Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV

Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ: Nền kinh tế ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao; thu hút đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng có nhiều tiến bộ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 14,51%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 753 USD. Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đạt 865 tỷ đồng, vượt 44% mục tiêu. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 14.586 tỷ đồng, tăng 2,4 lần và chi ngân sách cho đầu tư phát triển đạt 5.923 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với giai đoạn 2001-2005. Nông-lâm nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,45%/năm. Độ che phủ của rừng từ 65,5% lên 67,8%. Công nghiệp-xây dựng tăng trưởng bình quân 25,19% năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 60 triệu USD, bằng 200% mục tiêu đề ra…

Văn hoá-xã hội có chuyển biến tích cực; các yếu tố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm đầu tư. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo được chú trọng thực hiện (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 38,63% xuống còn khoảng 16,5%). Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Hệ thống trường lớp, cơ sở đào tạo ngày càng mở rộng; đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 21% lên 33,5%. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ tăng từ 40% lên 55,7%; y tế dự phòng được triển khai tích cực… Một số công trình văn hoá, phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng. Lễ hội văn hoá tiêu biểu của 6 dân tộc bản địa đã được phục dựng.

Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại được tăng cường. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được hình thành và phát huy tác dụng tốt. Sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng được nâng cao…

Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai thực hiện nghiêm túc. Kết nạp đảng viên mới vượt 24,31% so với mục tiêu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, phường, thị trấn được đẩy mạnh và có cách làm sáng tạo. Tình trạng hẫng hụt cán bộ kế cận là nữ, dân tộc thiểu số dần được khắc phục. Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được tăng cường. Khối đại đoàn kết các dân tộc được giữ vững; mặt trận và các đoàn thể chính trị được củng cố, kiện toàn, hướng hoạt động về cơ sở hơn. Hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp được nâng lên rõ rệt; năng lực điều hành, tổ chức thực hiện của UBND và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được nâng cao. Thái độ quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức được chấn chỉnh một bước. Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ tiếp tục có sự đổi mới.

Báo cáo cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Kinh tế phát triển chưa bền vững, mới phát triển theo chiều rộng, chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế không đạt mục tiêu đề ra. Quy hoạch, quản lý và khai thác đất đai, rừng, khoáng sản, tài nguyên nước còn nhiều yếu kém. Nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao. Kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể hoạt động còn yếu và lúng túng. Ba vùng kinh tế động lực phát triển chậm; năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp. Tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư còn chậm, kéo dài nhiều năm. Chất lượng giáo dục, đào tạo chưa cao, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế không đạt mục tiêu đề ra. Mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân chậm được nâng lên và không đều. Thiết chế văn hoá chưa được đầu tư đúng mức và thiếu đồng bộ. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo còn diễn biến phức tạp. Phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp uỷ, tổ chức đảng ở một số nơi chưa thật sự đổi mới. Nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động của mặt trận, các đoàn thể chưa thật sự phù hợp; tỷ lệ tập hợp quần chúng còn thấp. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" chưa thật sự đi vào chiều sâu.

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Trương Tấn Sang nêu rõ: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010-2015 có nhiệm vụ hết sức quan trọng, là một trong 10 đảng bộ được Ban Bí thư chọn điểm bầu trực tiếp bí thư. Kết quả đại hội không những tạo tiền đề vững chắc phát triển mọi mặt tỉnh nhà mà còn cung cấp cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng.

Đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá: Năm năm qua, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, bão lũ và tác động tiêu cực khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp được xây dựng, đi vào hoạt động, tạo giá trị sản xuất tăng gấp 6 lần so với năm 2005. Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cà phê, cao su, nguyên liệu giấy được mở rộng. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước có nhiều tiến bộ. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn. Đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng-an ninh được giữ vững. Quan hệ hữu nghị hợp tác với các tỉnh giáp biên của nước bạn Lào và Căm-pu-chia được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, đạt kết quả tích cực. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác cán bộ được đổi mới. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được kết quả bước đầu. Năng lực lãnh đạo trong các tổ chức đảng được nâng lên.

Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Kon Tum có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, xã hội, trong thời gian tới, đảng bộ cần tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Trung ương, chính sách của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, dự án lớn. Làm tốt công tác qui hoạch và sử dụng quy hoạch rừng, khoáng sản. Phát triển toàn diện nông-lâm-thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Khai thác có hiệu quả các hồ thủy điện, thủy lợi để nuôi trồng thủy sản. Thống kê rừng sản xuất, trồng rừng sản xuất hàng hóa. Tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ và triệt để, thu hút mọi nguồn vốn trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển, xem đây là khâu đột phá. Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Sớm chấm dứt việc khai thác xuất khẩu sản phẩm thô, gây ô nhiễm môi trường. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, doanh nghiệp cổ phần, các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp. Phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền tảng cho sự phát triển vững chắc. Khôi phục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Giải quyết tốt việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo, chống tái nghèo. Đến năm 2015 thực hiện đạt và vượt 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đi đôi với chống tái nghèo. Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới y tế. Quan tâm hơn nữa các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra bất ngờ, bị động trong mọi tình huống. Kiên quyết loại trừ ngay từ cơ sở những nhân tố gây mất ổn định. Thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, nhất là đồng bào các tỉnh giáp biên của nước bạn Lào và Căm-pu-chia. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhân dân trong sự nghiệp phát triển. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư tưởng. Chú trọng hơn nữa việc xây dựng đội ngũ cán bộ, có cơ cấu hợp lý, đủ sức giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh ở cơ sở. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chuyển biến rõ nét trọng tâm làm theo. Xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Chú trọng xây dựng lực lượng cốt cán ở cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, phát huy vai trò mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

Đại hội đã đề ra bảy nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu chủ yếu, bảy giải pháp cơ bản để thực hiện các nhiệm vụ.

̣Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2010-2015) gồm 55 đồng chí,  trực tiếp bầu đồng chí Hà Ban (Phó bí thư Tỉnh ủy khóa XIII, Chủ tịch UBND tỉnh) làm Bí thư Tỉnh ủy khóa XIV (nhiệm kỳ 2010-2015. Bầu đoàn đại biểu đảng bộ tỉnh dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI gồm 14 đồng chí.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí;  đồng chí Y Mửi, Nguyễn Văn Hùng, Đào Xuân Quí được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy; bầu UBKT Tỉnh ủy  gồm 11 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Hòa được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy khóa XIV.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất