An Lão là huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh Bình Định, với tổng tích 69.202ha, trong đó phần lớn là đất rừng khô cằn đang được thuần hóa thông qua các dự án trồng cây công nghiệp và trồng rừng phòng hộ; phần diện tích sử dụng cho sản xuất nông nghiệp không nhiều và cơ bản mới chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực của địa phương. Đây là địa phương có chỉ số phát triển kinh tế thấp của tỉnh và là địa bàn khó khăn đặc biệt thuộc Chương trình 30A của Chính phủ.
Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện từng bước được nâng cấp và hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại và thông thương giữa các địa bàn trong huyện, hỗ trợ sản xuất phát triển. Song song với công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng đảng luôn được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm với phương châm: Gần dân, hiểu dân, giúp dân xóa đói giảm nghèo, gắn kết giữa Đảng với nhân dân bằng hoạt động thực tiễn.
Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 10-12-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị vùng đồng bằng với các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ngày 9-5-2014 Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 68-KH/HU về việc triển khai hoạt động kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị của huyện với các thôn, xã trong toàn huyện.Đây là một trong những giải pháp quan trọng vừa nâng cao năng lực công tác của các cơ sở, vừa giúp các tổ chức đảng trong cơ quan, đơn vị của huyện bám sát cơ sở, gắn với thực tiễn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Triển khai Kế hoạch trên, các cơ quan, đơn vị trong huyện đã kịp thời nắm bắt tình hình ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhân dân các thôn, xã xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Đồng thời, gắn kết việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Việc triển khai thực hiện Kế hoạch 68-KH/TU được tiến hành đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành trong huyện; giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy và UBND huyện. Trên cơ sở Kế hoạch đã ban hành, Phòng Nội vụ huyện đã tham mưu để UBND huyện ra Quyết định về phân công 47 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp kết nghĩa, giúp đỡ 47 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đồng thời, Phòng Nội vụ huyện hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các nội dung, chương trình hoạt động kết nghĩa cụ thể.
Các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã giúp đỡ cấp ủy, chi bộ thôn trong công tác xây dựng đảng; định kỳ ba tháng xuống dự sinh hoạt chi bộ, hướng dẫn và giúp cấp ủy nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thực hiện tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Sự gắn kết này đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Hoạt động kết nghĩa đã góp phần giúp đỡ nhân dân ổn định đời sống, ngăn chặn và đẩy lùi các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, tệ nạn xã hội; tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa cán bộ, công chức, đảng viên đơn vị kết nghĩa với nhân dân.
Việc quán triệt nội dung, chương trình kết nghĩa tại các cơ quan, đơn vị trong toàn đảng bộ được tiến hành nghiêm túc, sâu rộng và nhận được sự ủng hộ của cán bộ, công chức và nhân dân các dân tộc thiểu số tại các thôn, bản. Các nội dung và hoạt động kết nghĩa được tiến hành với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, đơn vị và cấp ủy, chi bộ thôn theo những chỉ tiêu thiết thực, hiệu quả.
Ở xã An Tân, Liên đoàn Lao động huyện kết nghĩa với xã; Trung tâm DS và KHHGĐ huyện kết nghĩa với thôn Tân Lập; Kho bạc Nhà nước huyện kết nghĩa với thôn Thuận An; Ban Dân vận Huyện ủy kết nghĩa với thôn Thuận Hòa; Viện Kiểm sát huyện kết nghĩa với thôn Thanh Sơn; Cục Hải quan tỉnh kết nghĩa với thôn Gò Đồn. Các đơn vị kết nghĩa phối hợp cùng chi bộ, cán bộ thôn làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống tập tục lạc hậu, xây dựng khối đại đoàn kết. Ngoài ra, các đơn vị kết nghĩa còn tặng ti vi, đầu đĩa, tủ sách, hỗ trợ các chương trình hoạt động của thôn. Sắp tới, Liên đoàn Lao động huyện sẽ hỗ trợ cho xã xây nhà văn hóa một thôn, Những việc làm đó đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Thông qua hoạt động kết nghĩa, sự gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với nhân dân ngày càng bền chặt. Và trên hết, đó là sự chuyển biến về chất lượng hoạt động công tác xây dựng đảng. Đảng gần dân, nhân dân hiểu Đảng, ủng hộ các chủ trương của Đảng, cùng chung sức, chung lòng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
Bằng những chủ trương, biện pháp và chương trình hành động cụ thể, Đảng bộ huyện An Lão đã và đang khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện đối với hệ thống chính trị.Các tổ chức cơ sở đảng ngày càng nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng và hiệu quả công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày một nâng cao rõ rệt.
Bài: Trần Thiết
Ảnh: Minh Tân