Quảng Bình quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình trao quyết định và tặng hoa các đồng chí được bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, ngày 7-3-2016.
Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định chủ đề năm 2016 là: “Tăng cường xiết chặt kỷ luật kỷ cương, biến lời nói thành hành động”. Đây cũng là phương châm hành động của Tỉnh ủy xuyên suốt nhiệm kỳ 2015-2020, nhằm từng bước đem lại niềm tin cho nhân dân, khắc phục ngay những khuyết điểm, hạn chế, nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là của người đứng đầu, giải quyết tốt nhất, nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất các công việc của người dân và doanh nghiệp, quyết tâm đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ quyết tâm đó, ngày 3-3-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Quy định số 01-QĐ/TU về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Quy định áp dụng đối với các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (bao gồm cả cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy quản lý). Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị ký cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với cấp trên trực tiếp vào đầu nhiệm kỳ, ký cam kết khi được bổ nhiệm, được bầu giữ chức vụ đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, quy định trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trên hai phương diện: Trách nhiệm bản thân (về tư tưởng chính trị; về phẩm chất đạo đức, lối sống; về thực hiện chức trách, nhiệm vụ; về ý thức tổ chức kỷ luật) và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị với các tiêu chí cụ thể.

Quy định cụ thể việc xử lý người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu thiếu trách nhiệm hoặc chưa hoàn thành trách nhiệm được giao như việc người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu thiếu tinh thần trách nhiệm làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín, danh dự của cơ quan, địa phương, đơn vị; để xảy ra sai sót, khuyết điểm, tùy theo mức độ gây hậu quả, sẽ bị xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, dân sự theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc có dư luận được xác minh, kết luận người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu có biểu hiện cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, để vợ, chồng, con tham gia những việc làm ảnh hưởng đến trách nhiệm bản thân thì tiến hành điều chuyển, bố trí công tác khác; suy thoái về tư tưởng chính trị; vi phạm đạo đức, lối sống, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật; vi phạm Điều lệ và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật (chưa đến mức cách chức); trong năm không hoàn thành nhiệm vụ, giải quyết công việc chậm trễ, ách tắc, nhũng nhiễu hoặc để cán bộ cấp dưới nhũng nhiễu, hiệu quả công việc thấp, không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đề ra trong năm; trong năm không thực hiện đúng cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 1 năm hoạt động cầm chừng, không có chuyển biến tiến bộ so với năm trước hoặc thực hiện nhiệm vụ được giao chậm tiến độ nhiều lần, có hệ thống; có từ 1/3 số phiếu trở lên của hội nghị cán bộ cốt cán đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ thì khuyến khích từ chức hoặc tiến hành miễn nhiệm, điều chuyển, bố trí công tác khác. Đồng thời, nếu để cấp dưới vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước thì phải liên đới chịu trách nhiệm và tùy theo mức độ vi phạm, tiến hành điều chuyển, bố trí công tác khác.

Bên cạnh đó, khi thực hiện thực hiện quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm, nếu có từ 1/3 số phiếu trở lên của cán bộ cốt cán dự hội nghị ghi phiếu ở mức tín nhiệm thấp thì tiến hành điều chuyển, bố trí công tác khác. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm về trách nhiệm. Hằng năm, thông qua việc kiểm điểm, đánh giá cán bộ, đảng viên, nếu phát hiện người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu có vi phạm thì xem xét để xử lý trách nhiệm. Đối với những trường hợp cán bộ không thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (trưởng phòng, phó trưởng phòng hoặc tương đương, chuyên viên...), nếu phát hiện có vi phạm thì Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với những cán bộ đó và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải liên đới chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy. Khi vụ việc sai phạm xảy ra hoặc khi có kết luận điều tra, quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật; kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... của cơ quan có thẩm quyền thì cấp có thẩm quyền xác định tính chất, mức độ, hậu quả của vụ việc và xác định trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để chỉ đạo kiểm điểm, xem xét, xử lý trách nhiệm hoặc kiến nghị hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu liên quan đến trách nhiệm để xảy ra vụ, việc sai phạm đó.

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành bỏ phiếu kín để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu; tiến hành miễn nhiệm, điều chuyển hoặc phân công công tác khác đối với cán bộ có 1/3 số phiếu trở lên đánh giá ở mức hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ cốt cán hoặc hội nghị cấp ủy (đối với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy), tiến hành bỏ phiếu kín để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với cấp phó của người đứng đầu; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy miễn nhiệm, điều chuyển hoặc phân công công tác khác đối với cán bộ có 1/3 số phiếu trở lên đánh giá ở mức hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu mà bản thân hoặc để cơ quan, địa phương, đơn vị mình có hành vi vận động, lôi kéo, hoặc có những tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm, hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại đến uy tín tập thể, uy tín cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý, cán bộ thuộc các bộ, ngành Trung ương quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Căn cứ quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan, địa phương, đơn vị xây dựng quy định trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc diện cấp mình quản lý; đồng thời tổ chức phổ biến, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, đơn vị biết, giám sát và theo dõi. Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết, là bước tiến mới trong công tác cán bộ nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đây là cách làm sáng tạo với mục đích tăng cường xiết chặt kỷ luật, kỷ cương; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, từng bước soát xét, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến tích cực và sức bật mới trong công tác cán bộ. Đây cũng là lần đầu tiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành quy định để làm cơ sở, căn cứ xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tạo sự ràng buộc trách nhiệm chính trị và pháp lý đối với cán bộ các cấp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất