Tỉnh, thành ủy vùng duyên hải miền Trung lãnh đạo phát triển nhân lực khoa học, công nghệ
Ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao theo nhu cầu xã hội giữa lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ban hành nghị quyết, chương trình hành động về phát triển NL KH-CN. Để có nguồn NL KH-CN đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các tỉnh, thành ủy trong vùng đã ban hành các nghị quyết hoặc chương trình hành động về phát triển nguồn nhân lực (trong đó có phát triển NL KH-CN). Tỉnh uỷ Bình Định từ 2001-2011 đã ban hành ba chương trình hành động phát triển nguồn nhân lực (Chương trình hành động số 10-Ctr/TU; Chương trình hành động số 11-Ctr/TU và Chương trình hành động số 08-Ctr/TU). Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong 4 năm 2007-2011 đã đề ra hai nghị quyết (Nghị quyết số 06-NQ/TU và Nghị quyết số 05-NQ/TU). Từ 2006-2011, Tỉnh ủy Phú Yên ban hành 2 chương trình hành động (Chương trình hành động số 08-CTr/TU và Chương trình hành động số 07-Ctr/TU)...

Tập trung lãnh đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, các tỉnh, thành ủy đã tập trung lãnh đạo các đảng bộ trực thuộc xây dựng chương trình hành động để lãnh đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc thực hiện nghị quyết; lãnh đạo mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, giáo dục, động viên đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức tích cực thực hiện nghị quyết; đồng thời thực hiện chức năng giám sát chính quyền thực hiện nghị quyết, chính sách đề ra.

Các tỉnh, thành ủy đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền tỉnh cụ thể hóa bằng các chiến lược, quy hoạch, đề án và thể chế hóa ban hành các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển NL KH-CN. Đến nay UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, làm cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển NL KH-CN. Đáng chú ý là quy hoạch phát triển khoa học và công nghê của các tỉnh đã lượng hóa được mục tiêu cụ thể về phát triển NL KH đến năm 2020, đây là cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo và thu hút NL KH-CN, ví như tỉnh Khánh Hòa đề ra mục tiêu đến 2020 “Gia tăng số cán bộ nghiên cứu và phát triển đạt 12 đến 14 người/một vạn dân... đến năm 2020 có khoảng 2.000 kỹ sư theo tiêu chuẩn quốc tế”[1]; tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề ra mục tiêu tương ứng “Đến năm 2020, tỷ lệ nhân lực khoa học công nghệ trên dân số đạt 2%, trong đó nhân lực trình độ cao (có bằng thạc sĩ trở lên) chiếm 10%”[2], cụ thể “đến năm 2020 số cán bộ khoa học và công nghệ đạt 11-12 người/một vạn dân”[3]; Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Bình đề ra mục tiêu “Tập trung đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đủ về số lượng, có chất lượng cao, đạt tương đương trình độ các nước trong khu vực”[4].

UBND các tỉnh, thành phố đã và đang triển khai thực hiện nhiều đề án phát triển nguồn nhân lực (trong đó có NL KH-CN) đạt được nhiều kết quả. Có thể kể đến như Quảng Ngãi đã có 3 đề án (Đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2015; Đề án đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 và đáng chú ý nhất là Đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020), thực hiện 3 đề án trên, từ 2007-2015 Quảng Ngãi đã đào tạo được 728 thạc sĩ (thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I) và 45 tiến sĩ (tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II)[5]. Tỉnh Bình Định có đề án đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, thực hiện đề án này từ 2006-2015, Bình Định đã đào tạo được 20 tiến sĩ, 505 thạc sĩ, 78 bác sĩ chuyên khoa II, 235 bác sĩ chuyên khoa I và 7.301 đại học[6]. Đà Nẵng là địa phương thực hiện khá nhiều đề án như: dự án 151 “Đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước cho học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn”, với dự án này đã có 115 học sinh được hỗ trợ học đại học bằng ngân sách Nhà nước; Dự án 32, Đề án 47 “Về hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ngoài nước bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng”, và đã có 259 người tham gia; Đề án 393 “Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài”, sau 3 năm triển khai thực hiện đã có 73 lượt người được cử đi đào tạo tại 34 trường ở 9 nước, trong đó 18 tiến sĩ và 55 thạc sĩ[7]; Đề án 922 “Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, tính đến 10-11-2013 đã có 585 lượt người tham gia đề án, trong đó 373 học đại học, 102 học sau đại học (83 thạc sĩ, 19 tiến sĩ); 110 học viện học theo Kế hoạch tuyển chọn đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú[8].

Sử dụng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NL KH-CN. Tỉnh, thành ủy đưa ra những chủ trương định hướng, trên cơ sở đó, lãnh đạo UBND tỉnh, các tổ chức khoa học và công nghệ ban hành các cơ chế, chính sách đổi mới công tác sử dụng, đãi ngộ NL KH-CN. UBND tỉnh đã ban hành quy định để tập hợp, phát huy vai trò của trí thức KH-CN tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội; tiến hành nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học cung cấp luận cứ khoa học, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương… Ngoài chế độ tiền lương, còn có một số chính sách đối với NL KH-CN như chính sách khen thưởng đối với những người có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; nâng lương trước thời hạn đối với những người đạt thành tích cao trong công tác; chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu nhằm tận dụng chất xám đối với những người có học hàm, học vị; bố trí phòng làm việc và trang bị phương tiện cho các giáo sư, phó giáo sư không tham gia công tác quản lý.

Đầu tư ngân sách và thu hút nhân lực chất lượng cao. Các tỉnh, thành ủy đã chỉ đạo chính quyền bố trí ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương cấp ngân sách hằng năm qua các chương trình dự án đầu tư cho địa phương. Tỉnh, thành ủy cho chủ trương về xã hội hóa và chỉ đạo UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân; kêu gọi các nhà hảo tâm, khuyến khích các cá nhân tự tìm kiếm học bổng hoặc tự bỏ kinh phí để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. Các tỉnh, thành phố trong vùng đều đã có chính sách thu hút các đối tượng như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I và II, dược sĩ chuyên khoa I và II, bác sĩ nội trú, sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi, xuất sắc những chuyên ngành mà địa phương có nhu cầu. Theo từng giai đoạn, UBND các tỉnh, thành phố đã bổ sung, sửa đổi các quy định về chính sách thu hút theo hướng nâng mức hỗ trợ ban đầu và các chính sách ưu tiên…

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết phát triển NL KH-CN của một số địa phương chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Nhiều quan điểm, chủ trương đúng đắn được các nghị quyết của tỉnh, thành ủy đề ra nhưng chưa được chính quyền tỉnh cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, chính sách cụ để thực hiện. Một số cấp ủy đảng trực thuộc, cấp ủy đảng trong các tổ chức KH&CN chưa quyết liệt tập trung lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức KH&CN xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của tỉnh, thành ủy. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển NL KH-CN còn bộc lộ một số khuyết điểm, hạn chế. Công tác quy hoạch NL KH-CN chưa được tiến hành đồng bộ, khoa học. Công tác đào tạo thiếu kế hoạch, còn chắp vá, tự phát. Thực hiện chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao vẫn còn những hạn chế, bất cập. Các chính chưa thật sự đề cập rõ việc bố trí, sử dụng, quan tâm tạo các nguồn lực cần thiết để nhân lực chất lượng cao phát huy tài năng, trí tuệ.  Các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ chưa tích cực, chủ động tìm người giỏi. Công tác sử dụng, đãi ngộ, tạo môi trường điều kiện làm việc cho KH-CN còn nhiều hạn chế, bấp cập. Chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và trọng dụng NL KH-CN, nhất là những người có học hàm, học vị, các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao. Công tác kiểm tra, giám sát của các tỉnh, thành ủy đối với các cấp ủy trực thuộc trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết phát triển nhân lực chưa thường xuyên, kịp thời, còn lúng túng...

Từ thực tiễn các tỉnh, thành ủy lãnh đạo phát triển NL KH-CN, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, phát huy trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm, tính năng động của các tỉnh, thành ủy, luôn quán triệt và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và quy chế làm việc, mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể BCH, BTV trong quá trình xây dựng các nghị quyết, quyết định về phát triển NL KH-CN. 

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, nghị quyết của tỉnh, thành ủy về phát triển NL KH-CN.

Ba là, phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào quá trình phát triển NL KH-CN. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các tổ chức khoa học và công nghệ.

Bốn là, các tỉnh, thành ủy coi trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, từ đó nêu cao được trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết phát triển NL KH-CN.

Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa và mở rộng hợp tác quốc tế; tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương, nhất là về chủ trương, cơ chế, chính sách cũng như cấp ngân sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các địa phương. Tăng cường mở rộng hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trên thế giới để chuyển giao công nghệ, thu hút nguồn vốn của nước ngoài, học tập kinh nghiệm của các nước qua đó để đào tạo NL KH-CN.

ThS. Trần Văn Phương


[1] UBND tỉnh Khánh Hòa: Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 743/QĐ-UBND, ngày 28/3/2014.

[2] UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Chương trình phát triển khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 ban hành theo Quyết định sô 617/QĐ-UBND, ngày 27/2/2007

[3] Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (khóa XIV) về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

[4] UBND tỉnh Quảng Bình: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số 35/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009.

[5] Tổng hợp số liệu từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (khóa XVIII) về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

[6] Ban Tổ chức tỉnh ủy Bình Định: Báo cáo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trình độ cao tỉnh Bình Định.

[7] Thành ủy Đà Nẵng: Báo cáo số 191-BC/TU về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thu hút, sử dụng nhân tài tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006-2010       

[8] Thành ủy Đà Nẵng: Báo cáo tổng kết công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng từ 1998 đến nay.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất