Thực trạng
Đảng bộ tỉnh Nghệ An hiện có 28 đảng bộ trực thuộc (gồm 21 đảng bộ huyện, thành, thị; 2 đảng bộ khối; 3 đảng bộ lực lượng vũ trang và 2 TCCSĐ trực thuộc được giao một số quyền cấp trên cơ sở) với 1.422 TCCSĐ, 195.058 đảng viên. Cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý có 327 đồng chí, cán bộ diện BTV cấp ủy huyện và tương đương quản lý có 6.401 đồng chí; cán bộ thuộc diện giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành trực tiếp quản lý có 753 đồng chí; cấp ủy tỉnh có 61 đồng chí, cấp ủy cấp trên cơ sở có 879 đồng chí, cấp ủy cơ sở có 10.389 đồng chí (số liệu tính đến 30-6-2022).
Tính đến đầu năm 2022, có 57.234 cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) đang làm việc (1.710 cán bộ thuộc các cơ quan khối đảng, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy), trong đó cấp tỉnh là 440 cán bộ, cấp huyện và tương đương là 1.270 cán bộ; các cơ quan khối nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là 55.524 cán bộ (cấp tỉnh 15.435, cấp huyện 40.089, cấp xã 9.677 cán bộ, công chức). Số lượng CB, CC, VC lớn, có sự khác biệt về vùng miền, điều kiện kinh tế - xã hội nên việc quản lý đội ngũ này ở Nghệ An có nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức.
Thời gian qua, cấp ủy các cấp tỉnh Nghệ An đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý CB, CC, VC đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong sạch, xây dựng chính quyền vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
|
Nhiều cán bộ, công chức ở Nghệ An bị tạm đình chỉ công tác do liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.
|
Từ ngày 19-5-2018 đến ngày 30-10-2022, tại Nghệ An có 57 CB, CC, VC bị tạm định chỉ công tác, trong đó có 22 CB, 28 CC, 7 VC. Cả 57 CB, CC bị tạm định chỉ công tác đều do người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị ra quyết định. Qua tổng hợp báo cáo từ các đơn vị cho thấy, việc tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC với các lý do cụ thể sau: Bị bắt, tạm giam theo quyết định của tòa án, viện kiểm sát để phục vụ công tác điều tra theo quy định của pháp luật 16 người; bị khởi tố bị can 16 người (trong đó 14 người lạm dụng chiếm đoạt tài sản, liên quan đến Luật Đất đai, 1 người giả mạo giấy tờ, 1 người vi phạm pháp luật khác); lợi dụng chức vụ, quyền hạn (theo thẩm quyền của người đứng đầu) 3 người liên quan đến vi phạm chính sách đất đai và chính sách khác; làm rõ trách nhiệm, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao (theo thẩm quyền của người đứng đầu) 15 người, trong đó 9 người liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, 6 người liên quan đến việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao (tồn đọng công việc…); vi phạm quy định khác của pháp luật (theo thẩm quyền của người đứng đầu) 7 người (1 người đánh bạc ăn tiền, 1 người vi phạm luật giao thông đường bộ, 1 người có hành vi xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm người khác, 3 người vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, 1 người vi phạm giờ hành chính).
Có thể thấy, thời gian qua phần lớn đội ngũ CB, CC, VC ở Nghệ An đã thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên việc tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC có số lượng ít, tỷ lệ thấp (57/57.234 người, chiếm tỷ lệ 0,099%). Tại một số cơ quan, đơn vị khi phát hiện CB, CC, VC có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (tự phát hiện hoặc do cơ quan công an, thanh tra phát hiện) người đứng đầu đã chủ động, kịp thời ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác để xem xét, xử lý kỷ luật hoặc phục vụ công tác điều tra… Việc tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC do người đứng đầu quyết định và được thực hiện đúng quy định; trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác vẫn được hưởng các quyền lợi, chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Việc tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC tuy có tác động về tâm tư, tình cảm, tư tưởng và làm gián đoạn việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ theo vị trí việc làm được giao nhưng có ý nghĩa giáo dục, thuyết phục và khắc phục hạn chế, thiếu sót, đồng thời nâng cao trách nhiệm về kết quả việc thực thi công vụ, nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xem xét, xử lý kỷ luật; phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử… Việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác của người đứng đầu đối với CB, CC, VC (để xem xét, xử lý kỷ luật; trong thời gian tạm giam, tạm giữ phục vụ công tác điều tra, truy tố…) được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định (100% CB, CC, VC bị đình chỉ công tác đều do người đứng đầu ra quyết định bằng văn bản; trong văn bản đều thể hiện các thông tin về chủ thể bị tạm đình chỉ công tác, thời hạn, thời hiệu, hiệu lực của quyết định tạm đình chỉ; quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người bị tạm đình chỉ công tác). Người đứng đầu chấp hành nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không có tình trạng lạm quyền, thể hiện vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC (giao cho cơ quan, bộ phận làm công tác tổ chức, cán bộ xác minh, kiểm tra và tham mưu xử lý; trao đổi, bàn bạc...). Khi có căn cứ (căn cứ tính chất, mức độ của từng trường hợp cụ thể…) ra quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý CB, CC, VC quyết định tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC.
Việc quyết định tạm đình chỉ công tác CB, CC, VC còn gặp bất cập do các văn bản hiện nay chỉ quy định 2 trường hợp (đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật; trong thời gian tạm giam, tạm giữ phục vụ công tác điều tra, truy tố). Tuy nhiên, trong thực tế cần thực hiện việc tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC trong một số tình huống phát sinh có dấu hiệu vi phạm, hành vi vi phạm khác sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao hoặc tương lai sẽ có hành vi vi phạm liên quan đến việc thực thi công vụ, nhiệm vụ theo vị trí, việc làm của CB, CC, VC và hậu quả bất lợi có thể xảy ra gây thiệt hại cho cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức, cá nhân khác. Hiện nay có nhiều văn bản quy định về tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC và thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC (các quy định của Đảng và các văn bản luật, như Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Nghị định số 59/2013/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng…) nên dẫn đến việc xác định hành vi và căn cứ áp dụng quy định có sự chưa thống nhất đồng bộ. Một số quy định còn chung chung, chưa cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; quy trình, thủ tục để ra quyết định tạm đình chỉ, quy định cụ thể, chi tiết về các hành vi vi phạm có thể tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC. Một số người đứng đầu chưa kịp thời nắm bắt tư tưởng, thông tin, hành vi của CB, CC, VC có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Kiến nghị
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC theo chúng tôi cần phải:
Một là, cần có một văn bản quy định rõ về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC, vì quyết định của người đứng đầu sẽ tạo ra một kết quả pháp lý ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của CB, CC, VC. Việc quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu giúp họ thực hiện tốt hơn công việc quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm, tránh lạm quyền trong việc tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC thuộc quyền quản lý. Ngoài ra, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp và cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc quản lý CB, CC, VC trong thời gian tạm đình chỉ công tác.
Hai là, có quy định chi tiết những hành vi, dấu hiệu nào của CB, CC, VC cần phải tiến hành ra quyết định tạm đình chỉ công tác. Ngoài những trường hợp hiện nay được quy định trong các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cần bổ sung thêm một số trường hợp đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC có hành vi vi phạm không liên quan đến việc thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao (vi phạm các quan hệ pháp luật khác, không thuộc phạm vi trách nhiệm của việc thực thi công vụ, nhiệm vụ theo vị trí việc làm của CB, CC, VC) nhưng nếu tiếp tục làm việc sẽ gây hậu quả bất lợi hoặc có khả năng gây thiệt hại cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác.
Ba là, làm rõ quy trình, thủ tục để thực hiện việc tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC với phương châm, nguyên tắc rõ ràng, khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Bốn là, Trung ương cần nghiên cứu ban hành quy trình thực hiện việc tạm đình chỉ công tác tác đối với CB, CC, VC. Nắm bắt tình hình tư tưởng, xác minh hành vi nếu tiếp tục để làm việc có thể có hành vi vi phạm quy định và gây hậu quả bất lợi cho cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức, cá nhân khác; thành lập hội đồng đánh giá, xem xét sự cần thiết của việc tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC; căn cứ trên kết quả đánh giá và đề xuất sự cần thiết của việc tạm đình chỉ của hội đồng đánh giá, người đứng đầu ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC; công khai quyết định tạm đình chỉ công tác đối với CB, CC, VC (nêu rõ thời hiệu, thời hạn, phạm vi công việc bị tạm đình chỉ cho những người liên quan được biết); trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp và cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc quản lý cán bộ, công chức viên chức trong thời gian tạm đình chỉ công tác.
Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An
Nguyễn Chí Cương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An