiểu thực tiễn, trách nhiệm, tâm huyết với nghề với phương châm “nói hay, viết tốt và vận động hiệu quả”. Cán bộ tuyên vận phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh và uy tín trong nhân dân và trình độ chuyên môn, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Đây là những yêu cầu, tiêu chuẩn quan trọng, để có thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ở các xã biên giới trong tình hình hiện nay. Cán bộ ban tuyên vận ở các xã biên giới phải có khả năng nói, viết, phân tích, tổng hợp, dự báo, biết ứng dụng công nghệ thông tin, am hiểu thực tiễn, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc và có năng lực tham mưu giúp cấp ủy hướng dẫn, triển khai, chỉ đạo kiểm tra các hoạt động tư tưởng, dân vận trên địa bàn xã.
Hai là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng đội ngũ làm công tác tuyên vận ở cơ sở. Trong đó, quan tâm tạo nguồn đội ngũ phó ban tuyên vận chuyên trách, không nên bố trí kiêm nhiều công việc để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Để tạo nguồn cán bộ, cấp ủy các cấp cần quan tâm đội ngũ cán bộ, công chức có khả năng tuyên truyền, vận động tốt đưa đi đào tạo tại Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện hằng năm. Cần đào tạo cán bộ trước khi bổ nhiệm chức vụ phó ban tuyên vận và đào tạo cán bộ phải gắn với bố trí, sử dụng cán bộ.
Ba là, đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tư tưởng, dân vận cho cán bộ làm công tác tuyên vận ở cơ sở. Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ tại huyện, cần mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về công tác tư tưởng, dân vận tại Trường Chính trị tỉnh để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ban tuyên vận ở cơ sở. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng chú trọng những kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành. Quan tâm tổ chức tập huấn chuyên đề, nhất là các chuyên đề về công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao nhân dân giúp cán bộ ban tuyên vận của các xã biên giới có thể tham mưu tốt cho cấp ủy về các hoạt động thông tin đối ngoại, ngoại ngoại giao nhân dân trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ.
Bốn là, có chính sách đối với đội ngũ cán bộ ban tuyên vận xã. Hiện nay chức danh phó ban tuyên vận xã chưa có trong quy định, vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu và bổ sung chức danh phó ban tuyên vận xã trong hệ thống chính trị ở cơ sở và có chính sách phù hợp để động viên đội ngũ cán bộ ban tuyên vận xã, tổ tuyên vận thôn hoạt động hiệu quả.
Ngô Thanh Hữu
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Khương, tỉnh Lào Cai