Một số kết quả về đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, nhiệm kỳ 2010-2015

Đến nay, hầu hết các đảng bộ cấp trên cơ sở trong toàn Đảng đã tổ chức đại hội xong. Có thể đánh giá kết quả chính về các đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, nhiệm kỳ 2010-2015 như sau:

Ngay sau khi Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được ban hành, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương đã khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc; đồng thời ban hành các văn bản, thành lập tổ công tác chỉ đạo và hướng dẫn công tác chuẩn bị văn kiện, nhân sự đại hội; công tác tư tưởng, bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra phục vụ đại hội... Các cấp uỷ cấp trên cơ sở đã tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội theo chương trình, kế hoạch.

Công tác chuẩn bị nhân sự được các cấp uỷ triển khai thực hiện đầy đủ các bước theo đúng quy trình, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh uỷ, thành uỷ. Các đảng bộ cấp trên cơ sở đều báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của ban thường vụ các tỉnh ủy, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương về đề án nhân sự cấp uỷ khoá mới. Về cơ bản nhân sự cấp ủy khóa mới đều được tích cực chuẩn bị theo hướng bảo đảm các yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc, độ tuổi, cơ cấu ngành, lĩnh vực, số dư. Đối với nhân sự được giới thiệu bầu làm bí thư cấp ủy được các ban xây dựng đảng của tỉnh ủy, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương thẩm định chặt chẽ trước khi trình ban thường vụ cấp uỷ cho ý kiến.

Công tác bầu cử được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ đúng theo Điều lệ Đảng, Quy chế bầu cử trong Đảng, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu trong việc lựa chọn nhân sự. Nhìn chung, các đại hội đều tiến hành chia tổ thảo luận, ứng cử, đề cử giới thiệu nhân sự tham gia ban chấp hành. Hầu hết đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở đều bầu một lần đủ số lượng cấp ủy, ban thường vụ và đại biểu đi dự đại hội cấp trên.  

Hầu hết các đảng bộ đều có số lượng cấp uỷ viên khoá mới (nhiệm kỳ 2010- 2015) nhiều khoá trước. Số lượng cấp uỷ viên huyện, quận, thị xã, thành phố phổ biến 41-45 đồng chí, có nơi 47 đồng chí; các đảng bộ tương đương từ 21-29 đồng chí. Chất lượng cấp uỷ khoá mới cơ bản đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, độ tuổi, đảm bảo tính kế thừa và phát triển; tỷ lệ cán bộ nữ trúng cử ban chấp hành nhiều nơi đạt yêu cầu, có nơi đạt cao (Quận Bình Thuỷ-Thành phố Cần Thơ đạt 30,7%); một số nơi tỷ lệ cán bộ trẻ trúng cử ban chấp hành đạt yêu cầu, có nơi đạt cao (Quận Ngũ Hành Sơn-Thành phố Đà Nẵng đạt 25,7%).

Các ban thường vụ huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, quận uỷ được bầu mới đều từ 11 đến 13 đồng chí. Ở hầu hết các đảng bộ, đại hội chốt danh sách để bầu nhân sự ban thường vụ cấp ủy khóa mới về cơ bản bảo đảm có số dư không dưới 20%.

Kết quả bầu bí thư, phó bí thư được tập trung. Nhiều đồng chí mạnh dạn ứng cử vào chức danh bí thư cấp uỷ khoá mới; phần lớn danh sách đề cử bầu các chức danh phó bí thư không có số dư. Về số lượng phó bí thư, đa số cấp ủy cấp huyện bầu 2 phó bí thư; một số nơi bầu 3 phó bí thư, trong đó có 1 phó bí thư phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng.

 Hầu hết đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở đều bầu một lần đủ số lượng đại biểu đi dự đại hội cấp tỉnh, thành phố như đã phân bổ; đồng thời bầu thêm 1-2 đại biểu dự khuyết.

Đối với các đảng bộ thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ: Ở hầu hết các đảng bộ, nhân sự được đại hội và cấp uỷ khoá mới thống nhất giới thiệu để bầu chức danh bí thư cấp uỷ đều trúng cử với số phiếu cao. Tỷ lệ phiếu bầu trực tiếp chức danh bí thư cấp uỷ của các đại hội đều đạt từ 88,4% trở lên; nhiều đảng bộ đạt 100% (các huyện: Lục Yên - Yên Bái; Yên Châu - Sơn La; Lạng Giang - Bắc Giang; Thoại Sơn - An Giang; Quận Ngũ Hành Sơn -Thành phố  Đà Nẵng; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam...). Đa số các đồng chí bí thư cấp uỷ khoá mới được đại hội bầu trực tiếp là tái cử, một số đồng chí đang thực hiện thí điểm chủ trương chức danh bí thư huyện uỷ đồng thời là chủ tịch UBND huyện.

Tuy nhiên, một số đảng bộ do nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng, có đơn thư tố cáo với nhiều nội dung, cần phải kiểm điểm rõ đúng, sai, vì vậy chỉ tiến hành đại hội với 3 nội dung, còn nội dung bầu cấp uỷ sẽ phải thực hiện sau. Một số nơi do chuẩn bị nhân sự bí thư cấp uỷ chưa kỹ, nên phải tổ chức nhiều cuộc họp cấp uỷ, ban thường vụ (ngoài quy trình nhân sự cấp uỷ khoá mới), đã làm cho tình hình nội bộ thêm căng thẳng, diễn biến phức tạp. Một số nơi bầu thiếu uỷ viên ban thường vụ, uỷ viên ban chấp hành so với số lượng cần bầu. Một số nơi, đoàn chủ tịch  không nêu rõ dự kiến phân công sau đại hội, do đó một  trong số cán bộ cùng đơn vị có yêu cầu cơ cấu lại không trúng cử. Tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ tham gia cấp uỷ khoá mới nhiều nơi không đạt yêu cầu. Do sự chỉ đạo của cấp trên thiếu sâu sát và thiếu cương quyết; cán bộ có phong cách, lối sống thiếu lành mạnh, uy tín giảm sút, nên có một số cấp ủy viên khóa cũ được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử. Một số đảng bộ chuẩn bị nhân sự để bầu tham gia đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp tỉnh, nhưng không phải là đại biểu chính thức của đại hội, nên phải huỷ kết quả bầu cử đối với nhân sự đó.

Qua thực tiễn đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, nhiệm kỳ 2010-2015 có thể rút ra một số kinh nghiệm về công tác nhân sự và bầu cử như sau:

-Tổ chức tốt việc triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ về mục đích, yêu cầu, nội dung của Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, thành uỷ về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI.

- Phải có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp uỷ cấp trên; cấp uỷ đương nhiệm phải thể hiện đầy đủ tinh thần trách nhiệm đối với công tác chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ cấp mình. Triển khai thực hiện đầy đủ các quy trình công tác nhân sự cấp uỷ khoá mới trước và trong đại hội theo đúng quy định và hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm dân chủ, công khai.

- Trong quá trình chuẩn bị đại hội, cần quan tâm chỉ đạo thực hiện toàn diện, đầy đủ các nội dung của đại hội, không quá chú trọng vào công tác nhân sự, xem nhẹ việc xây dựng, thảo luận văn kiện đại hội cấp mình cũng như văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên và Đại hội XI của Đảng.

- Việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được nguyện vọng của đa số cán bộ, đảng viên; góp phần mở rộng dân chủ trong Đảng, đề cao ý thức trách nhiệm của cấp uỷ và đại biểu đại hội. Thực tế cho thấy, khi công tác nhân sự đã được cấp uỷ chuẩn bị kỹ thì việc bầu cử bí thư cấp uỷ tại đại hội được tiến hành thuận lợi, cơ bản đúng với sự chuẩn bị của cấp uỷ đương nhiệm. Tuy nhiên, một số đại biểu đại hội đề nghị: nên rút ngắn quy trình giới thiệu và bầu bí thư cấp uỷ để tiết kiệm thời gian của đại hội.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất