Long An là tỉnh cửa ngõ đồng bằng Sông Cửu Long, có bề dày truyền thống lịch sử qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng. Tỉnh ủy Long An đã sớm quan tâm chỉ đạo triển khai nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng (LSĐ), lịch sử truyền thống cách mạng, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Long An là quê hương cách mạng, quê hương của nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như: Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thông, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Văn Giàu... Thời Cách mạng Tháng Tám, Long An là nơi khởi nghĩa thành công sớm nhất Nam Bộ; trong kháng chiến chống Mỹ, Long An được Trung ương khen tặng tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”; đây cũng là địa bàn có những đột phá ở thời kỳ đổi mới như tiến quân khai mở Đồng Tháp Mười, thực hiện cơ chế một giá…
Tỉnh ủy Long An từ rất sớm đã quan tâm chỉ đạo triển khai nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng (LSĐ), lịch sử truyền thống cách mạng, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước năm 2009, với tham mưu tích cực của ban tuyên giáo các cấp, sự quan tâm lãnh đạo của đảng bộ, chính quyền các cấp; sự hỗ trợ, định hướng nghiệp vụ của Viện Lịch sử Đảng, nhất là thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kế hoạch 04 của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, công tác LSĐ ở Long An đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đến nay, cả tỉnh đã xuất bản 158 ấn phẩm về LSĐ, lịch sử truyền thống, trong đó có công trình “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930 – 2000)”; 13/14 huyện, thị đã xuất bản lịch sử đảng bộ đến năm 1975; 7/14 huyện, thị triển khai biên soạn LSĐ địa phương thời kỳ sau năm 1975. Từ năm 2005 đến năm 2008 Tỉnh ủy Long An chủ trương hằng năm dành 1 tỉ đồng từ ngân sách hỗ trợ biên soạn lịch sử đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn; qua 4 năm thực hiện, hàng chục xã xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương.
Năm 2009 - 2011, Long An chú trọng việc tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức xuất bản sách LSĐ và ban hành văn bản hướng dẫn để nâng cao chất lượng công tác này. Năm 2009, tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác LSĐ; năm 2010 có hội nghị sơ kết 3 năm sử dụng kinh phí hỗ trợ biên soạn LSĐ cấp xã; năm 2011 tỉnh tiếp tục chủ trương hỗ trợ 1 tỉ đồng cho công tác biên soạn LSĐ cấp xã; năm 2010 Tỉnh ủy ban hành “Quy hoạch lộ trình biên soạn lịch sử sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh (2011 – 2015)”.
Theo đó, các cấp ủy, chính quyền đã nâng cao nhận thức về công tác LSĐ, có thêm kinh nghiệm phối hợp, điều hành, triển khai, thẩm định, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục LSĐ. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động hướng dẫn 7 huyện, thành phố, 15 đơn vị sở, ban, ngành tỉnh về nghiệp vụ viết sử; phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh mở 1 lớp tập huấn nghiệp vụ nghiên cứu biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương; mở một số hội thi tìm hiểu về LSĐ và quê hương Long An...
Ban tuyên giáo các cấp, tuyên huấn các ngành, hội, đoàn thể bước đầu tham mưu hiệu quả, tăng cường sự liên kết, cộng tác trong hoạt động viết sử; thu hút sự đóng góp tích cực của cán bộ chủ chốt, cán bộ lão thành và nhân chứng lịch sử, bổ sung được nhiều tư liệu, biên soạn lịch sử của đảng bộ.
Đáng chú ý là, Long An đã đưa lịch sử địa phương vào trường học, đến nay cấp tỉnh và 7 huyện đã biên soạn tóm tắt lịch sử địa phương để bổ sung vào chương trình giáo dục trên địa bàn. Với những nỗ lực kể trên, mạch nguồn lịch sử truyền thống đang được khơi dậy và vun đắp trong các thế hệ hiện tại và tương lai ở Long An.
Tuy vậy, trong công tác biên soạn và xuất bản sách LSĐ, bên cạnh thuận lợi, Long An cũng còn nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là sự bất cập giữa chức năng, nhiệm vụ Phòng LSĐ theo quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương với yêu cầu, nội dung công tác do Viện Lịch sử Đảng xây dựng. Từ khi cơ cấu tổ chức, nhân sự Ngành Tuyên giáo ở Trung ương và địa phương có sự điều chỉnh (năm 2008), dẫn đến một số khó khăn cho công tác biên soạn sách LSĐ, cơ chế vận hành không rõ, cán bộ nghiệp vụ mỏng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có từ 1 đến 3 cán bộ chủ yếu làm tham mưu, cán bộ cấp huyện, thành phố đều kiêm nhiệm), sự phối hợp giữa các cấp, các ngành không đồng bộ. Về chuyên môn, cả ở cấp tỉnh, huyện, ngành và cấp xã chưa có quy định của Nhà nước về bắt buộc đăng ký đề tài khoa học đối với các công trình biên soạn lịch sử địa phương, chưa có sự đánh giá, thẩm định thống nhất về giá trị khoa học và giá trị sử dụng của các công trình LSĐ đã xuất bản. Quan điểm đưa lịch sử địa phương vào trường học cũng còn những ý kiến khác nhau…
Ngoài khó khăn chung kể trên, công tác biên soạn và xuất bản sách LSĐ ở Long An còn những khó khăn riêng: tỉnh nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, nhân chứng và các nguồn tư liệu do chiến tranh bị mất mát nhiều. Qua hơn 6 năm thực hiện Chỉ thị 15, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về công tác LSĐ, việc biên soạn lịch sử đảng bộ chưa được đầu tư công sức, kinh phí thỏa đáng. Một số cấp ủy chưa xem công tác nghiên cứu LSĐ là nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng, trong giáo dục truyền thống cách mạng. Tính khoa học, tính tổng kết của một số ấn phẩm biên soạn còn hạn chế, nặng miêu tả sự kiện, hoặc sao chép, một số thiếu chính xác. Hoạt động tư vấn, tuyên truyền, giảng dạy, lưu trữ LSĐ ở từng cấp chưa được chú trọng đúng mức. Việc bố trí ngân sách cho công tác biên soạn LSĐ có lúc chưa kịp thời. Việc đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ chuyên sâu về công tác LSĐ vẫn là một yêu cầu bức thiết đặt ra cho Long An...
Đỗ Thanh Bình
B Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An