Thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức dự bị ở Hưng Yên

Theo khảo sát, đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã ở Hưng Yên hiện có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bậc CĐ, ĐH chiếm tỷ lệ thấp. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 27-4-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 03/2009/QĐ-UBND ngày 11-3-2009 về thu hút sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn.

Căn cứ nội dung Đề án và Hướng dẫn của Sở Nội vụ, các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có nguyện vọng về cấp xã công tác nộp hồ sơ dự tuyển. Sau hơn một năm triển khai thực hiện giai đoạn 1 (6-2009 - 12-2010) của Đề án, bước đầu đã đạt được kết quả khích lệ:

 

Tính đến 31-12-2010, toàn tỉnh đã xét tuyển được 106 người (7 người xin không nhận việc do có nhu cầu xin việc nơi khác), còn 99 người được tuyển dụng có các chuyên ngành đào tạo: Kinh tế, tài chính 26 người; nông nghiệp, đất đai 28, luật, hành chính 11, văn hóa-xã hội 25, lĩnh vực khác 9.

 

Phân công đảm nhận các chức danh công chức dự bị và cán bộ không chuyên trách

Số cử nhân tuyển dụng được phân công: Đảm nhận chức danh công chức cấp xã 94 người (tài chính-kế toán 13, địa chính-xây dựng 24, văn hóa-xã hội 36, văn phòng-thống kê 12, tư pháp-hộ tịch 9), chức danh cán bộ không chuyên trách 5 người (Văn phòng Đảng ủy 2, dân số, gia đình và trẻ em 2, cán bộ đài truyền thanh 1).

Các cử nhân được tuyển dụng đều có trình độ đại học chính quy, có kiến thức cần thiết để làm tốt nhiệm vụ công chức cấp xã. Sau khi được tuyển dụng và phân công công tác, hầu hết sinh viên đều yên tâm công tác, nhiệt tình với công việc, luôn có ý thức học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ có thời gian công tác lâu năm tại địa phương nhằm tích lũy kinh nghiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ cán bộ này đã hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã trong quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu xây dựng bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Có thể khẳng định, đây là chủ trương, chính sách đúng đắn của tỉnh Hưng Yên, bổ sung cho cơ sở những cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ; bảo đảm bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 92-NĐ/CP của Chính phủ; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nói chung và mỗi địa phương trong tỉnh nói riêng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn bộc lộ một số hạn chế: Một số địa phương chưa tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án, nhất là công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, hiệu quả của Đề án nên kết quả đạt thấp.

Lãnh đạo một số xã, phường, thị trấn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tác dụng của việc sử dụng đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ đại học đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã, còn có tư tưởng cục bộ, địa phương. Một số địa phương, việc bố trí, sắp xếp và giao việc cho công chức dự bị còn lúng túng. Có địa phương phân công công chức dự bị đảm nhiệm những công việc không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo hoặc phân công không cụ thể dẫn đến tình trạng người được tuyển dụng chưa thực sự yên tâm công tác, chưa động viên, tạo môi trường cho họ phấn đấu.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất