Cùng với tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, thực hiện đường lối đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, Đảng ta thường xuyên chăm lo xây dựng, và thực hiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân”(1). Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội “do nhân dân làm chủ”. Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, trong đó cán bộ, đảng viên, công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân, mọi đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân. Đảng ta cũng đã xác định các hình thức tổ chức và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các yêu cầu và nội dung của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa từng bước được thể chế hóa thành luật, pháp lệnh, nghị định và được thực hiện nghiêm túc.
Đánh giá 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991-2011), Đảng ta nhận định: “Dân chủ xã hội có bước phát triển. Quyền của công dân tham gia vào các công việc Nhà nước và xã hội, xây dựng các quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước được mở rộng và có tiến bộ. Trình độ và năng lực làm chủ của nhân dân từng bước được nâng lên”(2) .
Tuy nhiên, quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Không ít trường hợp việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức, có nơi, có lúc còn biểu hiện lợi dụng dân chủ, khiếu kiện đông người, vượt cấp hoặc gây mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tình trạng quan liêu, không thực sự tôn trọng dân chủ còn khá nặng trong một bộ phận cán bộ,đảng viên, công chức. Có biểu hiện quan liêu, xa dân ngay từ cơ sở. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18 tháng 02 năm 1998 về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thể chế hóa Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29-NQ/CP ngày 11 tháng 5 năm 1998, Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7 tháng 7 năm 2003 về Quy chế dân chủ ở xã. Trước yêu cầu về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007). Tiếp đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa X đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW, ngày 4 tháng 3 năm 2010 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong thời gian qua,việc triển khai thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được thực hiện tương đối tốt, quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng và phát huy, đã tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố. Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn vẫn còn những hạn chế, tồn tại.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cần tiếp tục quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người phát triển toàn diện. Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước”(3). Đồng thời, phải quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Với quan điểm cơ bản là: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ”(4).
Quán triệt quan điểm của Đảng, tiếp tục phát huy dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn, theo chúng tôi cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh thực hành dân chủ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh ở cơ sở xã, phường, thị trấn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất sớm và sâu sắc vấn đề dân chủ và vai trò của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Theo Người, dân chủ có nghĩa là dân là chủ. “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(5). Dân chủ là dân làm chủ. “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”(6). Người giải thích: dân là chủ thì nhà nước, chính phủ, mọi cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền phải hết lòng, hết sức tận tụy làm đầy tớ, công bộc trung thành của nhân dân. “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”(7). Đó là mục tiêu rất rõ ràng, nhưng vì có cán bộ, đảng viên, công chức nhận thức chưa đầy đủ, phương pháp công tác dân vận chưa tốt, khi gặp mỗi công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu. Cho nên có những việc trực tiếp có lợi cho dân, muốn cho được việc, nên cán bộ chỉ làm theo cách ra mệnh lệnh, cưỡng bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt. Kết quả là dân không hiểu, dân không đồng tình, công việc không đạt kết quả. Người dạy: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: Những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm”(8).
Theo Hồ Chí Minh, dân là gốc của nước, của cách mạng: “Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không nên”(9). Bởi vậy, dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Dân chủ đối lập với quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Theo Người, làm việc với dân chúng có hai cách: "1. Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh, ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng làm theo. Có nhiều cán bộ làm theo cách đó. Họ còn tự đắc cho rằng, làm theo cách đó họ vẫn làm tròn nhiệm vụ, làm được mau, lại không rầy rà. Họ quên rằng: Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho dân chúng. Việc gì, cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm. Làm theo cách quan liêu đó thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công nhưng về mặt chính trị, là thất bại. 2. Làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến quần chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do đó dân chúng vui lòng mà ra sức làm. Như thế, có hơi phiền một chút, nhưng việc gì nhất định cũng thành công"(10).
Chính vì quan niệm như vậy, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(11). Bài học về phong cách quần chúng, thực hành dân chủ của Hồ Chí Minh thực sự có ý nghĩa to lớn, vận dụng vào tình hình mới. Đặc biệt là trong công tác vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, đổi mới hệ thống chính trị cấp cơ sở xã, phường, thị trấn; phát huy chế độ dân chủ đại diện,đồng thời thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở.
Hệ thống chính trị cấp cơ sở xã, phường, thị trấn là cấp gần dân, sát dân nhất, trực tiếp quan hệ, làm việc với nhân dân, là cấp tổ chức, chỉ đạo trực tiếp, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, các quy ước, hương ước nhằm phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương, cơ sở. Vì vậy, cần tiếp tục được xây dựng, củng cố, hoàn thiện và đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX “về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”; Kết luận Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”. Theo đó, cần tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị cấp cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ mới. Xác định rõ mối quan hệ, thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp, quy định về giám sát, bản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thực hiện có hiệu quả cơ chế để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, chi bộ cơ sở. Tránh bao biện, làm thay. Đổi mới cách thức học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên. Không nên ra nghị quyết để thực hiện nghị quyết của cấp trên mà tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân với tư cách là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, nhất là trong việc thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát việc tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa phương. Nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành theo pháp luật của Ủy ban nhân dân. Phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc đoàn kết, xây dựng sự đồng thuận, tập hợp, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời với việc thực hiện tốt chế độ dân chủ đại diện thông qua việc phát huy vai trò, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân. Cần thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp để nhân dân được tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc của địa phương, cơ sở; những vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thực của họ. Nhất là những nội dung được quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Công khai thông tin đầy đủ, chính xác cho nhân dân biết về các vấn đề nhân dân cần được bàn bạc và quyết định. Bảo đảm môi trường xã hội lành mạnh, tự do, bình đẳng để người dân thể hiện ý chí của mình, không bị ép buộc, mua chuộc, lôi kéo, tạo điều kiện để người dân đóng góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương; có cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động của chính quyền. Hướng mạnh các hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở về cộng đồng dân cư thôn, bản, phố. Thực hiện tốt chế độ tự quản đối với các vấn đề liên quan đến cuộc sống thiết thực hàng ngày của nhân dân, như: xây dựng nông thôn mới; an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường; xây dựng gia đình, làng, bản, phố văn hóa; giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Đẩy mạnh các hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư theo mô hình tổ nhân dân tự quản, theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và dân hưởng lợi.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.
Cán bộ là vấn đề liên quan đến vận mệnh của Đảng, của đất nước, của chế độ, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh: cán bộ là tiền vốn của đoàn thể, cán bộ là gốc của cách mạng. Có cán bộ tốt thì việc gì cũng thành công. “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(12). Vì vậy cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ cán bộ cơ sở, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, có phong cách phục vụ nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng đảng hiện nay”.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực thực hành dân chủ ở cơ sở cho cán bộ, công chức và nhân dân.
Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Khi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng và thấy có lợi trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở thì họ sẽ chủ động, tự giác thực hiện, đồng thời khắc phục được thái độ thờ ơ của nhân dân và thái độ thiếu tích cực, tự giác của các bộ, công chức. Để công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả, cần đa dạng hóa, lồng ghép các hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, văn bản tài liệu, thông qua hội nghị, các lớp học... Đồng thời với việc tuyên truyền, giáo dục là việc nâng cao dân trí, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân nắm được quyền và nghĩa vụ của mình, thực hiện quyền làm chủ, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Thông qua đó từng bước nâng cao nhận thức về dân chủ, năng lực thực hành dân chủ của cán bộ, công chức và nhân dân.
Dân chủ và đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với nhau, tác động lẫn nhau. Việc thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Khi kinh tế phát triển sẽ tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để mở rộng và phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Quá trình đó đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý của nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân, nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, phong cách phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở.
------------------------
(1), (2) Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991-2011);NXBCTQG,HN.2010; tr.84, tr.128.
(3) Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG - ST, HN.2011, tr.100.
(4) Văn kiện HN lần thứ bảy BCHTW khóa XI, tr.40.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, HN.2000, T6, tr.515.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, HN.2000, T7, tr.452.
(7), (8) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, HN.2000, T5, tr.245; tr.246.
(9), (10) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, HN.2000, T5, tr.293; tr.294.
(11) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, HN-2000, T12, tr.249.
(12) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, HN-2000, T5, tr.240.
Ths. Lê Công Quyền
P. Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa