|
Đ/c Nguyễn Văn Tấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone.
|
Hiệu quả từ đổi mới mô hình lãnh đạo, điều hành kinh doanh
Chia sẻ về hành trình đầy tự hào và cũng lắm gian nan của VNPT VinaPhone tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 diễn ra ngày 19-12-2023 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Tấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết, VNPT VinaPhone được thành lập từ năm 2015, gồm các công ty dọc và bộ phận kinh doanh tại 63 viễn thông tỉnh, thành phố, được Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) giao nhiệm vụ là đơn vị chủ lực tổ chức triển khai kinh doanh các sản phẩm dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin của Tập đoàn cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình, tổ chức và doanh nghiệp. Trong đó, nhóm sản phẩm dịch vụ viễn thông bao gồm dịch vụ di động, băng rộng cố định và MyTV của Tổng Công ty đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin của Tập đoàn.
Sự đa dạng về nguồn nhân lực, về văn hóa vùng miền, về nền tảng hoạt động kinh doanh… đã tạo ra lợi thế đa sắc màu trong kinh doanh của VNPT VinaPhone nhưng cũng bộc lộ những điểm còn hạn chế, thể hiện ở kết quả kinh doanh của một số nhóm tỉnh, thành phố duy trì tăng trưởng liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn có nhiều địa phương không đạt mức tăng trưởng kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính của sự hạn chế đó là hoạt động điều hành tổ chức kinh doanh chưa thực sự bài bản trên toàn hệ thống, từ đó dẫn đến các “điểm nghẽn” trong công tác triển khai kinh doanh tại một số tỉnh, thành phố. Các hoạt động điều hành, chương trình hành động của Tổng Công ty triển khai xuống một số địa bàn chưa được tổ chức thực hiện đầy đủ, khoa học và hiệu quả để mang lại kết quả cuối cùng là tăng trưởng doanh thu, thị phần dịch vụ.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông truyền thống lại đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức đến từ xu hướng giảm nhu cầu sử dụng dịch vụ thoại, tin nhắn SMS của khách hàng; sự cạnh tranh gay gắt của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước và quốc tế cũng như sự thắt chặt quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Tương lai của các dịch vụ viễn thông truyền thống còn bị “đe dọa” bởi sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT, mạng ảo, robotics, phần mềm điều khiển eKYC… đang từng bước làm thay đổi thói quen của khách hàng. Từ một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh và cao, ngành viễn thông Việt Nam lại ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm dần đều, năm 2022 chỉ tăng 1,6%.
Trong bối cảnh đó, đòi hỏi VNPT VinaPhone phải thay đổi phương thức tổ chức kinh doanh dịch vụ để đáp ứng vượt trội nhu cầu của khách hàng, tận dụng các ưu thế về hạ tầng, mạng lưới, công nghệ, nguồn nhân lực… để dành được lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Đặt trong bối cảnh số hóa toàn cầu và chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra toàn diện trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, với mục tiêu khẳng định vị thế tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia, VNPT VinaPhone đã sớm đặt ra bài toán về chuyển đổi số, quyết liệt triển khai những giải pháp cụ thể để hiện thực hóa việc chuyển đổi số toàn diện, chuyển đổi số ở mọi hoạt động của doanh nghiệp.
“Việc đổi mới mô hình điều hành kinh doanh dịch vụ cốt lõi, từ đó nâng cao năng lực điều hành, tổ chức triển khai thực hiện, nâng cao năng lực cạnh tranh để đảm bảo hoạt động kinh doanh dịch vụ tăng trưởng bền vững là hết sức cần thiết đối với VNPT Tổng Công ty. Khó khăn nhất, thử thách lớn nhất đặt ra buộc VNPT VinaPhone phải vượt qua là thay đổi tư duy chỉ đạo, điều hành”, đồng chí Nguyễn Văn Tấn nhấn mạnh. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/ĐUĐT ngày 14-7-2021 của Đảng ủy Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam về đổi mới mô hình kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh đảm bảo tăng trưởng bền vững của Tập đoàn; sự chỉ đạo của Lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Đảng bộ Tổng Công ty đã định hướng những nội dung đổi mới quan trọng của mô hình điều hành kinh doanh dịch vụ cốt lõi.
Đầu tiên là việc đổi mới mô hình điều hành kinh doanh sao cho vừa phải bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, năng động, liên tục đổi mới sáng tạo, vừa phải có tính kế thừa và phát huy hiệu quả của VNPT tại các cấp Tập đoàn, Tổng Công ty và địa bàn tỉnh, thành phố trên cơ sở đổi mới mô hình điều hành kinh doanh tại khối tập trung của Tổng Công ty và các trung tâm kinh doanh VNPT tỉnh, thành phố; bảo đảm sự điều hành xuyên suốt của Tập đoàn, Tổng Công ty đến từng địa bàn và đến người lao động.
Tiếp đến là điều hành tổ chức kinh doanh theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, đẩy mạnh tương tác của khách hàng với VNPT thông qua các ứng dụng trực tuyến, hệ sinh thái do VNPT xây dựng hoặc kết hợp với các đối tác triển khai; từ đó nâng cao trải nghiệm của khách hàng, gắn bó khách hàng trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của VNPT. Đặc biệt, việc đổi mới mô hình điều hành kinh doanh phải dựa trên phân tích dữ liệu lớn tạo ra nguồn thu mới nhờ tiếp cận thông tin giá trị về khách hàng trong bối cảnh rộng hơn và ngày càng dựa vào kết quả phân tích cũng như trí tuệ của phần mềm để đưa ra đánh giá, nhận định phù hợp. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với VNPT VinaPhone để có thể đưa ra những quyết sách, chiến lược cụ thể phục vụ cho công tác kinh doanh. Không chỉ vậy, việc tăng cường phân cấp, phân quyền; triển khai các cơ chế tạo động lực mạnh mẽ cho lực lượng bán hàng và gắn trách nhiệm của từng cá nhân các cấp trong quá trình triển khai kinh doanh cũng được đặt ra với từng đơn vị trực thuộc.
Để triển khai định hướng đổi mới mô hình điều hành kinh doanh dịch vụ cốt lõi đến toàn bộ cán bộ, đảng viên, người lao động tại 63 tỉnh, thành phố, Đảng bộ Tổng Công ty đã ban hành Kết luận số 336-KL/ĐUTCT ngày 28-6-2023 về đổi mới mô hinh kinh doanh dịch vụ cốt lõi, trong đó các nội dung đổi mới cơ bản gồm có: (1) Chuẩn hóa mô hình điều hành: Mô hình hóa hành trình trải nghiệm khách hàng toàn trình trên môi trường Online/Offline đối với các dịch vụ cốt lõi. Từ đó, gắn nhân sự (nhân viên, quản lý) chịu trách nhiệm thực hiện tại từng điểm chạm. (2) Minh bạch nhiệm vụ từng cấp: Thực hiện mô tả công việc rõ ràng, cụ thể cho từng chức danh tại từng điểm chạm để đảm bảo công việc rõ ràng, minh bạch, không chồng chéo và hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng tốt nhất. Từng vị trí chức danh đều có chỉ tiêu đo đếm tiến trình thực thi nhiệm vụ cụ thể, đo đếm được bằng các công cụ công nghệ thông tin. (3) Tường minh về cơ chế: Triển khai các cơ chế thúc đẩy tập thể, cá nhân người lao động gắn với kết quả kinh doanh nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho từng chức danh, từng điểm chạm trên hành trình trải nghiệm khách hàng nhằm phát huy năng lực, phẩm chất của cán bộ, công nhân viên để phục vụ khách hàng tốt nhất. (4) Đưa dữ liệu phục vụ kinh doanh: Dữ liệu phục vụ điều hành, bán hàng được tối ưu hóa và cung cấp đến người lao động để nâng cao năng suất lao động tại tất cả các vị trí công việc.
Những bài học kinh nghiệm
Mặc dù mới triển khai từ giữa năm 2023 và cần phải tiếp tục hoàn thiện nhưng bước đầu, việc đổi mới mô hình điều hành kinh doanh dịch vụ cốt lõi đã mang lại những kết quả tích cực: Dịch vụ di động, tính đến hết tháng 10-2023 tăng trưởng bằng 100,26% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thuê bao di động phát triển mới đạt trên 5 triệu thuê bao, tăng trưởng gần 140% so với cùng kỳ năm 2022, đem lại doanh thu phát triển mới tăng trưởng gần 140% so với cùng kỳ năm 2022. Đối với các chương trình di động hiện hữu cũng chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, tỷ lệ thuê bao chu kỳ dài gia hạn trên toàn kênh tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Các thuê bao mua gói cũng phát triển nhanh, với mức doanh thu tăng trưởng gần 30%/tháng… Các dịch vụ băng rộng cố định và MyTV cũng đạt vượt so với kế hoạch đề ra.
Bên cạnh việc những thay đổi về chỉ đạo, điều hành theo hướng chuyển đổi số, VNPT VinaPhone cũng không ngừng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tối ưu nhất. Theo Công ty đo kiểm dữ liệu in-tơ-net Ookla (Mỹ), VinaPhone là mạng di động có tốc độ nhanh nhất Việt Nam với tốc độ tải xuống trung bình đạt mức 52,39 Mbps. Điều này cho thấy sự quyết tâm của VNPT VinaPhone trong việc chinh phục sự hài lòng của khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh trong ngành.
TS. Nguyễn Văn Tấn nhấn mạnh, để có được kết quả triển khai như trên, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực trong triển khai của tập thể cán bộ lãnh đạo, công nhân viên Tổng Công ty, phải kể đến vai trò lãnh đạo, định hướng kịp thời và đúng đắn của cấp ủy đảng đối với các hoạt động kinh doanh của đơn vị. Việc đưa tư duy chuyển đổi số và tư duy điều hành dữ liệu vào sản xuất - kinh doanh đúng đắn đã giúp Tổng Công ty vượt qua khó khăn, khống chế được sự suy giảm chung của thị trường và đang củng cố để tăng trưởng bền vững.
Quá trình triển khai, Đảng bộ Tổng Công ty rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng:
Một là, tăng cường sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng ủy Tập đoàn đến các tổ chức đảng tại Tổng Công ty và các công ty thành viên. Đảng bộ Tổng Công ty và các công ty thành viên cần chủ động, kịp thời ban hành các nghị quyết chuyên đề chỉ đạo đến các tổ chức đảng trực thuộc nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tư tưởng và phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong việc triển khai chương trình hành động.
Hai là, Đảng ủy, Lãnh đạo Tập đoàn chú trọng giải quyết các nút thắt, các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Đặc biệt là những nút thắt về nguồn nhân lực, cơ chế cho các công ty thành viên trong việc triển khai các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, đòi hỏi nhiều nguồn lực. Quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia gồm các đảng viên ưu tú, sẵn sàng làm việc không kể ngày đêm, vừa để triển khai hiệu quả các chương trình hành động, vừa là lá cờ đầu để làm gương cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên noi theo và triển khai chương trình tại các địa bàn.
Ba là, Khối tập trung tại Tổng Công ty cần sát sao, nắm chắc hoạt động của VNPT địa bàn tỉnh, thành phố cũng như tình hình của địa bàn; từ đó đưa ra các phương án triển khai phù hợp với năng lực quản lý của VNPT địa bàn tỉnh, thành phố, với mục tiêu cuối cùng là triển khai hiệu quả, thực chất, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Bốn là, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của Đảng ủy Tập đoàn, Đảng ủy Tổng Công ty thành các chương trình hành động, bảo đảm việc triển khai đúng hướng, đúng việc và mang lại hiệu quả thực chất. Kết hợp từ quan điểm bao trùm đến chương trình chi tiết, từ chủ trương, đường lối đến hành động thực thi cụ thể. Định kỳ sơ kết, tổng kết để kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy ưu điểm, thuận lợi để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
“Kinh doanh dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin nói chung và triển khai có hiệu quả mô hình điều hành kinh doanh dịch vụ cốt lõi trong lĩnh vực viễn thông nói riêng sẽ còn gặp nhiều thách thức trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sáng suốt và quyết liệt của Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Tổng Công ty và các công ty VNPT địa bàn tỉnh, thành phố, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng kết quả kinh doanh của VNPT VinaPhone cũng như toàn Tập đoàn VNPT sẽ có những khởi sắc trong năm 2024 và các năm tiếp theo, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch mà Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra”, đồng chí Nguyễn Văn Tấn khẳng định.
PV