Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía bắc, diện tích tự nhiên 5.870km2, dân số trên 76 vạn người với 22 dân tộc. Toàn tỉnh có 6 huyện và 1 thành phố với 141 xã, phường, thị trấn, 2.096 thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 37 xã, 78 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Đảng bộ tỉnh có 11 đảng bộ trực thuộc, 492 TCCSĐ (258 đảng bộ cơ sở và 234 chi bộ cơ sở) với 51.275 đảng viên.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" và "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém""; đồng thời, xuất phát từ vị trí quan trọng của cơ sở, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (cơ sở) nói riêng - những người trực tiếp tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn.
Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở của tỉnh không ngừng được củng cố, từng bước nâng chất lượng và hiệu quả hoạt động. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành chuyển biến tích cực; bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, đoàn kết, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị ở địa phương.
Tính đến 31-7-2016, tổng số cán bộ, công chức cơ sở của tỉnh là 2.823 người. Cán bộ cơ sở 1.420 người, trong đó, nữ chiếm 24,5%, dân tộc thiểu số chiếm 56%; trình độ chuyên môn trên đại học 0,3%, cao đẳng 3,1%, đại học 48,4%, trung cấp 45%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 0,7%, trung cấp 89,2%; được bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước chương trình chuyên viên và tương đương trở lên 61,3%, chưa qua bồi dưỡng 38,7%.
Công chức cơ sở có 1.403 người, nữ chiếm 36,2%, dân tộc thiểu số 54,2%; trình độ chuyên môn trên đại học 0,5%, đại học 51,4%, cao đẳng 6,8%, trung cấp 39,7%; được bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chiếm 54,1%.
Số lượng cấp ủy viên cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020 có 2.029 người, trong đó nữ chiếm 25,9%, trẻ tuổi (từ 18-35 tuổi) chiếm 21,7%. Trình độ học vấn THCS 5,1%, THPT 94,9% (nhiệm kỳ trước tỷ lệ tương ứng là 10,9% và 88,9%). Trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng 49,4%, trung cấp 41,5% (nhiệm kỳ trước tỷ lệ tương ứng là 29,4% và 54,4%); lý luận chính trị: cử nhân, cao cấp 0,5%, trung cấp 77,5%, sơ cấp 19,7% (nhiệm kỳ trước tỷ lệ tương ứng là 0,2%; 72,6% và 19,9%).
Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở ở Tuyên Quang còn có những hạn chế, bất cập. Tỷ lệ cán bộ chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chiếm 3,2%, công chức 1,7%; cán bộ chưa được đào tạo lý luận chính trị chiếm 10,1%, chưa được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước 38,7%, công chức chưa được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước 45,9%… Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Khả năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên có lúc, có việc còn lúng túng. Hạn chế trong giải quyết một số vấn đề phức tạp nảy sinh, tính chủ động chưa cao.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, xây dựng tiêu chuẩn, từng bước chuẩn hóa cán bộ, công chức cơ sở. Có kế hoạch “dài hơi” xây dựng chiến lược cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, bao gồm các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức phải toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực công tác, đổi mới tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp, thái độ ứng xử đúng mực, văn minh, thực sự là những “công bộc” của dân, vì nhân dân phục vụ.
Hai là, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ. Đây là giải pháp cơ bản, lâu dài, bởi nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở chủ yếu lấy từ nguồn tại chỗ. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần lãnh đạo thực hiện tốt khâu quy hoạch, bảo đảm thực hiện đúng các phương châm, nguyên tắc, có nguồn cán bộ dồi dào, bảo đảm chất lượng và cơ cấu.
Cán bộ được quy hoạch vào các chức danh chủ chốt ở cơ sở trước hết phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch cán bộ phải được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình và tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn của từng chức danh, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Hằng năm, trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt phải tiến hành rà soát đánh giá, đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện và bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới có năng lực, triển vọng phát triển.
Ba là, gắn xây dựng và thực hiện quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh với các hình thức phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch cán bộ trong thực tiễn. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất chính trị, cập nhật những vấn đề mới về lý luận, thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, xử lý tình huống gắn với cương vị và chức trách cán bộ. Đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Nâng cao ý thức tự học trong cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Bốn là, đẩy mạnh công tác luân chuyển, biệt phái cán bộ trẻ từ tỉnh, huyện, thành phố về xã, phường và bố trí đảm nhận các chức danh chủ chốt để đào tạo, rèn luyện. Gắn luân chuyển với đánh giá, bố trí, sử dụng. Tăng cường sử dụng cán bộ trẻ có năng lực và trình độ; có lòng nhiệt huyết cống hiến cho quê hương.
Năm là, các cấp ủy đảng, nhất là cấp huyện cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở. Chú trọng kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, kịp thời phát hiện, uốn nắn những hạn chế, thiếu sót, lệch lạc như "lấn sân" hoặc buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền cơ sở. Gắn trách nhiệm của các đồng chí được phân công phụ trách xã giúp cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở cơ sở. Thực hiện tốt cơ chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.
Trịnh Ngọc Tân
TUV, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang